Công dụng của thuốc Amemoin

Thuốc Amemoin được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Methocarbamol. Thuốc được sử dụng để làm giãn cơ, giảm đau do co thắt cơ,... Đọc ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về công dụng và những lưu ý khi sử dụng loại thuốc này.

1. Công dụng của thuốc Amemoin

Thuốc Amemoin thuốc biệt dược có thành phần chính là Methocarbamol 500mg. Methocarbamol là thuốc giãn cơ và có công dụng an thần nhẹ. Thành phần này có tác dụng giãn cơ kéo dài trên các cơ xương nhờ cơ chế ức chế chọn lọc trên hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là các nơron trung gian. Từ đó, thuốc giúp làm dịu hệ thần kinh trung ương, ức chế co rút, giảm đau trung tâm, giảm nhẹ các cơn đau cấp tính và co thắt cơ.

Trong điều trị, Methocarbamol cho tác động nhanh (chỉ sau 30 phút), hiệu quả tác dụng cao và kéo dài, đồng thời hầu như không có tác dụng phụ. Liều sử dụng thông thường của Methocarbamol không làm giảm sức cơ bình thường hay phản xạ cơ. Đồng thời, Methocarbamol cũng không có ảnh hưởng lên các nơron vận động. Ngoài ra, Methocarbamol ở liều không gây độc còn có tác dụng lên hệ thần kinh trên tủy.

Chỉ định sử dụng thuốc Amemoin: Giảm đau trong các trường hợp bị đau liên quan tới co thắt cơ xương ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như:

  • Đau cấp tính và mạn tính do căng cơ, chấn thương, viêm cơ, bong gân, hội chứng whiplash;
  • Đau và co thắt cơ liên quan tới viêm khớp, căng và bong gân khớp, vẹo cổ, viêm túi chất nhờn bursa hoặc đau lưng dưới có nguyên nhân rõ ràng.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Amemoin trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng, mẫn cảm với Methocarbamol, Paracetamol hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Người mắc bệnh gan hoặc bệnh thận;
  • Bệnh nhân yếu cơ hoặc nhược cơ nặng;
  • Người có tiền sử tổn thương não;
  • Người bệnh hôn mê hoặc tiền hôn mê.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Amemoin

Thuốc Amemoin được dùng bằng đường uống. Người bệnh nên uống nguyên viên thuốc Amemoin với nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc.

Liều thông thường của Amemoin: Uống 1 viên - 3 viên/lần x 4 lần/ngày. Liều khởi đầu đề nghị ở người lớn là 2 viên mỗi 6 giờ. Liều khuyến nghị khoảng 3,2 - 4,8g Methocarbamol mỗi ngày.

Với đối tượng đặc biệt như bgười cao tuổi nên dùng liều thấp hơn để giảm đau và giãn cơ. Người bệnh gan và bệnh thận nên tăng khoảng cách thời gian giữa 2 lần dùng thuốc.

Lưu ý, Nên điều chỉnh liều dùng theo tuổi tác, mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng dung nạp của thuốc. Với trường hợp nghiêm trọng, có thể dùng thuốc trong thời gian 4 - 6 tháng. Không dùng thuốc Amemoin quá liều khuyến cáo. Thời gian điều trị được xác định là khi bệnh nhân vẫn còn đau và có triệu chứng co cơ. Khi hết các triệu chứng này thì nên ngưng dùng thuốc. Người lớn không nên dùng thuốc Amemoin quá 4g/ngày, không dùng thuốc liên tục trong hơn 3 tháng để điều trị sốt nếu chưa được bác sĩ cho phép;

Quá liều: Các biểu hiện khi uống thuốc Amemoin quá liều khá giống với triệu chứng của tác dụng phụ. Bên cạnh đó, người bệnh có thể đối diện với nguy cơ nhiễm độc gan, thận. Do vậy, bệnh nhân cần được theo dõi kỹ những biểu hiện trên da, mặt, huyết áp vì tình trạng nguy hiểm có thể diễn biến rất nhanh. Tốt nhất tình trạng của người bệnh cần được thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời, hiệu quả.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Amemoin, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra. Trường hợp đã gần với thời gian dùng liều tiếp theo thì bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên, chỉ sử dụng liều kế tiếp đúng như kế hoạch từ trước. Người bệnh không nên dùng gấp đôi liều quy định để bù vào liều đã quên.

3. Tác dụng phụ của thuốc Amemoin

Trong quá trình sử dụng thuốc Amemoin, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tổng quát: Đau đầu, phù mạch thần kinh, sốt, phản ứng phản vệ;
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, trong miệng có vị kim loại;
  • Thần kinh: Chóng mặt, giảm thị lực, run, co giật, buồn ngủ (bao gồm cơn động kinh nặng), sự phối hợp cơ bắp yếu, hay quên, nhìn đôi, mất ngủ, rung giật nhãn cầu;
  • Tâm thần: Bồn chồn, lo âu, chán ăn, lú lẫn;
  • Da và mô dưới da: Nổi mày đay, ngứa da, phát ban da;
  • Mắt: Viêm kết mạc đi kèm sung huyết mũi;
  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm bạch cầu;
  • Tim mạch: Đỏ bừng, hạ huyết áp, nhịp tim chậm, ngất xỉu;
  • Gan mật: Khó tiêu, vàng da (gồm vàng da ứ mật).

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Amemoin, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách xử trí, ứng phó phù hợp nhất.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Amemoin

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Amemoin:

  • Do chưa xác định được tính an toàn của thuốc ở phụ nữ có thai hoặc dự định có thai nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở nhóm đối tượng này;
  • Do chưa biết rõ Methocarbamol có đi vào sữa mẹ hay không nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú. Chỉ sử dụng nếu được bác sĩ kê đơn và không cho con bú trong quá trình dùng thuốc;
  • Người dùng thuốc cần được cảnh báo về việc Methocarbamol có thể làm giảm khả năng tập trung đối với các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo về tinh thần hoặc khỏe mạnh về thể chất như khi lái xe, vận hành máy móc;
  • Thận trọng khi sử dụng Methocarbamol ở người bệnh suy gan hoặc suy thận;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Amemoin ở trẻ em do hiện tại chưa có các nghiên cứu về hiệu quả, độ an toàn của thuốc trên nhóm đối tượng này;
  • Methocarbamol có tác dụng ức chế thần kinh nói chung nên người bệnh cần được cảnh báo về ảnh hưởng khi phối hợp thuốc với các chế phẩm có chứa cồn hay các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác.

5. Tương tác thuốc Amemoin

Một số tương tác thuốc của Amemoin gồm:

  • Thuốc barbiturat dùng để trị động kinh hoặc gây ngủ;
  • Các thuốc gây chán ăn để giảm cân;
  • Các thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa, thuốc chống say;
  • Thuốc kháng cholinergic (điều trị nhược cơ nặng);
  • Thuốc gây mê;
  • Các thuốc điều trị trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần;
  • Ảnh hưởng tới kết quả của một vài xét nghiệm.

Trước khi sử dụng thuốc Amemoin, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc bản thân đang dùng và các bệnh lý mình đang/từng mắc phải. Điều này giúp bác sĩ có sự cân nhắc thích hợp để chỉ định bệnh nhân dùng thuốc với liều dùng hợp lý. Đồng thời, nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cũng nên báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan