Công dụng thuốc Fumecar

Thuốc Fumecar được bào chế dưới dạng viên nén nhai, có thành phần chính là Mebendazol. Thuốc được sử dụng trong điều trị nhiễm nhiều loại giun khác nhau.

1. Công dụng của thuốc Fumecar là thuốc gì?

Thuốc Fumecar là thuốc gì? 1 viên thuốc Fumecar có chứa 500mg Mebendazol và các tá dược khác. Mebendazol là dẫn chất benzimidazol, có phổ chống giun sán rộng. Thành phần này có hiệu quả cao trên các giai đoạn trưởng thành và ấu trùng của giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun mỏ và Capillaria philippinensis. Ngoài ra, thành phần này còn tiêu diệt được trứng giun tóc và giun đũa. Với liều cao, Mebendazol có tác dụng nhất định đối với nang sán và trùng roi Giardia lumbia.

Cơ chế tác dụng của Mebendazol là: Cản trở sự tạo thành vi ống tế bào ở ruột của giun bằng cách kết hợp vào vi ống, gây ra các thay đổi thoái hóa siêu cấu trúc ở ruột của giun. Kết quả là sự sử dụng glucose và chức năng tiêu hóa của giun bị rối loạn tới mức độ xảy ra quá trình tự phân giải. Hiệu quả điều trị của Mebendazol là 90 - 100% đối với giun đũa, giun tóc, giun kim; 70% đối với giun móc.

Chỉ định sử dụng thuốc Fumecar trong điều trị nhiễm 1 hoặc nhiều loại giun như: Giun kim, giun tóc, giun đũa, giun móc và Capillaria philippinensis.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Fumecar:

  • Người bệnh quá mẫn với thành phần của thuốc;
  • Bệnh nhân mắc bệnh gan;
  • Phụ nữ đang trong 3 tháng đầu thai kỳ;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Fumecar

Người bệnh có thể uống thuốc Fumecar cùng hoặc không cùng bữa ăn đều được. Bệnh nhân cũng có thể nhai viên thuốc trước khi nuốt. Bệnh nhân không cần nhịn đói hoặc uống thuốc xổ trong thời gian dùng thuốc tẩy giun.

Với người lớn và trẻ em trên 2 tuổi, dùng liều duy nhất 500mg. Nên dùng thuốc lặp lại sau 2 - 4 tuần nếu vẫn còn giun.

Khi dùng thuốc Fumecar quá liều, người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa, kéo dài trong vài giờ với các triệu chứng đau bụng, nôn ói và tiêu chảy. Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho Mebendazol. Nên thực hiện các biện pháp gây nôn và nhuận tràng, cho uống than hoạt tính.

3. Tác dụng phụ của thuốc Fumecar

Khi sử dụng thuốc Fumecar, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Ít gặp: Đau bụng, tiêu chảy thoáng qua, chóng mặt, đau đầu;
  • Hiếm gặp: Nổi mẩn, phù mạch, mày đay. Bệnh nhân cũng có thể bị giảm bạch cầu trung tính và rối loạn chức năng gan (kể cả viêm gan) sau khi dùng kéo dài Mebendazol với liều cao hơn so với liều khuyên dùng);
  • Rất hiếm gặp: Co giật.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Fumecar, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được kịp thời can thiệp xử trí.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Fumecar

Khi sử dụng thuốc Fumecar, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Không nên dùng chung thuốc Fumecar với bất kỳ loại thuốc nào khác có chứa Mebendazol;
  • Đã có một số báo cáo về tình trạng giảm bạch cầu trung tính và rối loạn chức năng gan (kể cả viêm gan) khi sử dụng Mebendazol kéo dài với liều cao hơn so với liều khuyến cáo;
  • Nên thông báo cho bệnh nhân giữ vệ sinh cẩn thận để phòng ngừa tái nhiễm và lây lan bệnh giun sán;
  • Nên tẩy giun định kỳ mỗi 4 - 6 tháng/lần;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Fumecar ở người có tiền sử bệnh gan;
  • Do tính an toàn của Mebendazol trong thai kỳ chưa được nghiên cứu nên không sử dụng thuốc Fumecar cho phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ;
  • Chưa biết Mebendazol có bài tiết qua sữa mẹ hay không nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc Fumecar ở bà mẹ đang cho con bú;
  • Mebendazol có thể gây đau đầu, chóng mặt thoáng qua nên cần thận trọng khi dùng thuốc cho người lái xe vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Fumecar

Một số tương tác thuốc của Fumecar gồm:

  • Cimetidin ức chế chuyển hóa Mebendazol nên làm tăng nồng độ Mebendazol trong huyết tương;
  • Sử dụng Fumecar đồng thời với các thuốc chống động kinh như carbamazepin hoặc phenytoin có thể làm giảm nồng độ Mebendazol trong huyết tương.

Khi sử dụng thuốc Fumecar, bệnh nhân nên làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để cho hiệu quả tẩy giun tốt nhất và hạn chế được những nguy cơ bất lợi. Đồng thời, trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường để giảm thiểu nguy cơ nhiễm giun.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan