Công dụng thuốc Kunrolac

Thuốc Kunrolac là thuốc kê đơn, được dùng để giảm đau từ vừa đến nặng sau các cuộc phẫu thuật... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Kunrolac, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Kunrolac trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Kunrolac là gì?

1.1. Thuốc Kunrolac là thuốc gì?

Thuốc Kunrolac thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm chống viêm không Steroid, thuốc điều trị bệnh Gút và các bệnh xương khớp. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 10mg, vỉ 10 viên, hộp 2 vỉ, với thành phần chính là Ketorolac tromethamine.

Thuốc Kunrolac khuyến cáo sử dụng cho trẻ từ 16 tuổi trở lên và người trưởng thành.

1.2. Thuốc Kunrolac có tác dụng gì?

Ketorolac tromethamine là một loại thuốc chống viêm không steroid ( NSAID ) có hoạt tính giảm đau, nhưng không gây nghiện hay ức chế hô hấp như các thuốc Opioid khác. Tác dụng giảm đau của Ketorolac duy trì 2 đến 3 giờ sau khi uống thuốc.

Thuốc Kunrolac được chỉ định trong các trường hợp:

  • Giảm đau mức độ vừa và nặng sau các cuộc phẫu thuật, thay thế cho các thuốc nhóm Opioid khác.
  • Sử dụng tại chỗ để điều trị triệu chứng của chứng viêm kết mạc dị ứng theo mùa.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Ketorolac tromethamine, các thuốc chống viêm không steroid khác, các chất ức chế tổng hợp prostaglandin, aspirin hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc
  • Người có tiền sử viêm loét dạ dày hoặc đã từng bị chảy máu đường tiêu hoá.
  • Bệnh nhân có xuất huyết não hoặc nghi ngờ xuất huyết não.
  • Người có cơ địa chảy máu, hay có chứng rối loạn đông máu.
  • Người bệnh có chỉ định phẫu thuật, nhận thấy có nguy cơ cao chảy máu hoặc cầm máu không hoàn toàn.
  • Người bệnh đang dùng các thuốc chống đông.
  • Bệnh nhân có phù mạch, hội chứng polyp mũi hoặc co thắt phế quản.
  • Bệnh nhân bị giảm thể tích máu lưu thông do mất nước hoặc do bất kỳ nguyên nhân nào.
  • Người bệnh bị suy giảm chức năng thận vừa và nặng.
  • Nhóm phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Trẻ em dưới 16 tuổi do độ an toàn và hiệu quả của Kunrolac chưa được xác định ở nhóm này.

2. Cách sử dụng của thuốc Kunrolac

2.1. Cách dùng thuốc Kunrolac

  • Thuốc Kunrolac dùng đường uống, người bệnh cần uống thuốc trong các bữa ăn hoặc sau khi ăn nhẹ để giảm kích ứng dạ dày, tuy nhiên có thể uống 2 liều đầu vào lúc đói để có tác dụng giảm đau nhanh hoặc có thể dùng với các thuốc kháng acid.
  • Nên uống Kunrolac với một cốc nước đầy, giữ ở tư thế đứng thẳng trong 15 đến 30 phút hoặc uống xong đi lại vài bước để giảm nguy cơ kích ứng thực quản.
  • Người bệnh cần tuân thủ đúng theo kê đơn của bác sĩ để hạn chế các tác dụng không mong muốn xảy ra.

2.2. Liều dùng của thuốc Kunrolac

Người lớn:

  • Người bệnh từ 16 đến 64 tuổi cân nặng trung bình 50 kg, có chức năng thận bình thường: 20 mg liều ban đầu, tiếp theo là 10 mg mỗi lần x 4 lần mỗi ngày, có thể uống cách nhau 4 - 6 giờ/1 lần (nếu cần).
  • Người bệnh dưới 50 kg và/ hoặc có chức năng thận bị suy giảm: 10 mg mỗi lần x 4 lần/ngày, uống cách nhau 4 - 6 giờ/1 lần (nếu cần).

Liều tối đa cho người lớn: không quá 40 mg/ngày
Người cao tuổi:

  • Liều uống sau khi đã tiêm: 10 mg/lần x 4 lần/ngày cách 4 - 6 giờ/1 lần
  • Liều tối đa kê đơn cho người cao tuổi: không quá 40 mg/ ngày.

Xử lý khi quên liều: Để đạt được tác dụng giảm đau hiệu quả thì cố gắng để không quên thuốc, nếu lỡ quên một liều thì uống ngay khi nhớ ra. Đặc biệt cần lưu ý với chỉ định dùng nhiều lần trong một ngày thì khoảng thời gian giữa 2 liều cách nhau ít nhất là 4 giờ. Cần tuyệt đối tuân thủ khoảng cách thời gian giữa hai liều. Nếu đã gần đến thời điểm cần uống liều Kunrolac tiếp theo thì không dùng liều bạn đã bỏ lỡ và chờ đến thời gian đúng theo lịch trình của liều tiếp theo. Tuyệt đối không dùng liều gấp đôi liều Kunrolac để bù cho liều bạn đã quên.

Xử trí khi quá liều:

  • Triệu chứng: hôn mê, buồn ngủ, buồn nôn, nôn và đau vùng thượng vị, thường có thể hồi phục khi được chăm sóc hỗ trợ. Xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, suy thận cấp, suy hô hấp và hôn mê, có thể xảy ra nhưng rất hiếm.
  • Xử trí: chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ. Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Gây nôn hay uống than hoạt tính (60g đến 100g ở người lớn, 1g/kg đến 2g/kg ở trẻ em) và / hoặc thuốc tẩy thẩm thấu có thể được chỉ định ở những bệnh nhân được thấy trong vòng 4 giờ sau khi uống có các triệu chứng hoặc sau khi uống thuốc quá liều (gấp 5 đến 10 lần liều thông thường). Lợi tiểu cưỡng bức, kiềm hóa nước tiểu, thẩm tách máu hoặc truyền máu có thể loại bỏ được Ketorolac khỏi máu.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Kunrolac

Lưu ý khi dùng thuốc Kunrolac như sau:

  • Không kết hợp Kunrolac với các thuốc chống viêm không steroid khác, với corticosteroid và aspirin do sẽ gây tăng tác dụng hiệp đồng của thuốc có thể dẫn đến quá liều.
  • Do tác dụng phụ của Kunrolacl là gây chóng mặt hoặc buồn ngủ, nên người bệnh không thực hiện lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các công việc cần tỉnh táo khi có các triệu chứng này.
  • Khi điều trị bằng Kunrolac cho người bệnh bị giảm chức năng thận, suy tim mức độ vừa hoặc bị bệnh về gan, đặc biệt trong trường hợp có dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu, cần xem xét nguy cơ giữ nước và nguy cơ khiến chức năng thận xấu hơn.
  • Những người có trọng lượng dưới 50 kg cần giảm liều.

Thận trọng khi dùng Kunrolac cho người cao tuổi, vì ở nhóm đối tượng này này ketorolac thải trừ chậm hơn và họ cũng nhạy cảm hơn với các tác dụng gây độc với thận và có hại ở đường tiêu hoá.

4. Tác dụng phụ của thuốc Kunrolac

Hầu hết các phản ứng bất lợi khi dùng Kunrolac có triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương như chóng mặt, đau đầu và buồn ngủ. Ngoài ra, còn có một số phản ứng ở đường tiêu hoá thường gặp như buồn nôn, khó tiêu, đau bụng và kích ứng.

Cần lưu ý rằng, người bệnh điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid như Kunrolac có thể bị suy thận cấp, tăng kali huyết hoặc cả hai. Đặc biệt thận trọng khi dùng Kunrolac trong trường hợp người bệnh đã bị suy thận trước đó.

  • Thường gặp: Phù, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, ra mồ hôi, buồn nôn, khó tiêu, đau bụng, ỉa chảy.
  • Ít gặp: Suy nhược, xanh xao, trầm cảm, phấn khích, khó tập trung tư tưởng, mất ngủ, tình trạng kích động, dị cảm, ban xuất huyết, nôn, viêm miệng, loét dạ dày, táo bón dai dẳng, phân đen, ngứa, mày đay, nổi ban, hen, khó thở, đau cơ, đi tiểu nhiều, thiểu niệu, bí tiểu, rối loạn thị giác.
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, bao gồm phù thanh quản, co thắt phế quản, hạ huyết áp, nổi ban da, phù phổi, ảo giác mê sảng, chảy máu sau phẫu thuật, hội chứng Lyell, hội chứng Stevens – Johnson, viêm da tróc vẩy, ban da dát sần, co giật, tăng vận động, suy thận cấp, tiểu tiện ra máu, ure niệu cao, nghe kém.

5. Tương tác thuốc Kunrolac

  • Aspirin: Khi dùng Kunrolac với aspirin, liên kết với protein của nó bị giảm, mặc dù độ thanh thải của Kunrolac không bị thay đổi. Không khuyến cáo dùng đồng thời chế phẩm có chứa ketorolac tromethamine và aspirin, vì khả năng tăng tác dụng phụ.
  • Thuốc lợi tiểu: Kunrolac có thể làm giảm tác dụng lợi tiểu natri của furosemide và thiazide ở một số bệnh nhân. Trong khi điều trị đồng thời với thuốc chống viêm không steroid, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ để tìm các dấu hiệu suy thận, cũng như để đảm bảo hiệu quả lợi tiểu.
  • Probenecid: Sử dụng đồng thời Kunrolac và probenecid dẫn đến giảm độ thanh thải và thể tích phân bố của ketorolac, đồng thời tăng đáng kể nồng độ ketorolac trong huyết tương. Do đó, chống chỉ định sử dụng đồng thời Kunrolac và probenecid.
  • Lithium: Thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) làm tăng nồng độ lithi trong huyết tương và giảm độ thanh thải lithi ở thận. Do đó, khi sử dụng đồng thời với thuốc chống viêm không steroid và lithi, bệnh nhân cần được quan sát cẩn thận các dấu hiệu ngộ độc lithi.
  • Methotrexate: Thận trọng khi sử dụng thuốc nhóm NSAID đồng thời với methotrexate.
  • Thuốc kích thích thần kinh: Ảo giác đã được báo cáo khi sử dụng Kunrolac cho bệnh nhân dùng thuốc kích thích thần kinh (fluoxetine, thiothixene, alprazolam ).
  • Pentoxifylline: Khi sử dụng các chế phẩm có ketorolac tromethamine đồng thời với pentoxifylline thì có xu hướng tăng chảy máu.

Thời gian bảo quản thuốc Kunrolac là 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Bảo quản Kunrolac ở nhiệt độ phòng phù hợp từ 15 đến 30 độ C, không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, hay để ở các vị trí có nguồn nhiệt cao như cạnh bên tivi, máy sưởi hoặc tủ lạnh dễ dẫn đến việc viên thuốc bị biến đổi. Tránh để thuốc ở những nơi ẩm ướt như trong nhà tắm, hay những nơi có độ ẩm cao dưới 70% dễ sản sinh nấm mốc. Nên để thuốc trên cao khỏi tầm với của trẻ nhỏ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

25 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan