Uống thuốc xổ giun khi nào là hiệu quả nhất?

Thuốc xổ giun nếu được sử dụng đúng cách có thể giúp loại bỏ các chất cặn bã có hại trong cơ thể, tăng cường lợi khuẩn và thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hoá một cách tốt nhất. Vậy nên uống thuốc xổ giun khi nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?

1. Vì sao nên uống thuốc xổ giun trong thời gian nhất định?

Giun là loại ký sinh trùng khi tồn tại lâu trong cơ thể người có thể sẽ hút hết các chất dinh dưỡng, vitamin, protein khiến con người ta trở nên suy nhược, xanh xao, thiếu máu cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Ngoài ra, việc tồn tại lâu trong đường ruột còn khiến giun thải ra các chất độc dẫn đến các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, dị ứng... Thậm chí có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như viêm loét ruột, viêm đường mật, tắc ruộtviêm tuỵ cấp.

Chính vì những tác hại trên mà con người cần đến thuốc tẩy giun có hiệu quả diệt trừ tới 98% các loại giun thường gặp như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun mỏ, giun xoắn,... Đây chính là cách đơn giản mà hữu hiệu để phòng tránh các bệnh đường tiêu hoá, tăng cường sức khỏe đường ruột, tạo cảm giác ngon miệng, giúp cơ thể hấp thu tốt các dưỡng chất thiết yếu, khoẻ mạnh và tràn đầy năng lượng hơn.

2. Có những loại thuốc sổ giun nào trên thị trường?

Thuốc xổ giun có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng giun trong đường ruột bằng cách ngăn tổng hợp nguồn dinh dưỡng cho giun, khiến chúng chết hoặc làm tê liệt cơ để cơ thể dễ dàng đào thải giun qua đường phân. Hầu hết các thuốc này chỉ diệt được ấu trùng và giun trưởng thành chứ không thể diệt hết được trứng giun. Trên thị trường có 2 loại thuốc tẩy giun chính là:

  • Thuốc tác dụng với giun ký sinh ở trong ruột: Mebendazole, Albendazole, Thiabendazole, Pyrantel có tác dụng loại bỏ hầu hết các loại giun thông thường như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, thậm chí cả sán dây. Trong đó Mebendazole dễ sử dụng hơn cả, tác động chủ yếu là ngăn cản sự tiêu thụ chất dinh dưỡng của các loại giun. Đây là loại thuốc không kê đơn, có thể tự mua uống để tẩy giun định kỳ từ 4-6 tháng/lần
  • Thuốc có tác dụng với giun ký sinh ở ngoài ruột: Nếu Ivermectin có hiệu quả loại bỏ giun lươn, giun chỉ thì Diethylcarbamazin sẽ là lựa chọn hàng đầu để điều trị giun chỉ bạch huyết.

3. Uống thuốc tẩy giun khi nào có tác dụng?

Đối với người trưởng thành, cách uống thuốc tẩy giun hiệu quả nhất là nên nhai nát viên thuốc trước khi uống với nước để gia tăng khả năng tẩy số lượng giun lớn. Ngoài ra, do đa phần các loại thuốc tẩy giun không thể tiêu diệt được trứng giun nên sau 2-4 tuần hãy dùng thêm 1 liều thuốc tẩy giun nữa để đảm bảo tiêu diệt được hết ấu trùng do trứng nở ra và số lượng giun còn sót lại.

Còn đối với trẻ em nên cho bé uống thuốc tẩy giun khi nào? Câu trả lời là khi đủ 12 tháng tuổi là có thể bắt đầu tẩy giun hoặc sớm hơn nếu có các biểu hiện nhiễm giun (đau bụng, rối loạn tiêu hoá, chậm tăng cân, hay đại tiện ra giun, ngứa hậu môn, quấy khóc về đêm và nhìn thấy giun kim). Tần suất tẩy giun tốt nhất là 2-3 lần/ năm. Có thể uống 1 viên 500mg Mebendazole duy nhất vào lúc đói hay no, không cần nhịn ăn như các thuốc tẩy giun cổ điển nhưng tốt nhất là nên uống sau bữa ăn sáng.

Lưu ý thuốc tẩy giun tránh dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi và phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu có ý định mang thai cần chủ động tẩy giun trước vài tháng. Ngoài ra còn có một số đối tượng không nên sử dụng thuốc sổ giun:

  • Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc sẽ đào thải qua sữa mẹ dẫn tới trẻ hấp thu chất độc hại. Do đó nếu buộc phải sổ giun thì mẹ nên ngưng cho con bú từ 2-3 ngày để thuốc có thời gian đào thải hết ra khỏi cơ thể.
  • Người bị suy gan, thận, hen suyễn, đang mắc bệnh cấp tính hoặc sốt cao.
  • Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc xổ giun.

4. Cách phòng ngừa nhiễm giun

Bên cạnh việc tẩy giun định kỳ, để tránh tình trạng nhiễm giun cha mẹ cũng nên phòng ngừa cho trẻ với các biện pháp như:

  • Tập thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bản thân người lớn cũng phải chú ý việc này nhất là khi chuẩn bị đồ ăn cho bé
  • Vệ sinh ăn uống, cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín và trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa
  • Vệ sinh thân thể: Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau khi trẻ đi đại tiện, không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi, không để trẻ ở truồng hay mặc quần thủng đít.
  • Bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước, không để trẻ bò lê la, nghịch đất cát.
  • Định kỳ 6 tháng cho trẻ uống thuốc tẩy giun. Nếu có thành viên trong gia đình mắc giun kim cần tẩy giun cho cả nhà.

Mặc dù những biện pháp phòng ngừa này có thể không loại trừ hoàn toàn khả năng trẻ bị nhiễm giun. Tuy nhiên cũng làm giảm thiểu nguy cơ mắc cho trẻ và cả gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

89K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan