Dấu hiệu nhát rìu trong trật khớp vai

Trật khớp vai là loại chấn thương phổ biến, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Khi thăm khám, bác sĩ có thể dựa vào phim chụp X-quang và một số dấu hiệu đặc trưng như đau, sờ thấy hõm khớp rỗng, dấu hiệu “nhát rìu”,...để chẩn đoán trật khớp vai. Vậy dấu hiệu nhát rìu trong trật khớp vai là gì?

1. Trật khớp vai là gì?

Trật khớp vai là loại chấn thương phổ biến nhất trong các loại trật khớp và thường gặp ở người trẻ tuổi, chiếm khoảng 50 - 60 % tổng số trật khớp. Nếu bị trật khớp vai nhiều lần, các dây chằng bị giãn hoặc bị đứt làm cho hệ thống cố định của khớp mất đi tính vững chắc. Khi này, hệ thống sụn viền và dây chằng bao khớp sẽ bị tổn thương. Thực tế, khớp vai thường bị trật ra trước, sau hoặc đi xuống dưới, có thể trật hoàn toàn hoặc một phần. Nguyên nhân chủ yếu gây trật khớp vai có thể là do va chạm, chấn thương trực tiếp vào vai hoặc khi ngã chống tay xuống đất khiến khớp vai lệch ra khỏi vị trí bình thường.

Nguyên nhân gây trật khớp vai thường thấy nhất do ngã chống bàn tay hoặc chống khuỷu trong tư thế tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài. Chấn thương trực tiếp vào khớp vai từ sau mỏm vai ít gặp hơn (thường do tai nạn xe). Ngoài ra, có một số trường hợp bị trật khớp vai khi mang vác vật nặng trên một vai, một tay quàng ngược lên trên ôm lấy vật vác và bị vấp ngã khiến vật vác tì trên cánh tay dang làm trật khớp.

2. Dấu hiệu nhát rìu trong trật khớp vai là gì?

Một số bệnh nhân nghe nhắc đến dấu hiệu “nhát rìu” và thắc mắc dấu hiệu này là gì? Nhìn chung, dấu hiệu “nhát rìu” trong trật khớp vai thường thấy trong trường hợp trật khớp khuỷu ra sau. Vì mỏm khuỷu trồi ra sau làm với cánh tay một bậc lõm vào, trông giống như gốc cây bị chặt dang dở nên được gọi là dấu hiệu “nhát rìu”. Ngoài ra bệnh nhân trật khớp vai còn có các biểu hiện lâm sàng khác bao gồm:

  • Cảm thấy đau, cứng khớp.
  • Giảm hoặc mất khả năng vận động chủ động của tay bên bị trật khớp do khớp không còn ở vị trí bình thường, khiến việc phối hợp hoạt động của các cơ, nhóm cơ không thực hiện được.
  • Khi khám trật khớp vai có thể sờ thấy hõm khớp rỗng do chỏm xương cánh tay đã bật ra khỏi vị trí ban đầu
  • Khi đẩy tay đau sang một tư thế khác nó sẽ lại bật về tư thế cũ (dấu hiệu lò xo)
  • Quan sát thấy vai bên trật ngắn hơn và bờ vai vuông (dấu hiệu vai vuông).
  • Dấu hiệu “phím đàn dương cầm”: Dấu hiệu này xuất hiện trong sai khớp vùng vai - đòn. Nguyên nhân là do co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, nếu ấn xuống lại bật lên như ấn vào phím đàn dương cầm.

3. Các phương pháp điều trị trật khớp vai

Nhìn chung, nguyên tắc điều trị trật khớp vai là kéo nắn rồi băng bất động trong khoảng 2 đến 4 tuần với bệnh nhân mới chấn thương. Dưới đây là một số phương pháp trong điều trị trật khớp vai:

  • Nắn chỉnh khớp vai: Phương pháp này thường được dùng cho những bệnh nhân mới bị trật khớp vai và tình trạng trật khớp nhẹ. Bác sĩ sẽ thực hiện nắn vai bị thương để đưa xương vai về vị trí ban đầu, người bệnh cũng sẽ được chỉ định dùng thuốc giãn cơ hay thuốc an thần phù hợp và không cần phải gây mê khi nắn khớp. Sau nắn trật thành công, bệnh nhân được khuyên nên bất động khớp bằng nẹp, bó bột hoặc dùng nạng để ngăn ngừa tổn thương thứ phát. Bệnh nhân cũng có thể chườm đá lạnh và băng ép để giúp giảm phù nề và giảm đau. Đá chườm cần được bọc bằng khăn hoặc túi và chườm càng sớm càng tốt (trong vòng 15 - 20 phút đầu) và chườm liên tục từ 24 - 48 giờ sau nắn. Sau 48 giờ, bệnh nhân có thể dùng biện pháp chườm ấm trong 15 đến 20 phút để làm giảm đau và hỗ trợ hồi phục nhanh hơn.
  • Cố định khớp: Đây là phương pháp sử dụng đai cố định hoặc áo nẹp ngực vai tay nhằm giữ cho khớp vai được ổn định trong vài tuần. Thời gian đeo đai cố định tùy thuộc vào mức độ trật khớp của người bệnh, thường kéo dài từ 2 - 4 tuần. Cố định khớp kéo dài ( trên 3 - 4 tuần ở người trẻ tuổi có thể gây cứng khớp, co kéo phần mềm và teo cơ. Những biến chứng này có thể tiến triển nhanh hơn và tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt là ở người cao tuổi. Do vậy, bệnh nhân nên vận động thụ động chi tổn thương trong vài ngày/ tuần sau chấn thương để giảm co rút phần mềm, teo cơ và tăng phục hồi chức năng của chi.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được thực hiện khi tình trạng trật khớp tái diễn nhiều lần hoặc khớp vai hay dây chằng yếu. Ngoài ra, nếu phát hiện thấy dây thần kinh hay mạch máu bị tổn thương thì bệnh nhân cũng cần phải phẫu thuật.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ để giảm triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân hồi phục. Tập vật lý trị liệu cũng có vai trò quan trọng giúp người bệnh phục hồi chức năng động của khớp vai, đồng thời hồi phục sức mạnh và sự ổn định của vai.

Tóm lại, trật khớp vai có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Do đó khi phát hiện các dấu hiệu bất thường nêu trên, bệnh nhân nên tới ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan