Caffeine là một chất kích thích được tìm thấy cà phê, trà, soda,.... có tác dụng giữ cho bạn một tinh thần tỉnh táo và tập trung làm việc. Nếu quá liều caffeine sẽ gây ra một số vấn đề về sức khỏe.
1. Thế nào là quá liều caffein?
Theo Mayo Clinic, lượng caffeine được khuyến nghị cho một người trưởng thành là 400 miligam mỗi ngày. Đối với thanh thiếu niên nên tự giới hạn không quá 100 mg lượng caffeine mỗi ngày. Riêng đối với phụ nữ mang thai nên hạn chế uống dưới 200 mg caffeine mỗi ngày, vì caffeine có thể gây hại tới thai nhi. Nếu vượt quá mức cho phép này có thể dẫn đến quá liều caffeine. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ caffeine an toàn của mỗi người là khác nhau, bởi còn dựa vào nhiều yếu tố như: tuổi tác, cân nặng và tình trạng sức khỏe.
Thời gian phân hủy 50% lượng caffeine ban đầu phải mất trung bình từ 1,5 đến 9,5 giờ. Điều này có nghĩa là có thể mất từ 1,5 đến 9,5 giờ để mức độ caffeine trong máu của bạn giảm xuống một nửa lượng ban đầu.
2. Nguyên nhân và nguy cơ gây quá liều của caffeine
Quá liều caffeine xảy ra khi bạn uống quá nhiều caffeine thông qua đồ uống, thực phẩm hoặc thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp ngoại lệ, có một số người có thể tiêu thụ lượng caffeine nhiều hơn mức khuyến nghị hàng ngày mà không gặp vấn đề gì. Thực tế, đây chỉ là khuyến cáo vì quá liều caffeine có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như ngộ độc caffeine, nhịp tim không đều và co giật. Tiêu thụ liều caffeine cao một cách thường xuyên cũng có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố.
Nếu bạn hiếm khi sử dụng caffeine, cơ thể có thể trở nên đặc biệt nhạy cảm với nó. Vì vậy hãy tránh ăn/ uống các loại thực phẩm chứa caffeine quá nhiều một lúc. Ngay cả khi bạn thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn caffeine thì vẫn nên dừng lại khi cảm thấy bất kỳ triệu chứng khó chịu nào.
3. Các triệu chứng của quá liều caffeine là gì?
Một số triệu chứng xảy ra khi bạn bị quá liều caffeine như:
- Chóng mặt
- Tiêu chảy
- Khát nước
- Mất ngủ
- Đau đầu
- Sốt
- Cáu gắt
Những triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện:
- Khó thở, tức ngực
- Nôn
- Ảo giác
- Nhịp tim không đều hoặc nhanh
- Không kiểm soát được cử động cơ bắp
- Co giật
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cũng có thể bị quá liều caffeine. Điều này xảy ra khi sữa mẹ chứa quá nhiều caffeine. Trẻ nhỏ khi bị quá liều caffeine có thể xảy ra một số triệu chứng như: buồn nôn và cơ liên tục căng thẳng và sau đó thư giãn. Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn của quá liều caffeine có thể đi kèm như: nôn mửa, thở nhanh và sốc.
Nếu bạn hoặc em bé gặp phải các triệu chứng này, hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
4. Chẩn đoán và điều trị quá liều caffeine
Chẩn đoán:
Để chẩn đoán tình trạng quá liều caffeine, bác sĩ có thể dựa vào tình trạng cấp cứu và thực hiện một số biện pháp như: theo dõi nhịp thở, nhịp tim và huyết áp, xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu.
Điều trị:
Một số phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng quá liều caffeine:
- Dùng than hoạt tính đưa caffeine ra khỏi cơ thể
- Sử dụng thuốc để ngăn không cho caffeine đi vào đường tiêu hóa.
- Nếu caffeine đã đi vào đường tiêu hóa, người bệnh được chỉ định uống thuốc nhuận tràng hoặc thậm chí là rửa dạ dày. Rửa dạ dày bao gồm sử dụng một ống để rửa caffeine ra khỏi dạ dày.
Trong thời gian này, người bệnh sẽ được theo dõi nhịp tim thông qua điện tâm đồ hoặc các thiết bị hỗ trợ thở khi cần thiết.
Để ngăn ngừa quá liều caffeine, bạn nên tránh tiêu thụ quá nhiều lượng caffeine. Quá liều caffeine có thể được điều trị mà không gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài. Nhưng tình trạng này có thể gây tử vong, đặc biệt đối với những bệnh nhân nhỏ tuổi như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nguồn tham khảo: healthline.com