Tiểu đường là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở người cao tuổi. Đây là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như hạ đường huyết , suy thận và bệnh tim hơn so với những người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường. Việc điều trị bệnh tiểu đường ở người già cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
1. Bệnh tiểu đường ở người già
Cơ thể chúng ta chuyển hóa thực phẩm chúng ta ăn thành đường, được gọi là glucose, để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Để sử dụng glucose làm năng lượng, cơ thể chúng ta cần insulin, một loại hormone giúp glucose đi vào tế bào.
Bệnh tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) là bệnh lý mãn tính, đặc trưng bởi mức đường huyết cao (lượng đường trong máu) do cơ thể không có khả năng sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin đúng cách hoặc cả hai.
Tất nhiên người già (trên 60 tuổi) không phải là đối tượng duy nhất của tiểu đường:
- Bệnh tiểu đường type 1 (trước đây gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin hoặc tiểu đường khởi phát ở tuổi vị thành niên) thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu.
- Bệnh tiểu đường type 2 (trước đây gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin hoặc tiểu đường khởi phát ở người lớn) là loại phổ biến nhất, thường được chẩn đoán ở người lớn trên 45 tuổi, mặc dù ngày càng nhiều người trẻ tuổi đang mắc bệnh tiểu đường type 2.
- Bệnh tiểu đường thai kỳ là một loại bệnh tiểu đường chỉ xảy ra trong thai kỳ.
Bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến lối sống không lành mạnh. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường bao gồm: tuổi tác, thừa cân, yếu tố di truyền và sự giảm vận động. Tỷ lệ bệnh tiểu đường loại 2 tăng đều đặn theo tuổi.
Bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc cao ở những người:
- Trên 45 tuổi và mắc huyết áp cao;
- Trên 45 tuổi và bị thừa cân;
- Trên 45 tuổi và có người thân trong gia đình mắc (từng mắc) đái tháo đường;
- Trên 55 tuổi;
- Tiền sử đau tim;
- Có bệnh tim;
- Có hoặc từng xét nghiệm đường máu ở mức cao hơn mức bình thường;
- Có hoặc đã có lượng đường trong máu cao trong thai kỳ (tiểu đường thai kỳ);
- Có hội chứng buồng trứng đa nang và thừa cân.
2. Đặc điểm bệnh tiểu đường ở người cao tuổi
Nhiều thay đổi liên quan đến tuổi tác ảnh hưởng đến biểu hiện lâm sàng của bệnh tiểu đường. Những thay đổi này có thể làm cho việc nhận biết và điều trị bệnh tiểu đường gặp khó khăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy ít nhất một nửa số người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường thậm chí không biết họ mắc bệnh.
Một vấn đề quan trọng đối với người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường là, đôi khi, các triệu chứng có thể không rõ ràng:
- Các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như đi tiểu quá nhiều và cảm thấy khát nước, thường không rõ ràng ở người cao tuổi như ở người trẻ tuổi.
- Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2, chẳng hạn như cảm thấy mệt mỏi và ngủ mê, thường có thể bị nhầm lẫn là một phần của quá trình lão hóa thông thường. Do đó, người già mắc bệnh tiểu đường có thể không có triệu chứng và không được chẩn đoán cho đến khi xuất hiện những tổn thương rõ rệt.
- Nhiều người già cũng có các bệnh lý nền khác kèm với bệnh tiểu đường và điều này có thể làm phức tạp việc điều trị tiểu đường. Ví dụ, huyết áp cao hoặc rối loạn lipid trong máu có thể tăng tốc độ tiến triển của các biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như các vấn đề về thận, các vấn đề về mắt, các vấn đề về chân và mạch máu. Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường huyết cao dễ bị nhiễm trùng hơn những người có lượng đường trong máu bình thường.
- Một số loại thuốc, thảo dược và thuốc bổ cũng có thể có tác động đến mức đường huyết của bạn, vì vậy hãy đảm bảo cho bác sĩ của bạn biết về tình trạng tiểu đường để họ có thể đề nghị phương pháp điều trị phù hợp cho bạn.
- Bệnh nhân lớn tuổi có thể bị suy giảm chức năng nhận thức, trở thành trở ngại trong việc điều trị bệnh tiểu đường.
- Người cao tuổi thường có sức khỏe kém và dễ mắc bệnh hơn. Điều này có thể có nghĩa là các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường là phổ biến hơn và khó quản lý hơn.
- Việc tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống có thể khó khăn hơn đối với người cao tuổi
3. Biến chứng của bệnh tiểu đường ở người già
Nếu tình trạng đái tháo đường ở người già không được kiểm soát, sự tích tụ glucose trong máu có thể gây ra tổn thương cho gần như mọi cơ quan chính trong cơ thể, bao gồm cả tổn thương thận; tổn thương động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim; tổn thương mắt, dẫn đến giảm thị lực, mù lòa; rối loạn cương dương (bất lực) ở nam giới; và tổn thương thần kinh, có thể dẫn đến chấn thương và nhiễm trùng, thậm chí có thể dẫn đến cắt cụt chi.
Việc điều trị các biến chứng do bệnh tiểu đường ở người già rất khó khăn, nhưng bệnh nhân có thể kiểm soát lượng đường trong máu và giúp giảm thiểu tác động của bệnh tiểu đường trong tương lai. Việc ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường là rất quan trọng.
4. Xét nghiệm tiểu đường cần thực hiện
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán đái tháo đường ở người cao tuổi gồm có:
- Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên: được thực hiện ở thời điểm bất kỳ trong ngày
- Xét nghiệm A1C: được thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày; cho thấy mức glucose trung bình của bạn trong 3 tháng qua
- Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói: được thực hiện khi bệnh nhân nhịn ăn trong ít nhất 8 giờ
- Thử nghiệm dung nạp glucose đường uống: được thực hiện sau khi nhịn ăn qua đêm và sau đó 2 giờ sau khi uống đồ uống có đường (đây không phải xét nghiệm thường xuyên cho bệnh tiểu đường loại 2).
5. Điều trị bệnh tiểu đường ở người già
Với người già mắc tiểu đường, việc kiểm soát đường máu có thể được thực hiện bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Một số bệnh nhân cần uống thuốc tiểu đường hoặc tiêm insulin cùng với các thuốc để kiểm soát các tình trạng khác như huyết áp cao, tăng cholesterol. Một số bệnh nhân cần thực hiện đồng thời cả hai biện pháp điều trị là thay đổi lối sống và uống thuốc.
Bên cạnh đó, người già mắc tiểu đường cần thường xuyên đi khám với bác sĩ chuyên khoa để được:
- Xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra xem tình trạng tiểu đường có được kiểm soát hay không;
- Kiểm tra mắt thường xuyên để theo dõi biến chứng về mắt do tiểu đường
- Theo dõi cân nặng và giúp bạn giảm cân nếu cần thiết
- Đo huyết áp thường xuyên và đưa ra phương pháp điều trị cho huyết áp cao nếu có;
- Kiểm tra sức khỏe của bàn chân xem có dấu hiệu loét hay nhiễm trùng bàn chân nào không, kiểm soát mọi vấn đề về bàn chân đái tháo đường nếu có.
- Tiến hành xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để kiểm tra bất kỳ vấn đề về thận (bệnh thận đái tháo đường);
- Kê toa thuốc hạ đường huyết đường uống (hoặc insulin, nếu cần thiết), nếu áp dụng thay đổi lối sống không giúp bạn kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.
6. Người già nên làm gì để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường?
6.1 Kiểm soát tốt việc điều trị bệnh tiểu đường ở người già
- Theo dõi nồng độ glucose máu: Nồng độ glucose rất cao ( tăng đường huyết) hoặc mức glucose rất thấp (hạ đường huyết) đều có thể gây rủi ro cho sức khỏe của bạn. Bác sĩ điều trị sẽ đưa ra kế hoạch về thời gian mà bệnh nhân nên đi kiểm tra glucose và làm xét nghiệm A1C. Nếu bạn đang kiểm soát bệnh tiểu đường mà không dùng insulin, bạn có thể không cần kiểm tra glucose thường xuyên.
- Lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh: những thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày đều ảnh hưởng đến mức đường huyết, vì vậy với người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường nên ăn uống thanh đạm, ăn nhiều rau xanh. Giảm bớt tinh bột, các thức ăn chứa nhiều mỡ có nguồn gốc động vật. Thay thế bằng thức ăn chứa chất béo có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, lạc..., nên hạn chế các thức ăn cung cấp chất đường nhanh như bánh, kẹo, trái cây ngọt như mít, xoài, dứa....
- Vận động phù hợp: Đi bộ và các hình thức tập thể dục hàng ngày khác có thể giúp cải thiện mức glucose ở người già mắc bệnh tiểu đường.
- Uống thuốc đều đặn: bệnh nhân cần dùng thuốc theo chỉ định ngay cả khi đã cảm thấy tốt hơn, hãy báo cho bác sĩ biết bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc hoặc nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc uống thuốc (khó nuốt).
6.2 Các biện pháp giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường ở người già
- Quản lý huyết áp bằng cách kiểm tra huyết áp thường xuyên.
- Quản lý chỉ số cholesterol: Ít nhất mỗi năm một lần, hãy làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol và chất béo. Mức cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ đối với nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm đau tim và đột quỵ.
- Kiểm tra mắt hàng năm: Phát hiện và điều trị các vấn đề về mắt sớm có thể giữ cho đôi mắt của bạn khỏe mạnh.
- Kiểm tra chức năng thận định kỳ: Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến thận của bạn
- Chăm sóc cho răng và nướu: Đánh răng và xỉa răng hàng ngày. Kiểm tra răng và nướu của bạn hai lần một năm để tránh các vấn đề nghiêm trọng.
- Bảo vệ làn da của bạn: Giữ cho da luôn sạch sẽ, chăm sóc tốt nếu có vết thương nhỏ và vết bầm tím để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Kiểm tra bàn chân thường xuyên: Dành thời gian để kiểm tra bàn chân mỗi ngày, nếu có bất kỳ vết loét, mụn nước, vỡ da, nhiễm trùng hoặc tích tụ vết chai, hãy gặp bác sĩ ngay.
Tóm lại, bệnh tiểu đường ở người già là bệnh lý khá phổ biến, nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc những biến chứng nghiêm trọng, tuy nhiên nguy cơ này có thể được cải thiện rất nhiều bằng cách điều trị y tế và điều chỉnh lối sống thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.