Công dụng thuốc Iohexol

Iohexol là chất cản quang có chứa iod, không ion hóa, được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc đường tiêm nhằm làm hiện rõ cấu trúc của cơ thể trên phim chụp X quang.

1. Iohexol là thuốc gì?

Iohexol có bản chất là chất cản quang không ion hóa và chứa iod. Thuốc Iohexol chủ yếu được sản xuất dạng tiêm với nhiều hàm lượng khác nhau. Tất cả những dạng sản xuất đều chứa 1,21mg Tromethamin và 0.1mg calci dinatri edetat.

Thuốc Iohexol được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Chụp X - quang ống sống như vùng thắt lưng, ngực, cổ và toàn cột ống sống ở cả người lớn và trẻ em.
  • Chụp X- quang tim mạch gồm chụp động mạch vành và buồng tim. Chụp X - quang hệ mạch gồm động mạch chủ, động hoặc tĩnh mạch). Trong đó, chụp động mạch chủ bao gồm cung động mạch chủ, động mạch chủ lên, động mạch chủ bụng cùng các nhánh. Chụp các động mạch khác như não hoặc các động mạch ngoại biên. Chụp tĩnh mạch ngoại biên để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu, chẩn đoán và đánh giá các u cũng như bệnh về mạch máu.
  • Sử dụng trong chụp X- quang niệu quản qua đường tĩnh mạch.
  • Chụp X - quang một số thoát vị.
  • Chụp cắt lớp điện toán não, cắt lớp điện toán cơ thể nhằm đánh giá và phát hiện những tổn thương ở gan, tụy, thận, trung thất, khoang bụng và khoang sau màng bụng,...
  • Chụp X-quang ống tụy thông qua nội soi tụy ngược dòng.
  • Chụp X- quang hệ thống đường mật - tụy qua nội soi mật ngược dòng có sử dụng thuốc Iohexol.
  • Chụp X- quang khớp trong bao hoạt dịch dùng chất cản quang.
  • Làm chất cản quang trong chụp X- quang tử cung - vòi trứng.
  • Chụp X-quang dạ dày và ruột.

2. Các trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Iohexol

Những trường hợp sau không nên sử dụng thuốc Iohexol trong chụp X-quang:

  • Những bệnh nhân có mẫn cảm với Iohexol hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc. Những người có tiền sử sốc phản vệ hoặc có phản ứng muộn ngoài da với thuốc tiêm chứa iod.
  • Những bệnh nhân có nhiễm độc tuyến giáp rõ.
  • Chống chỉ định chụp tử cung - vòi trứng ở phụ nữ có thai.
  • Không sử dụng thuốc Iohexol cho những bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc mắc bệnh hen, người suy thận nặng, mắc đái tháo đường, mẫn cảm với iod không kể người lớn hay trẻ em.
  • Trường hợp tiêm trong ống tủy: Không sử dụng Iohexol cho những người nghiện rượu mạn, người bị chảy máu dưới màng nhện, có tiền sử động kinh, nhiễm khuẩn toàn thân hoặc cục bộ nặng hay xơ cứng lan tỏa.
  • Trường hợp tiêm trong mạch: Thuốc Iohexol không dùng cho những người bị bệnh cường giáp, hồng cầu hình liềm, u tế bào ưa crom.
  • Trường hợp chụp X - quang động mạch não: Không sử dụng thuốc Iohexol để tiêm cho những bệnh nhân bị xơ cứng động mạch lâu ngày, người bị suy tim mất bù, bệnh nhân tăng huyết áp nặng, lão suy hoặc mới bị huyết khối, bệnh nhân mới bị nghẽn mạch não.
  • Trường hợp chụp X - quang niệu quản qua đường tĩnh mạch: Người bị vô niệu, đái tháo đường không được dùng thuốc Iohexol.
  • Trường hợp chụp X - quang tử cung - vòi trứng: Không dùng được thuốc Iohexol trong thời gian có kinh nguyệt, mang thai, nhiễm khuẩn; ít nhất 6 tháng sau khi sinh hoặc 30 ngày sau khi cắt lọc mẫu tế bào ở cổ tử cung.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Iohexol

Thuốc Iohexol có thể dùng theo đường uống hoặc đường tiêm. Hiện nay, thuốc được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch là phổ biến nhất.

Liều lượng sử dụng thuốc Iohexol theo đường tiêm:

  • Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và vị trí cần chụp X - quang hay CT mà bệnh nhân được sử dụng thuốc với liều lượng khác nhau. Liều lượng thuốc Iohexol sử dụng cho người lớn và trẻ em cũng khác nhau tùy theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Liều lượng theo đường uống:

  • Đối với người lớn:
    • Chụp đường tiêu hóa: Bệnh nhân uống 50 -100ml dung dịch 350mg iod/ml, không pha loãng, phụ thuộc vào tính chất thủ thuật và kích cỡ người bệnh.
    • Chụp CT cắt lớp ổ bụng: Trường hợp này cần kết hợp uống với tiêm tĩnh mạch. Uống thuốc trước khi tiêm tĩnh mạch từ 20 - 40 phút. Bệnh nhân uống 500 - 1000ml dung dịch 6 - 9mg iod/ml, sử dụng phối hợp với tiêm tĩnh mạch 100 - 150ml dung dịch 300mg iod/ml.
  • Đối với trẻ em:
    • Chụp đường tiêu hóa: Liều lượng thuốc Iohexol được sử dụng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.
    • Chụp CT cắt lớp ổ bụng: Sử dụng liều thuốc uống trước liều tiêm tĩnh mạch từ 30 - 60 phút.

4. Thuốc Iohexol gây ra những tác dụng phụ gì?

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Bệnh nhân có thể bị nhức đầu, đau lưng, chóng mặt, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng hoặc đau dạ dày, khó chịu.
  • Có biểu hiện kích ứng màng não (cứng gáy).
  • Sử dụng thuốc làm đau khớp hoặc làm bệnh đau khớp nặng lên, sưng khớp, nhịp tim chậm.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Bệnh nhân có biểu hiện nhức đầu mức độ nặng, mệt mỏi thất thường hoặc yếu cơ, sốt, vã mồ hôi. Đôi khi có cảm giác chán ăn, miệng có vị kim loại, căng giãn thận và bể thận.
  • Xuất hiện tình trạng ù tai, ngủ gà, cảm giác nóng thất thường và nhẹ.
  • Một vài bệnh nhân có tăng nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ hoặc có những thay đổi thị giác khác.
  • Cảm giác đau hoặc nóng rát tại chỗ tiêm, mày đay, tiểu tiện khó.

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Bệnh nhân xuất hiện phản ứng dạng phản vệ, phản ứng dị ứng giả với những biểu hiện điển hình như ớn lạnh, sốt liên tục, vã mồ hôi, xuất hiện ban da hoặc mày đay, hắt hơi, nghẹt mũi, phù thanh quản, sưng mặt hoặc da, thở khò khè, rối loạn nhịp thở,...
  • Hiếm gặp tình trạng hạ huyết áp nặng, nhiễm độc tim, nhịp thất nhanh hoặc rung thất, viêm tĩnh mạch huyết khối, nhịp tim chậm, thậm chí là ngừng tim.
  • Một tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân có viêm màng não vô khuẩn, co giật, co thắt phế quản hoặc phù phổi.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Iohexol

  • Đối với những bệnh nhân có mẫn cảm với iod và các chất cản quang có iod có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện phản ứng dạng phản vệ.
  • Sử dụng thuốc Iohexol làm chất cản quang trong chụp X- quang tử cung - vòi trứng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng ở người bị nhiễm khuẩn sinh dục, tình trạng viêm vùng chậu nặng thêm.Với những bệnh nhân phẫu thuật tử cung hoặc cổ tử cung cần thận trọng khi sử dụng để tránh gây biến chứng.
  • Thuốc Iohexol có thể gây tăng huyết áp ở người có u tế bào ưa crom. Do đó, cần theo dõi huyết áp trong quá trình tiến hành kỹ thuật.
  • Thuốc Iohexol có thể gây co thắt tĩnh mạch hoặc động mạch trong bệnh buerger, làm tăng nguy cơ biến chứng ở người thiếu máu cục bộ nặng.
  • Sử dụng thuốc Iohexol trong chụp X - quang động mạch não có thể làm tăng nguy cơ huyết khối và tình trạng nghẽn mạch ở người bệnh hymocystin niệu.
  • Thuốc Iohexol không được sử dụng cho đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
  • Trong chụp X - quang khớp, thuốc Iohexol có thể làm tăng nguy cơ biến chứng ở những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tại khớp hoặc gần khớp khảo sát.
  • Thuốc Iohexol sử dụng đồng thời với các thuốc hạ huyết áp có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp nặng.
  • Sử dụng thuốc tiêm Iohexol trong màng não tủy hoặc trong mạch cùng với các thuốc gây độc thận khác có thể làm tăng khả năng nhiễm độc thận.

Tóm lại, Iohexol là thuốc có chứa iod dùng làm chất cản quang trong chụp phim X - quang nhằm làm hiện rõ cấu trúc của cơ thể. Mức độ cản quang của thuốc tỷ lệ thuận với nồng độ và thể tích chất cản quang có iod trên đường tia X. Trong quá trình sử dụng, cần đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và theo dõi sát người bệnh để đề phòng các biến chứng có thể xảy ra.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

842 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan