Công dụng thuốc Renatab

​​Thuốc Renatab được chỉ định trong điều trị bệnh suy tim và tăng huyết áp.Vậy cách sử dụng thuốc Renatab như thế nào? Cần lưu ý những gì khi sử dụng thuốc này? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Renatab qua bài viết dưới đây.

1. ​​Thuốc Renatab là thuốc gì?

Tên thuốc: Renatab 5, Renatab 10 (tuỳ hàm lượng)

Thành phần: Mỗi viên thuốc Renatab có thành phần chính là Enalapril với hàm lượng 5mg và tá dược vừa đủ.

Nhóm thuốc: Thuốc tim mạch.

Dạng bào chế: Viên nén bao phim.

SĐK: VD-29205-18.

Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm và sinh học y tế.

Đóng gói: Một hộp gồm 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên bao phim.

2. Chỉ định của thuốc Renatab

2.1 Thuốc Renatab 5 có tác dụng gì?

Renatab 5 chứa hoạt chất Enalapril maleate, thuộc nhóm ức chế men chuyển ACE, ngăn cản quá trình chuyển từ Angiotensin I sang Angiotensin II, giúp mạch máu giãn nở để máu lưu thông dễ dàng. Do đó, có tác dụng trong điều trị tăng huyết áp và suy tim. Ngoài ra, Enalapril còn bảo vệ thận cho bệnh nhân đái tháo đường.

2.2 Chỉ định

Thuốc Renatab được chỉ định điều trị cho các trường hợp như sau:

  • Điều trị suy tim các mức độ.
  • Điều trị bệnh tăng huyết áp các mức độ: do bệnh lý thận, kèm tiểu đường vô căn.
  • Điều trị và phòng ngừa suy tim sung huyết.
  • Phòng giãn tâm thất sau nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh nhân đái tháo đường ảnh hưởng thận.

2.3 Liều dùng - Cách dùng thuốc Renatab

Liều dùng:

Điều trị tăng huyết áp nguyên phát:

  • Liều khởi đầu 1-4 viên/ngày, chia thành 1-2 lần, tùy theo mức độ tăng huyết áp tăng liều lên 8 viên/ngày sau 2-4 tuần điều trị.
  • Nên bắt đầu với liều thấp tránh tình trạng bị hạ huyết áp quá mức.

Suy tim:

  • Thường được kết hợp với Digitalis và thuốc lợi tiểu.
  • Liều khởi đầu 2,5mg/lần/ngày, tùy theo mức độ suy tim để tăng liều lên 4-8 viên/lần/ngày, chia làm 1-2 lần.

Bệnh nhân đái tháo đường ảnh hưởng thận: liều dùng bắt đầu 1 viên/lần/ngày, sau đó duy trì liều 1-4 viên/lần/ngày.

Cách dùng:

  • Renatab được chỉ định sử dụng đường uống.
  • Thuốc Renatab phải uống nguyên viên, không bẻ hay nhai vỡ thuốc.
  • Sử dụng thuốc Renatab cùng nước lọc, không uống cùng sữa, nước trái cây để hạn chế các tương tác bất lợi.
  • Có thể uống thuốc Renatab trước hoặc sau bữa ăn, thức ăn không làm ảnh hưởng sinh khả dụng của thuốc.

2.4 Xử trí khi quá liều, quên liều

Quá liều:

Trong trường hợp khẩn cấp, nên dừng thuốc Renatab và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí khi có các triệu chứng bất thường.

Quên liều:

Nếu bạn quên 1 liều, hãy dùng càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều kế tiếp, bỏ qua liều quên và dùng liều tiếp theo, không được uống bù gây tình trạng quá liều.

3. Tác dụng phụ của thuốc Renatab

Trong quá trình sử dụng thuốc Renatab, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như:

Thường gặp: đau đầu, choáng váng, lú lẫn, ho, viêm họng, đau bụng, ăn không tiêu, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, nồng độ Kali và Creatinin trong máu tăng, huyết áp tụt quá mức, loạn nhịp tim, rối loạn giấc ngủ.

Ít gặp: thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể tiểu cầu, căng thẳng đầu óc, khó thở hoặc hen suyễn, viêm mũi, hạ đường máu, viêm loét dạ dày - tá tràng.

Hiếm gặp: phản ứng dị ứng, nổi mề đay, phát ban da, quá mẫn, rụng tóc, tăng men gan, hội chứng vú to ở đàn ông, giảm ham muốn, suy gan, suy thận, thiểu niệu.

Thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc Renatab để kịp thời xử trí.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Renatab

4.1 Chống chỉ định

Thuốc chống chỉ định với những người mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc, người hẹp động mạch chủ và hẹp động mạch thận, người có tiền sử hạ huyết áp.

4.2 Lưu ý và thận trọng

  • Thận trọng khi sử dụng Renatab cho người tắt van thất trái và bộ phận bơm máu, tránh dùng khi bị sốc tim và tắc mạch máu.
  • Với các bệnh nhân suy thận, đang chạy thận, nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng, đang dùng các thuốc lợi tiểu cần theo dõi và điều chỉnh liều hợp lý.
  • Nên ngưng thuốc Renatab nếu tình trạng ho dai dẳng lâu ngày và đổi sang thuốc khác.
  • Không sử dụng thuốc Renatab với bệnh nhân suy gan, hạ huyết áp thế đứng.

Lưu ý sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú

Phụ nữ có thai: thuốc Renatab chưa được chứng minh an toàn trên phụ nữ mang thai, chỉ sử dụng khi lợi ích vượt quá độc tính, không có thuốc nào thay thế, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Phụ nữ đang cho con bú: thuốc Renatab có bài tiết qua đường sữa mẹ, nhưng ảnh hưởng của thuốc lên nhũ nhi chưa được xác định vì vậy không dùng cho phụ nữ cho con bú.

5. Tương tác thuốc

Các tương tác thuốc có thể xảy ra khi sử dụng Renatab là:

  • Khi kết hợp thuốc Renatab với các thuốc hạ huyết áp khác có thể gây hạ huyết áp quá mức, kể cả huyết áp thể đứng.
  • Khi sử dụng cùng các thuốc giãn phế quản kiểu giao cảm hoặc thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng giảm huyết áp.
  • Các thuốc giải phóng renin làm tăng sinh khả dụng của Enalapril.
  • Thuốc Renatab làm tăng nồng độ lithi trong máu dễ xảy ra tình trạng ngộ độc.
  • Enalapril dùng cùng các thuốc tránh thai gây ra tình trạng tổn thương mạch, huyết áp khó kiểm soát.

Bài viết đã cung cấp thông tin thuốc Renatab công dụng là gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Renatab theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bảo quản thuốc Renatab ở nơi khô thoáng, nhiệt độ không quá 30 độ C và tránh xa tầm với của trẻ nhỏ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

45 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan