Caffeine là hoạt chất có trong nhiều loại thực phẩm, đồng thời cũng là thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau. Caffein tương tác nhiều mức độ khác nhau với nhiều loại thuốc, do đó người bệnh cần hết sức lưu ý khi sử dụng.
1. Caffeine là gì?
Caffeine là một chất hóa học có trong cà phê, trà, cola và các sản phẩm khác như nước ngọt, nước tăng lực,... Caffein trong thực phẩm được sử dụng phổ biến để cải thiện sự tỉnh táo của tinh thần. Trong lĩnh vực dược phẩm, caffeine thường được kết hợp với các thuốc giảm đau khác (như aspirin, paracetamol) hoặc ergotamine để tăng hiệu quả giảm đau nửa đầu, đau đầu thông thường, đau đầu sau phẫu thuật,...
Caffeine hoạt động bằng cách kích thích hệ thống thần kinh trung ương, tim, cơ và trung tâm kiểm soát huyết áp. Caffeine có thể làm tăng huyết áp và lợi tiểu, tuy nhiên không phải ai sử dụng Caffein cũng gặp hiện tượng này.
2. Các tương tác giữa Caffeine và thuốc
2.1. Tương tác giữa Caffeine và Ephedrin
Đây là một tương tác cần đặc biệt chú ý, cả cafein và Ephedrin đều là thuốc kích thích thần kinh trung ương. Uống thuốc caffeine trong quá trình điều trị bằng Ephedrin có thể gây quá nhiều kích thích, tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ, đôi khi là các vấn đề về tim. Ở người bệnh nhạy cảm, dù dùng liều thấp ephedrin với cafein cũng có thể gây mất ngủ, lo lắng, lú lẫn.
2.2. Tương tác giữa Caffeine và Adenosine
Thuốc Adenosine được sử dụng để điều trị loạn nhịp tim. Một số loại Adenosine cũng được dùng trong kiểm tra tim gắng sức, theo đó, caffeine có thể làm giảm hiệu quả của Adenosin. Do đó, cần ngừng uống thuốc và sử dụng các sản phẩm có chứa Caffeine ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện các bài kiểm tra mức độ gắng sức của tim.
2.3. Tương tác với các thuốc làm giảm tốc độ đào thải Cafein ra khỏi cơ thể
Cơ thể sẽ phá vỡ Caffeine để loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên một số thuốc dùng đồng thời Caffein có thể ngăn cản quá trình này, làm người bệnh tăng nguy cơ gặp các tác dụng của caffein như đau đầu, bồn chồn, buồn nôn, tăng nhịp tim,...
Các thuốc tương tác với Caffein làm giảm tốc độ đào thải Caffein gồm:
- Các kháng sinh nhóm quinolon như Ciprofloxacin, Norfloxacin, Sparfloxacin, trovafloxacin, grepafloxacin,...
- Thuốc điều trị dạ dày Cimetidine
- Thuốc điều trị nghiện rượu Disulfiram
- Các thuốc estrogen như ethinyl estradiol, estradiol,...
- Thuốc điều trị rối loạn tâm thần Fluvoxamine
2.4. Tương tác giữa caffein với các thuốc làm giảm tốc độ đào thải thuốc đó
Caffeine có thể làm giảm tốc độ đào thải tác dụng một số thuốc, từ đó làm tăng tác dụng và cả tác dụng phụ của thuốc đó. Một số thuốc tương tác dạng này với caffeine là:
- Thuốc chống loạn thần Clozapine
- Thuốc điều trị bệnh xơ cứng teo cơ Riluzole
- Thuốc điều trị huyết áp Verapamil
- Thuốc điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Theophylin
2.5. Tương tác giữa caffeine với các thuốc làm tăng tốc độ đào thải thuốc đó
Sau quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa, cơ thể sẽ có cơ chế tự nhiên để loại bỏ thuốc Lithium ra khỏi cơ thể. Caffeine có thể làm quá trình đào Lithium nhanh hơn. Nếu bạn uống caffein và thuốc lithium, hãy ngừng dùng các sản phẩm có caffeine từ từ. Ngừng caffeine quá nhanh có thể làm tăng tác dụng phụ của lithium.
2.6. Tương tác giữa caffeine và các thuốc có tác dụng kích thích thần kinh
Caffein có thể gây kích thích cơ thể, một số loại thuốc khác cũng có tác dụng tương tự. Khi dùng các thuốc này cùng với caffeine có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, căng thẳng,...
Các thuốc tương tác loại này với caffein bao gồm:
- Thuốc điều trị trầm cảm (MAOIs) như Phenelzine, Tranylcypromine,...
- Thuốc co mạch giúp làm thông mũi Phenylpropanolamine
- Diethylpropion, Epinephrine, Phentermine, Pseudoephedrine,...
2.7. Tương tác giữa Caffeine và các thuốc chậm quá trình đông máu
Caffeine có thể làm chậm quá trình đông máu. Uống caffeine và thuốc chậm quá trình đông máu có thể làm tăng nguy cơ bị bầm tím và chảy máu. Một số thuốc làm chậm quá trình đông máu gồm: aspirin, clopidogrel, diclofenac, ibuprofen, naproxen, dalteparin, enoxaparin, heparin, warfarin,...
2.8. Tương tác giữa Caffeine và Pentobarbital
Uống caffein và thuốc Pentobarbital có thể giảm tác dụng làm dịu thần kinh, dễ ngủ của Pentobarbital.
Caffeine là hoạt chất có trong nhiều loại thực phẩm, đồng thời cũng là thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, Caffeine có tương tác với nhiều loại thuốc. Vì thế, để đảm bảo an toàn, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, trong trường hợp có những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov, drugs.com