Lỏng khớp gối: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Lỏng gối được hiểu đơn giản là khớp gối bị lỏng lẻo. Đây là một loại chấn thương thể thao thường gặp đặc biệt là ở những vận động viên bóng đá. Tùy theo cuộc sống và sinh hoạt của từng cá nhân, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu khác nhau. Vậy lỏng khớp gối có triệu chứng gì và cách điều trị khớp gối lỏng lẻo như thế nào?

1. Lỏng khớp gối là gì?

Lỏng khớp gối hay khớp gối lỏng lẻo là một trong những triệu chứng thường gặp do chấn thương thể thao hoặc do ảnh hưởng của bệnh lý thoái hóa khớp gối. Khi khớp gối lỏng lẻo chân người bệnh sẽ có cảm giác yếu, khó đứng trụ vững bằng một chân và đi lại rất dễ vấp té, nghiêm trọng hơn là có nguy cơ bị teo cơ, bại liệt rất cao. Chính vì vậy, việc điều trị sớm khi khớp gối lỏng là hết sức cần thiết.

2. Triệu chứng của lỏng khớp gối

Khớp gối lỏng lẻo
Ban đầu khớp gối có biểu hiện hơi sưng, người bệnh có thể không cảm thấy đau hoặc chỉ đau rất ít

Nguyên nhân của hiện tượng khớp gối lỏng lẻo do dây chằng chéo trước bị tổn thương, nó không phải là bệnh liên quan đến khớp. Để xác định xem bạn có bị lỏng khớp gối hay không có thể dựa vào một số dấu hiệu cơ bản dưới đây:

  • Ban đầu khớp gối có biểu hiện hơi sưng, người bệnh có thể không cảm thấy đau hoặc chỉ đau rất ít. Nhưng các triệu chứng này tự thuyên giảm và biến mất những ngày sau đó;
  • Chân có cảm giác yếu khi cử động, đi lại. Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân nên dễ vấp ngã;
  • Nếu đứng bằng một chân bên đầu gối bị bệnh thì rất khó trụ vững;
  • Đối với các vận động viên thể thao: lực đá bị suy giảm rõ rệt, nhất là với các vận động viên bóng đá, sút không còn mạnh như xưa, đường bóng đi không còn chuẩn xác, bị chệch hướng. phong độ thi đấu bị giảm sút. Các động tác như chạy, nhảy, sút bóng, chạm đất hoặc giữ thăng bằng khi xoay người trở nên khó khăn;
  • Khớp đầu gối dễ bị trẹo khi di chuyển trên một địa hình không bằng phẳng, mất cảm giác bám đường, giảm khả năng giữ vững chân để tránh ngã khi vấp phải những vật cản nhỏ trên đường như viên đá, hố nhỏ... Vì thế người bị gối lỏng dễ bị ngã trẹo gối khi đi nhanh;
  • Các hoạt động lên xuống cầu thang, leo dốc trở nên khó khăn. Sự nhanh nhẹn bình thường giảm sút đáng kể, thay vào đó là việc khó điều khiển chân mình như ý muốn. Biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng khớp gối lỏng lẻo là khi người bệnh không thể bước hoặc xuống mỗi hai bậc thang như trước đây;
  • Sau một thời gian các cơ ở đầu gối có thể bị teo lại. Khả năng vận động của khớp gối bị suy giảm rõ rệt và người bệnh có thể bị biến chứng tàn phế suốt đời. Biểu hiện này thường gặp nhất ở những người ít vận động như học sinh hay những người làm việc văn phòng.

3. Điều trị lỏng khớp gối như thế nào?

3.1. Điều trị nội khoa

Trong các trường hợp khớp gối lỏng lẻo do thoái hóa khớp việc sử dụng thuốc tái tạo sụn là điều cần thiết. Để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, sưng viêm ở đầu gối một số trường hợp còn được chỉ định thuốc kháng viêm không steroid. Ngoài ra, các loại thuốc giảm đau như Paracetamol, Aspirin,... tỏ ra khá hiệu quả trong việc chấm dứt tạm thời các cơn đau ở khớp gối một cách nhanh chóng.

Trường hợp bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo, nếu chỉ điều trị bằng nội khoa thì chắc chắn sẽ bị khớp gối lỏng, cần phải tiến hành phẫu thuật mới trở lại được như bình thường.

3.2. Điều trị ngoại khoa

Trước đây, khi chưa hiểu nhiều về chức năng của các dây chằng trong khớp gối, nhiều bác sĩ chỉnh hình đã chủ trương điều trị nội khoa cho bệnh nhân khớp gối lỏng. Hiện nay, họ nhận thấy chấn thương làm đứt dây này chắc chắn sẽ dẫn đến lỏng gối mà với các vận động viên chuyên nghiệp gặp chấn thương thể thao, sự lỏng gối làm giảm phong độ thi đấu của họ rất nhiều. Vì vậy phẫu thuật khớp gối sẽ giúp phục hồi lại chức năng khớp gối bị lỏng và giúp nhiều vận động viên trở lại đỉnh cao trước đây.

Sau khi phẫu thuật được khoảng 2 ngày, người bệnh sẽ được áp dụng phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu để nhằm phục hồi chức năng của khớp gối, ngăn ngừa được tình trạng teo cơ đùi và bị ứ đọng máu. Trong 2 – 3 tuần đầu tiên, bệnh nhân sẽ phải di chuyển bằng nạng, sau đó sẽ không cần thiết phải dùng nạng nhưng vẫn phải tiếp tục phương pháp vật lý trị liệu và phải cực kỳ lưu ý những hoạt động có liên quan đến khớp gối.

Thời gian bình phục sau phẫu thuật điều trị khớp gối lỏng lẻo dài hay ngắn còn phụ thuộc vào nỗ lực tập luyện và ý chí của người bệnh. Trung bình thời gian này là 3-6 tháng, người bệnh có thể hoạt động đầu gối bình thường. Để quay lại hoạt động thể thao thì thời gian này có thể kéo dài đến 9- 12 tháng hoặc là lâu hơn thế.

4. Điều trị lỏng khớp gối ở đâu tốt?

Khớp gối lỏng lẻo
Thăm khám và điều trị các bệnh lý khớp gối/đứt dây chằng chéo tại VInmec rất hiệu quả, đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

68.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan