Lưu ý khi dùng thuốc trị thoái hóa cột sống

Mặc dù thoái hóa cột sống không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại khiến người bệnh gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, cần điều trị thoái hóa cột sống kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng ảnh hưởng nặng nề.

1. Thoái hóa cột sống là bệnh gì?

Thoái hóa cột sống là bệnh lý viêm xương khớp ở cột sống, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí đoạn đốt sống nào của cột sống như cột sống cổ, cột sống ngực (trên và giữa lưng) hoặc cột sống thắt lưng (phần lưng dưới). Tuy nhiên, thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống lưng là các vị trí thường gặp nhất.

Thoái hóa cột sống bắt nguồn từ nhiều yếu tố: Tuổi cao, giới tính nữ, phải lao động nặng, thói quen sinh hoạt không khoa học và chế độ ăn uống mất cân bằng dưỡng chất. Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như: Tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, do di truyền.

Một số triệu chứng thường gặp khi bị thoái hóa cột sống như:

  • Đau nhức, cứng cơ lưng, cổ và vai gáy, thường thấy vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
  • Sốt nhẹ, người thấy mệt mỏi, khó thở, có thể kèm theo đau thượng vị.
  • Xuất hiện cơn đau mức độ từ âm ỉ đến dữ dội, đau tăng lên khi vận động mạnh và giảm đi khi nghỉ ngơi.
  • Yếu các cơ vận động hoặc cảm giác tê bì chân tay. Trường hợp thoái hóa nghiêm trọng có thể chèn ép đến dây thần kinh cột sống hoặc tủy sống.
  • Nhức đầu, choáng váng hoặc đau lan đến vai.

2. Điều trị thoái hóa cột sống như thế nào?

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa cột sống, bao gồm:

2.1. Dùng thuốc

Dùng thuốc là phương pháp được sử dụng đầu tiên cũng như rất phổ biến khi phát hiện các triệu chứng bệnh. Việc dùng thuốc đúng chỉ định giúp người bệnh giảm khó chịu do các triệu chứng bệnh gây ra. Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc đúng chỉ định để đem lại hiệu quả điều trị cũng như tránh các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Dưới đây là một số thuốc thường được chỉ định bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs): Một số thuốc được dùng phổ biến như Ibuprofen, Naproxen hay Aspirin. Đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến để giảm đau do thoái hóa, ngăn ngừa các biến chứng do viêm tại vùng đốt sống bị tổn thương. Tuy nhiên, không nên dùng trong thời gian dài hay lạm dụng, bởi thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như nhức đầu, chóng mặt, ảnh hưởng đến tim, thận và dạ dày ở liều cao.
  • Thuốc có thành phần giảm đau Corticoid: Loại thuốc này giảm đau nhanh chóng hơn nên được dùng cho các trường hợp có cơn đau nhức dữ dội khi bị thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống lưng. Tương tự như các thuốc giảm đau khác, nếu dùng liều cao trong một thời gian dài, lạm dụng thuốc, dùng không đúng liều cũng sẽ có gặp các tác dụng không mong muốn như suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng, nhiễm trùng ....
  • Thuốc giãn cơ (Cyclobenzaprine hoặc Carisoprodol): Tác dụng chính của nhóm thuốc này là ngăn chặn co cứng cơ và dây chằng, giảm các cơn đau nhức ở vùng bị thoái hóa. Tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn hay dị ứng.
  • Thuốc hỗ trợ hoạt động của cột sống: Thuốc bổ sung Glucosamine giúp tổng hợp sụn khớp và hình thành nên các mô liên kết xương, các chất xơ, tinh bột và khoáng chất. Từ đó cải thiện tình trạng thoái hóa và làm khớp cột sống hoạt động trơn tru hơn. Thuốc chứa acid amin với thành phần chính là Peptan giúp tăng cường sự dẻo dai và khỏe mạnh ở đốt sống, giúp các khớp nối đốt sống linh hoạt hơn, các mô gắn kết hơn. Thuốc bổ sung vitamin B1, B6, B12 vừa có tác dụng giảm đau vừa giúp hạn chế tình trạng tê bì chân tay và tăng cường sức khỏe xương khớp.

Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị thoái hóa cột sống cổ và thuốc điều trị thoái hóa cột sống lưng:

  • Người bệnh chỉ dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc khi phát hiện các triệu chứng thường gặp có thể nhầm lẫn với một bệnh tiềm ẩn nào khác.
  • Trong quá trình dùng thuốc, tùy vào cơ địa của từng người bệnh cũng như diễn biến bệnh, các triệu chứng thoái hóa cột sống có thể nặng hơn hoặc giảm đi khi liệu pháp dùng thuốc chưa đáp ứng theo mong muốn, người bệnh cũng không nên tự ý tăng giảm liều dùng thuốc. Nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị, có thể việc thay đổi liều dùng thuốc làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đây là một bệnh mãn tính cần thời gian điều trị lâu dài, vì vậy người bệnh nên ưu tiên các loại thuốc có thành phần chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên nhằm hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể xảy ra.
  • Trong quá trình dùng thuốc chỉ nên sử dụng các thuốc được kê đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không phối hợp cùng lúc nhiều loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh thuốc tương tác thuốc có thể xảy ra và ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh nên thông báo với bác sĩ các thuốc đang sử dụng bao gồm thực phẩm chức năng, thảo dược... để được tư vấn đầy đủ.
  • Ngoài sử dụng thuốc, nên kết hợp ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng hợp lý, thực hiện các bài luyện tập giúp cột sống khỏe mạnh.
  • Trong quá trình dùng thuốc, tùy cơ địa của mỗi người bệnh có thể xảy ra bất kỳ các tác dụng không mong muốn, trường hợp này nên ngừng thuốc ngay lập tức và thông báo với bác sĩ điều trị để được can thiệp kịp thời.

2.2. Bài tập vận động điều trị thoái hóa cột sống

Một số bài tập dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên sẽ hỗ trợ tốt trong điều trị thoái hóa cột sống. Các bài tập này giúp kéo giãn cột sống một cách tự nhiên, thúc đẩy phục hồi các tổn thương ở đốt sống, đồng thời giúp các khớp đốt sống trở nên linh hoạt và dẻo dai. Bên cạnh đó, các bài tập vận động giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và tinh thần minh mẫn hơn. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý tập các bài tập vì khi chưa được bác sĩ xác định tình trạng thoái hóa và hướng dẫn. Tập không đúng cách có thể làm tăng áp lực lên cột sống, dẫn đến bệnh diễn biến nặng hơn.

2.3. Châm cứu hỗ trợ giảm đau

Theo Đông y, châm cứu giúp khai thông khí huyết, khôi phục cân bằng của khí, kích thích cơ thể tự chữa lành. Theo Y học hiện đại, châm cứu sẽ tác động vào vùng cột sống bị tổn thương, đồng thời kích thích cơ thể sản sinh ra Endorphin - là một loại chất giúp giảm đau và chống viêm tự nhiên. Tuy nhiên, châm cứu có thể gây ra một số tác dụng phụ như nhiễm trùng, liệt, teo cơ... nên người bệnh cũng phải cẩn trọng.

2.4. Phẫu thuật

Khi bị thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống và hẹp ống sống kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, phẫu thuật là điều cần thiết. Đây là phương pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác thất bại, bởi phẫu thuật cột sống tương đối nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro như có thể gây đau tim, đột quỵ, tổn thương não, buồn nôn, đau họng, khô miệng hoặc ớn lạnh, rối loạn đông máu, đau nhức hoặc nhiễm trùng.

3. Phòng ngừa thoái hóa cột sống

3.1. Chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý

  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho cơ xương khớp trong bữa ăn hàng ngày như vitamin C, D, Canxi hoặc Magie.
  • Có thể dùng kết hợp các thực phẩm chức năng có chứa Glucosamine.
  • Uống nhiều nước, mỗi ngày từ 1.5 - 2 lít nước.
  • Không dùng hoặc hạn chế rượu bia hay các chất kích thích khác như cà phê và thuốc lá.

3.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt và luyện tập hàng ngày

  • Hạn chế làm các công việc quá sức nặng nhọc, và khi làm việc cần điều chỉnh tư thế cột sống thích hợp nhằm giúp giảm áp lực lên cột sống;
  • Không nên ngồi lâu một chỗ, thay đổi tư thế ngồi đứng mỗi 60 phút, đứng lên đi lại để giúp cột sống được thư giãn;
  • Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, tránh stress bằng cách đọc sách, nghe nhạc, đi dạo;
  • Cần theo dõi và kiểm soát cân nặng hợp lý;
  • Luyện tập thể dục thể thao hợp lý, tránh tập luyện quá độ, bạn có thể lựa chọn các bộ môn nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu.

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị thoái hóa cột sống, giúp bạn có thêm kiến thức để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả nhằm hạn chế những tác dụng không mong muốn xảy ra và tăng cường hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan