Công dụng thuốc Bironem 1g

Thuốc Bironem 1g được bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm với thành phần chính là Meropenem. Thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn ở người lớn và trẻ em gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Meropenem.

1. Công dụng của thuốc Bironem 1g

Thuốc Bironem 1g có thành phần chính là Meropenem (dưới dạng Meropenem + Natri carbonat khan) 1g. Meropenem là kháng sinh tổng hợp phổ rộng, thuộc nhóm cephalosporin và được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Thành phần này có tác động diệt khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc có phổ hoạt tính rộng đối với các vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương, ưa khí và kỵ khí.

Chỉ định sử dụng thuốc Bironem 1g: Dùng đường tĩnh mạch (IV) điều trị các nhiễm khuẩn ở người lớn và trẻ em gây ra bởi 1 hoặc nhiều vi khuẩn nhạy cảm với thành phần Meropenem như:

  • Viêm phổi, viêm phổi bệnh viện;
  • Nhiễm khuẩn trong ổ bụng;
  • Nhiễm khuẩn đường niệu;
  • Nhiễm khuẩn phụ khoa: Viêm nội mạc tử cung và các bệnh viêm vùng chậu;
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da;
  • Viêm màng não;
  • Nhiễm khuẩn huyết;
  • Điều trị theo kinh nghiệm khi nghi ngờ nhiễm khuẩn ở người trưởng thành bị sốt giảm bạch cầu theo đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc kháng virus/thuốc kháng nấm;
  • Điều trị nhiễm khuẩn hỗn hợp bằng Meropenem đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc kháng khuẩn khác;
  • Thành phần Meropenem dùng đường tĩnh mạch cho hiệu quả ở bệnh nhân xơ hóa nang và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới mãn tính (đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc kháng khuẩn khác).

Chống chỉ định sử dụng thuốc Bironem 1g:

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Bironem 1g

Cách dùng: Thuốc Bironem 1g được dùng để tiêm tĩnh mạch trong khoảng 5 phút hoặc truyền tĩnh mạch trong khoảng 15 - 30 phút.

Thuốc tiêm tĩnh mạch nên được pha với nước vô khuẩn để tiêm (5ml cho mỗi 250mg Meropenem) cho dung dịch có nồng độ 50mg/ml. Dung dịch sau khi pha trong suốt, không có màu hoặc màu vàng nhạt. Tiêm tĩnh mạch chậm 3 - 5 phút, có thể sử dụng ngay hoặc bảo quản ở điều kiện 15 - 25°C trong 2 giờ hoặc 4°C trong 12 giờ.

Thuốc tiêm truyền: Hòa tan vào 50 - 200ml dung dịch tiêm truyền tương thích, truyền tĩnh mạch trong 15 - 30 phút.

2.1 Liều dùng ở người lớn

Liều lượng và thời gian điều trị với thuốc Bironem 1g tùy thuộc mức độ và loại nhiễm khuẩn, tình trạng của bệnh nhân. Liều khuyến cáo mỗi ngày cho người bệnh như sau:

  • 500mg Meropenem dùng đường tĩnh mạch (IV) mỗi 8 giờ: Điều trị nhiễm khuẩn đường niệu, viêm phổi, các nhiễm khuẩn phụ khoa (như viêm nội mạc tử cung), nhiễm khuẩn da và cấu trúc da;
  • 1g Meropenem dùng đường tĩnh mạch (IV) mỗi 8 giờ: Điều trị viêm phổi bệnh viện, viêm phúc mạc, nghi ngờ nhiễm khuẩn ở người bệnh giảm bạch cầu, nhiễm khuẩn huyết;
  • Bệnh xơ hóa nang: Có thể dùng tới liều lên đến 2g Meropenem mỗi 8 giờ. Đa số bệnh nhân được điều trị với liều 2g Meropenem mỗi 8 giờ;
  • Bệnh viêm màng não: Liều khuyến cáo là 2g Meropenem mỗi 8 giờ.

Liều dùng cho bệnh nhân suy chức năng thận: Nên giảm liều cho người bệnh có độ thanh thải creatinin (ClCr) dưới 51ml/phút theo hướng dẫn sau:

  • Clr 26 - 50ml/phút: 1 đơn vị liều mỗi 12 giờ;
  • Clr 10 - 25ml/phút: Nửa đơn vị liều mỗi 12 giờ;
  • Clr dưới 10ml/phút: Nửa đơn vị liều mỗi 24 giờ;
  • Meropenem được thải trừ qua thẩm phân máu. Nếu cần điều trị tiếp tục với Meropenem sau khi hoàn tất thẩm phân máu thì sử dụng 1 đơn vị liều (tùy theo loại, mức độ nhiễm khuẩn) để đảm bảo được nồng độ điều trị hiệu quả trong huyết tương.

Liều dùng cho bệnh nhân suy chức năng gan: Không cần điều chỉnh liều.

Liều dùng cho bệnh nhân cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều nếu người cao tuổi có chức năng thận bình thường, độ thanh thải creatinin trên 50ml/phút.

2.2 Liều dùng ở trẻ em

Liều dùng ở trẻ em như sau:

  • Trẻ em 3 tháng 12 tuổi: Dùng liều khuyến cáo 10 - 20mg/kg mỗi 8 giờ tùy mức độ, loại nhiễm khuẩn, độ nhạy cảm của tác nhân gây bệnh, tình trạng bệnh nhân;
  • Trẻ em có cân nặng trên 50kg: Dùng liều như người lớn;
  • Trẻ em viêm màng não: Dùng liều 40mg/kg mỗi 8 giờ;
  • Trẻ em suy thận: Chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc.

Quá liều: Quá liều không chú ý có thể xảy ra trong quá trình điều trị với thuốc Bironem 1g, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận. Việc xử trí khi quá liều chủ yếu là điều trị triệu chứng. Ở người bình thường, thuốc sẽ nhanh chóng được thải trừ qua thận. Ở bệnh nhân suy thận, thẩm phân máu sẽ giúp loại trừ Meropenem và các chất chuyển hóa.

3. Tác dụng phụ của thuốc Bironem 1g

Khi sử dụng thuốc Bironem 1g, người bệnh hiếm khi gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thông thường chủ yếu là:

  • Phản ứng tại nơi tiêm: Viêm, đau tại nơi tiêm, viêm tĩnh mạch huyết khối;
  • Phản ứng dị ứng toàn thân: Hiếm khi xảy ra, nếu có thì gồm phù mạch và các triệu chứng phản vệ;
  • Phản ứng da: Phát ban, ngứa da, nổi mề đay. Những phản ứng nghiêm trọng như hồng ban đa dạng, hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson hiếm khi được ghi nhận;
  • Tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc;
  • Huyết học: Tăng bạch cầu ái toan, giảm tiểu cầu, tăng tiểu cầu, giảm bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tán huyết, phản ứng Coombs dương tính trực tiếp hoặc gián tiếp, giảm thời gian thromboplastin một phần;
  • Chức năng gan: Tăng nồng độ bilirubin, phosphatase kiềm, transaminase và lactic dehydrogenase huyết thanh đơn thuần hoặc phối hợp;
  • Hệ thần kinh trung ương: Dị cảm, nhức đầu, co giật;
  • Tác dụng phụ khác: Nhiễm Candida miệng và âm đạo.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Bironem 1g

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Bironem 1g:

  • Thận trọng khi sử dụng Meropenem đơn trị liệu ở người bị nhiễm khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn Pseudomonas aeruginosa đường hô hấp dưới nặng;
  • Nên thường xuyên thử nghiệm độ nhạy cảm của thuốc Bironem 1g khi điều trị nhiễm khuẩn Pseudomonas aeruginosa;
  • Chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc Bironem 1g ở trẻ em bị giảm bạch cầu, suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc thứ phát;
  • Có một số bằng chứng về dị ứng chéo một phần giữa các kháng sinh carbapenem khác với kháng sinh họ beta-lactam, penicillin và cephalosporin. Trước khi bắt đầu điều trị với Meropenem, người bệnh nên báo cho bác sĩ về tiền sử quá mẫn với kháng sinh họ beta-lactam. Nếu phản ứng dị ứng với Meropenem xảy ra thì nên ngưng dùng thuốc và có biện pháp xử lý thích hợp;
  • Khi sử dụng Meropenem cho người bệnh gan, cần theo dõi sát sao nồng độ transaminase và bilirubin;
  • Có nguy cơ tăng sinh các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc Bironem 1g nên cần theo dõi bệnh nhân liên tục;
  • Không khuyến cáo dùng thuốc Bironem 1g trong trường hợp nhiễm khuẩn do các Staphylococcus đề kháng với methicillin;
  • Viêm đại tràng giả mạc có thể xảy ra khi sử dụng Meropenem, mức độ từ nhẹ tới đe dọa tới tính mạng. Vì vậy, nên thận trọng khi chỉ định thuốc kháng sinh cho người bệnh có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng. Đồng thời, cần xem xét chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc nếu bệnh nhân bị tiêu chảy liên quan tới thuốc Meropenem;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Meropenem đồng thời với các thuốc có thể gây ngộ độc trên thận;
  • Hiệu quả và sự dung nạp của thuốc Bironem 1g ở trẻ em dưới 3 tháng tuổi chưa được đánh giá. Do đó, không sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 3 tháng tuổi;
  • Chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc Bironem 1g ở trẻ bị rối loạn chức năng thận;
  • Không nên sử dụng Meropenem ở phụ nữ có thai và cho con bú, nếu cần thiết cần phải có chỉ định của bác sĩ (khi lợi ích vượt trội hơn so với các rủi ro có thể xảy ra).

5. Tương tác thuốc Bironem 1g

Một số tương tác thuốc của Bironem 1g gồm:

  • Probenecid cạnh tranh với Meropenem trong bài tiết chủ động qua ống thận, làm ức chế sự bài tiết của Meropenem qua thận, dẫn tới tăng thời gian bán thải và nồng độ Meropenem trong huyết tương. Khi không sử dụng chung với probenecid, Meropenem đã có hoạt tính thích hợp, thời gian tác động đủ dài nên không khuyến cáo sử dụng đồng thời Meropenem và probenecid;
  • Tiềm năng tác động của Meropenem trên sự gắn kết với protein hoặc chuyển hóa của các loại thuốc khác chưa được nghiên cứu. Meropenem gắn kết với protein thấp nên hiếm khi tương tác với những hợp chất khác do sự phân tách khỏi protein trong huyết tương;
  • Meropenem có thể làm giảm nồng độ acid valproic huyết thanh. Ở một số người bệnh, nồng độ acid valproic huyết thanh có thể bị thấp hơn nồng độ điều trị.

Không nên trộn Meropenem với các thuốc khác. Meropenem tương thích với các loại dung dịch tiêm truyền như: Natri clorid 0,9%, glucose 5% hoặc 10%, dung dịch glucose 5% với dung dịch bicarbonat 0,02%, dung dịch glucose 5% với dung dịch natri clorid 0,225%, dung dịch natri clorid 0,9% và dung dịch glucose 5%, dung dịch glucose 5% với dung dịch kali clorid 0,15%, dung dịch mannitol 2,5% hoặc 10%.

Khi sử dụng thuốc Bironem 1g, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng thuốc. Nếu gặp triệu chứng bất thường, bệnh nhân cũng nên sớm thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và xử trí kịp thời. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan