Đau nhức xương khớp vào mùa lạnh và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu - Trưởng khoa Phẫu thuật khớp háng và khung chậu Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao miền Bắc Vinmec, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật chi dưới và cột sống khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Giảng viên bộ môn Chấn thương Chỉnh hình, Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUniversity, Phó Giám đốc chuyên môn Lab Công nghệ 3D trong Y học, Đại học VinUniversity

Đau xương khớp mùa lạnh là căn bệnh phổ biến thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Vậy vì sao đau xương khớp vào mùa lạnh, có thể khắc phục và phòng ngừa tình trạng đau xương khớp không?

1. Vì sao đau xương khớp vào mùa lạnh?

Vì sao đau xương khớp vào mùa lạnh là thắc mắc của nhiều người, đặc biệt là người trung niên và người già. Đây là tình trạng đau nhức phổ biến mà nguyên nhân là do:

  • Lưu thông máu kém: Lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên kém hơn bình thường khi trời chuyển lạnh và nhiệt độ hạ xuống thấp. Đó là do cơ thể cố gắng dự trữ năng lượng, khí lạnh vào da và làm mạch máu co lại. Khi lưu thông máu kém sẽ khiến lưu thông dịch khớp cũng như máu nuôi khớp giảm đi, làm tổn thương sụn và màng hoạt dịch khớp, gây đau xương khớp.
  • Rối loạn tuần hoàn trong cơ thể: Bao gồm tuần hoàn tại vị trí khớp, dịch khớp, độ nhớt máu, thay đổi vận mạch, tình trạng muối kết tủa do nồng độ hóa chất trung gian thay đổi,... là nguyên nhân gây đau nhức cơ xương khớp vào mùa lạnh.
  • Co rút gân cơ khớp: Độ ẩm tăng cao vào mùa lạnh làm đông hoặc co rút gân cơ khớp. Khi đó, các khớp bị khô cứng, gây hạn chế vận động và đau nhức.
  • Bệnh khớp mãn tính: Ở người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm kết hợp với các bệnh lý khớp mãn tính là nguyên nhân gây đau xương khớp vì khớp bị thoái hóa do tuổi tác, khí huyết lưu thông suy giảm.

2. Triệu chứng khi đau nhức xương khớp vào mùa lạnh

Đau nhức xương khớp vào mùa lạnh có triệu chứng điển hình như sau:

  • Đau nhức xương khớp: Tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều như đầu gối, cổ tay, ngón tay, người bệnh sẽ thấy đau nhức và buốt từ trong xương, các khớp sưng và đỏ, tê cứng làm cản trở vận động.
  • Phát ra âm thanh ở các khớp: Khi trời trở lạnh, đau nhức xương khớp có thể phát ra âm thanh mỗi khi cử động.
  • Cứng khớp: Bệnh đau xương khớp mùa lạnh có triệu chứng nổi bật là cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng lúc mới thức dậy. Cứng khớp khiến việc co duỗi trở nên khó khăn. Để cử động bình thường, người bệnh cần phải thực hiện xoa bóp và vận động khớp nhẹ nhàng.
  • Nhạy cảm với cơn đau hơn: Người bị bệnh khớp mãn tính thường nhạy cảm với cơn đau xương khớp hơn do lớp sụn khớp đã bị bào mòn, khiến đầu xương bị trơ ra.
Đau cơ xương khớp toàn thân
Đau nhức xương khớp tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều

3. Có thể khắc phục đau nhức xương khớp vào mùa lạnh như thế nào?

Đau xương khớp mùa lạnh gây ra các triệu chứng như đau nhức, tê buốt chân tay, cột sống, làm cản trở các hoạt động trong công việc và sinh hoạt thường ngày. Một số biện pháp giúp khắc phục các triệu chứng của bệnh được biết đến như:

  • Xoa bóp: Dùng dầu gừng hoặc dầu khuynh diệp, các loại rượu thuốc xoa bóp trực tiếp các vùng xương khớp bị đau nhức để làm nóng khớp và tăng cường lưu thông khí huyết, lưu thông máu.
  • Chườm nóng: Đắp nóng hoặc chườm nóng trong khoảng 20 phút giúp làm giảm các cơn đau xương khớp.
  • Tắm nước nóng: Đau xương khớp mùa lạnh có thể được khắc phục bằng cách tắm nước nóng từ 15 - 20 phút với những phần xương khớp bị đau. Lưu ý, nhiệt độ nước tắm vừa phải, tránh tắm muộn và tắm quá lâu, thời gian tắm nên từ 15 – 20 phút.
  • Phẫu thuật nâng xương sống: Được chỉ định trong trường hợp người bệnh có xương sống bị tiêu giảm do chấn thương hoặc loãng xương gây ra các cơn đau nghiêm trọng, biến dạng cột sống. Phương pháp được thực hiện bằng cách tiêm xi măng sinh học vào cột sống bị thiếu hụt để ổn định phần lưng trên và nâng xương sống.
bệnh xương khớp
Đau xương khớp gây ra các triệu chứng đau nhức, tê buốt chân tay, cột sống

4. Phòng ngừa đau xương khớp mùa lạnh

Để làm giảm các triệu chứng và phòng ngừa cơn đau nhức xương khớp vào mùa lạnh, cần chú ý những việc sau:

  • Luôn giữ ấm cơ thể: Chú ý giữ ấm cơ thể để đảm bảo không bị nhiễm lạnh gây ra các bệnh về hô hấp, nhiễm khuẩn, làm suy giảm hệ miễn dịch, đồng thời ảnh hưởng đến các khớp ở bàn tay, đầu gối, bàn chân.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Để giảm đau xương khớp mùa lạnh cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, giảm vận động để làm giảm áp lực cho khớp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tránh ngồi, nằm trong một tư thế quá lâu có thể làm tê cứng các khớp và gây đau mỏi. Vận động nhẹ nhàng trong khoảng thời gian hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh về xương khớp như thoái hóa.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn uống đủ chất, duy trì cân nặng và hạn chế thừa cân, béo phì sẽ giúp làm giảm áp lực cho khớp, từ đó phòng ngừa đau xương khớp. Uống nhiều nước, tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D, C, chứa nhiều collagen, đồng thời hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, nhiều gia vị để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng và nuôi dưỡng khớp.
  • Tập luyện xương khớp: Khi bị đau xương khớp, nếu hạn chế cử động sẽ khiến tình trạng tê cứng khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, thay vì hạn chế vận động để giảm đau thì nên có chế độ vận động và tập luyện xương khớp nhẹ nhàng, hợp lý. Việc này sẽ giúp lưu thông máu và khí huyết được tốt hơn, giúp tăng cường máu nuôi dưỡng khớp và dịch bôi trơn khớp. Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh, bơi lội, đi bộ, đạp xe, ... vừa giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp, vừa giúp tăng cường sức khỏe.
  • Dùng thuốc hợp lý: Nếu bị đau xương khớp, người bệnh nên đến khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tránh tự ý mua và dùng thuốc giảm đau hoặc các bài thuốc dân gian, thực phẩm hỗ trợ điều trị vì có thể không chữa đúng bệnh mà còn gây ra tác dụng phụ và khiến bệnh nặng thêm.
Thực phẩm giàu canxi
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa đau xương khớp

Đau xương khớp mùa lạnh gây ra những khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Khi thấy có dấu hiệu đau xương khớp, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

96.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan