Có nên thay khớp háng cho người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi?

Tình trạng thoái hóa các khớp diễn ra một cách tự nhiên theo năm tháng. Nếu không may bị gãy cổ xương đùi thì người cao tuổi sẽ đứng trước lựa chọn thay khớp háng nhân tạo hoặc điều trị bảo tồn? Phương pháp điều trị nào cũng sẽ có ưu điểm và nhược điểm, nên cần được cân nhắc lựa chọn cẩn thận.

1. Nguyên nhân và triệu chứng gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi

Gãy cổ xương đùi là một loại gãy xương phổ biến ở vùng khớp háng. Gãy cổ xương đùi thường gặp ở người cao tuổi do tình trạng loãng xương sau 1 chấn thương té ngã rất đơn giản.

Ở người cao tuổi, các tai nạn sinh hoạt chủ yếu là bị trượt ngã do sàn nhà trơn hoặc té ngã từ trên ghế, võng xuống đất. Hậu quả là sẽ gây ra tình trạng gãy đầu dưới xương quay và phải phẫu thuật đối với chi trên. Đối với chi dưới khi té ngã, nếu bị đập một bên hông xuống nền thì thường sẽ bị gãy cổ xương đùi.

Ngoài nguyên nhân chấn thương do tai nạn trong sinh hoạt thì gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi cũng có thể xảy ra do:

  • Cổ xương đùi bị loãng xương nặng.
  • Do một số bệnh lý nội khoa dẫn đến hỏng xương ở vùng cổ xương đùi. Trong đó, nếu mắc bệnh thận mãn hoặc ung bướu ở vùng cổ xương đùi thì chỉ với một vài động tác vận động mạnh hoặc mặc quần áo cũng có thể gây gãy xương.

Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi thường có các triệu chứng sau:

  • Bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau ở vùng khớp háng và vùng bẹn;
  • Bệnh nhân sẽ không thể cử động chân bên gãy và không thể chịu lực phần chân đau được.

Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần giữ cho phần xương gãy bất động bằng cách cố định chân gãy bằng nẹp. Chân và đầu gối phải duỗi thẳng, tránh xoay bàn chân.

Gãy cổ xương đùi
Gãy cổ xương đùi thường gặp ở người cao tuổi

2. Có nên thay khớp háng cho người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi không?

Tùy thuộc vào vị trí, kiểu gãy, mức độ di lệch của xương và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp. Một số ít bệnh nhân may mắn bị gãy xương di lệch ít thì có thể điều trị bảo tồn.

Đa phần các trường hợp gãy cổ xương đùi nặng sẽ phải phẫu thuật bằng cách kết hợp xương, tức gắn lại ổ gãy. Đối với cổ xương đùi của người cao tuổi, có 2 yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả phẫu thuật, bao gồm:

  • Chỗ gãy không liền xương được dù đã thực hiện phẫu thuật kết xương.
  • Có tình trạng tiêu chỏm giữa xương hông và khớp háng, tức là sẽ là bệnh nhân không thể đi lại bình thường như trước khi gãy xương.

Vì vậy, tất cả người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi có hai yếu tố như trên nên chọn lựa phương pháp thay khớp háng nhân tạo để có thể vận động lại như bình thường, tránh những biến chứng có thể xảy ra do nằm lâu.

Người cao tuổi khi bị gãy cổ xương đùi nếu không phẫu thuật thay khớp háng có thể gặp phải một số vấn đề như:

  • Quá trình điều trị bảo tồn gặp phải các biến chứng do nằm như: Đau do nằm lâu, loét những vùng tỳ đè, làm ứ trệ một số cơ quan, gây ra một số biến chứng như nhiễm trùng tiết niệu, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
  • Nếu chăm sóc không tốt trong giai đoạn những tháng đầu sau khi gãy hoặc bệnh nhân không xử lý tốt hay tập luyện đúng thì sẽ có nguy cơ tử vong trong giai đoạn từ 2 - 3 tháng sau.
  • Phẫu thuật kết xương thì tỷ lệ thất bại rất cao, do không liền xương hoặc hoại tử tiêu chỏm.
gãy cổ xương đùi
Đa phần các trường hợp gãy cổ xương đùi nặng sẽ phải phẫu thuật bằng cách kết hợp xương

3. Thay khớp háng nhân tạo ở bệnh nhân gãy cổ xương đùi

Hiện nay, khớp háng nhân tạo đã được chế tạo từ các loại vật liệu mới như hợp kim Titanium, nhựa tổng hợp cao cấp. Những chất liệu này có sự tương thích sinh học với cơ thể rất tốt, kèm theo độ bền rất cao, có khả năng chống mài mòn.

Khớp háng nhân tạo gồm có 2 loại:

  • Khớp háng nhân tạo bán phần: Đây là khớp vận động sinh học bình thường. Bệnh nhân sẽ chỉ thay phần chỏm cổ xương đùi và nó được gắn hoàn toàn vào xương đùi.
  • Khớp háng toàn phần được thường chỉ định khi những khớp háng đã bị thoái hóa, hư toàn bộ, bắt buộc phải thay cả chỏm xương đùi và ổ cối của xương chậu.

Theo số liệu thống kê của thế giới, 1 khớp háng nhân tạo đạt tiêu chuẩn, được thực hiện đúng theo chỉ định và phác đồ thì có thể sử dụng từ 15- 20 năm. Tại Việt Nam, một khớp háng nhân tạo có thể được sử dụng tốt trong 14- 15 năm. Tuy nhiên, thời gian sử dụng còn tùy thuộc vào cơ thể của người bệnh, mức độ vận động của người bệnh.

Sau khi phẫu thuật thay khớp hàng, trong ngày thứ nhất bắt buộc bệnh nhân phải tập gồng cơ và ngồi dậy tại giường dưới sự hỗ trợ của người nhà và kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

Ngày thứ 2 trở đi bệnh nhân cũng phải tập ngồi dậy, gồng cơ và tất cả các khớp khác, đồng thời phải buông thòng 2 chân xuống giường bệnh.

Từ ngày 3 đến ngày thứ 5, bệnh nhân phải tập đứng trên khung nạng, chỉ đứng lên ngồi xuống nhằm phòng tránh các biến chứng như thuyên tắc, tránh ứ đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Từ ngày thứ 6 trở đi, bệnh nhân đã có thể được xuất viện, do đó trong ngày thứ 5 phải nhích đi được vài bước. Ngoài ra, kỹ thuật viên vật lý trị liệu cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập thở và vận động các khớp không liên quan, đồng thời hướng dẫn người nhà hỗ trợ thêm.

Ngày nay, khớp háng nhân tạo đã được cải thiện rất nhiều, giúp trả lại chức năng cho nhiều người bệnh. Tuy nhiên, để phẫu thuật thay khớp háng bệnh nhân cần phải được tầm soát tốt, tiên lượng những nguy cơ biến chứng có thể xảy ra để đạt được kết quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan