Phục hồi sau phẫu thuật nối gân Achilles

Gân Achilles là gân lớn nhất trong cơ thể, đứt gân Achilles là một tình trạng chấn thương thường xảy ra ở những người chơi thể thao, nhưng nó có thể xảy ra với bất cứ ai. Khi gân bị đứt hoàn toàn, cần phải điều trị bằng phẫu thuật nối gân Achilles. Tập luyện phục hồi sau đứt gân Asin rất quan trọng giúp thúc đẩy quá trình liền gân, bảo tồn chức năng của khớp cổ chân và đặc biệt là không ''bị đứt lại".

1. Các nguy cơ biến chứng sau mổ nối gân Achilles

Sau khi mổ nối gân Achille (Asin), một số nguy cơ biến chứng có thể xảy ra đó là:

  • Đứt lại gân Achilles (3-6%): Thường do tập sai, tì lực lên cổ chân quá sớm sau phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng vết mổ <1%, thường xảy ra vào ngày thứ 5-7 sau mổ với các biểu hiện như vết mổ đau, đỏ, chảy dịch đục...
  • Huyết khối tĩnh mạch chi dưới <1%, thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến 2 tuần sau phẫu thuật, biểu hiện chân mổ sưng, nặng.
  • Huyết khối động mạch phổi < 0.2%, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực khó thở và có thể dẫn tới tử vong.
  • Rối loạn cảm giác da xung quanh vết mổ: Tình trạng này là do tổn thương nhánh thần kinh cảm giác trong quá trình phẫu thuật, thường có thể hồi phục từ từ, mức độ hồi phục tùy thuộc vào từng bệnh nhân.
  • Chậm liền vết thương: Do da bị căng, giảm tưới máu, nhiễm trùng...

2. Phục hồi chức năng sau nối gân Achilles

Sau khi điều trị phẫu thuật nối gân Achilles, bạn sẽ phải tập các bài tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên để tăng cường cơ bắp chân và gân gót chân.

Hầu hết bệnh nhân có thể trở lại hoạt động với mức độ bình thường như trước đây trong vòng 4-6 tháng. Điều quan trọng là bạn cần phải tiếp tục rèn luyện sức mạnh và sự ổn định của gân cơ sau đó bởi vì một số vấn đề có thể kéo dài đến một năm.

Phục hồi sau đứt gân asin tập trung vào sự phối hợp của các bộ phận cơ thể và cách bạn di chuyển. Mục đích của việc tập luyện là để đưa bạn trở lại với mức hoạt động cao nhất như trước đây. Phục hồi chức năng sau nối gân đang có xu hướng thực hiện sớm và tiến triển nhanh hơn.

Những dụng cụ bạn cần chuẩn bị để tập phục hồi sau đứt gân asin gồm có:

  • Giày cổ bàn chân chuyên biệt cho gân asin, có độn đế.
  • Nạng
  • Các dây cao su để tập kháng trở.

2.1. Giai đoạn 1: 2 tuần đầu sau phẫu thuật nối gân

Mục tiêu của việc tập luyện trong giai đoạn đầu đó là:

  • Kiểm soát sưng và viêm tại vết mổ
  • Thích nghi dần với các sinh hoạt hàng ngày với chân phẫu thuật.

Những điều cần chú ý trong giai đoạn này đó là:

  • Nẹp: Bạn cần phải đeo nẹp chân liên tục ở thư thế trùng gân Achilles.
  • Cần phải sử dụng nạng khi đi lại, chưa được tỳ lực lên chân mới phẫu thuật.
  • Nâng cao chân khi đi ngủ.

Bài tập gồm có:

  • Bài tập tuần hoàn: Tập cử động các ngón chân.
  • Bài tập lấy lại tầm vận động khớp lân cận: Tập khớp gối.
nối gân Achilles
Tập phục hồi chức năng sau nối gân Achilles

2.2. Giai đoạn 2: Từ tuần thứ 2 - 6 sau phẫu thuật

Mục tiêu của việc phục hồi đứt gân gót chân giai đoạn 2 là:

  • Giảm sưng hoàn toàn và duy trì chức năng vận động của khớp háng và khớp gối.
  • Tập đi nạng và tỳ lực dần lên bên chân phẫu thuật khi đeo giày nâng gót: Trong tuần thứ 2-4 độn gót cao 4-6cm, từ tuần thứ 4-6 độn gót 2-4cm.
  • Gấp dần bàn chân về phía mu chân tới khi bàn chân vuông góc với cẳng chân.

Những điều cần chú ý trong giai đoạn này:

  • Đi nạng: Ban đầu bạn chỉ tỳ khoảng 25-50% lực lên chân phẫu thuật, khi đi không được duỗi gối quá mức.
  • Nâng cao chân khi ngủ để giảm tình trạng sưng nề ở chân.

Bài tập gồm có:

  • Bài tập với các động tác gấp, duỗi, nghiêng khớp cổ chân.
  • Bài tập sức mạnh: Tập giống như giai đoạn trước và tập thêm bài tập kháng trở.
  • Bài tập khác: Gồm có bài tập sức mạnh cơ trung tâm và bài tập giãn cơ.

Mỗi ngày bạn nên tập từ 2-3 lần, mỗi lần 15-30 phút, để có thể chuyển sang giai đoạn tập luyện tiếp thì phải được phép của phẫu thuật viên.

2.3. Giai đoạn 3: Từ tuần thứ 8 - 16 sau phẫu thuật

Mục tiêu của các bài tập trong giai đoạn 3 đó là:

  • Có thể tỳ hoàn toàn trọng lực khi đi giày hỗ trợ cổ bàn chân, từ từ tiến tới bỏ giày. Sau tuần thứ 8, sẽ bỏ nâng gót chân, sau tuần thứ 12 có thể bỏ giày hỗ trợ.
  • Tập bỏ nạng dần dần, nhưng nếu thấy đi lại khó khăn thì cần phải quay lại dùng nạng.
  • Dần dần tập gấp bàn chân về phía mu chân.
  • Tập tăng sức mạnh cho cơ bụng chân.

Bài tập gồm có:

  • Bài tập sức mạnh của khớp cổ chân.
  • Bài tập sức mạnh cơ bụng chân.
  • Bài tập cảm nhận thăng bằng chỉ áp dụng với người trẻ, người có nhu cầu chơi thể thao từ tuần thứ 8-12.

Sau 16 tuần tập luyện, hầu hết bệnh nhân có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường. Riêng với các vận động viên, người chơi thể thao cần tập luyện các bài tập nâng cao với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên riêng để có thể đạt được điều này.

Có thể nói, phục hồi chức năng có vai trò quan trọng giúp người bệnh tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Để làm được điều đó, bên cạnh máy móc hiện đại chuyên dụng và phương pháp luyện tập khoa học, thì để điều trị phục hồi có hiệu quả cũng cần thời gian và sự kiên trì của cả người tập và người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan