Cảnh giác sỏi trong khớp gối, khớp vai, khớp háng

Hầu hết mọi người đều đã từng nghe nói đến sỏi trong gan, mật, thận, bàng quang... nhưng rất ít người biết đến sỏi trong khớp. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở các khớp lớn như khớp vai, khớp háng, khớp gối. Đối với tình trạng này việc dùng thuốc hầu như không có tác dụng, mà cần phải được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ những viên sỏi ra khỏi khớp.

1. Nguyên nhân gây sỏi trong khớp gối, khớp vai, khớp háng

Nguyên nhân gây sỏi trong khớp vai, khớp háng, khớp gối là do rối loạn chuyển hóa canxi, làm cho canxi lắng đọng ở bao khớp lâu ngày vôi hóa kết thành những viên sỏi. Tuy nhiên việc hình thành sỏi cũng phụ thuộc rất lớn vào sinh hoạt, chế độ ăn uống, vận động của bạn.

Những viên sỏi trong khớp cũng có thể do u xương sụn màng hoạt dịch sinh ra. Màng hoạt dịch là lớp màng trong cùng của bao khớp, nó có vai trò tiết dịch làm trơn bề mặt hoạt động của khớp.

U xương sụn màng hoạt dịch là tình trạng do sự phát triển bất thường của cấu trúc sụn trong màng hoạt dịch và lắng đọng canxi gây ra. Một số khối u xương sụn phát triển nhưng lại chỉ dính vào màng hoạt dịch bằng một cái cuống, nên trông giống như chùm nho và các quả nho là những hạt canxi lắng đọng.

Trong quá trình phát triển của tình trạng này, một phần các hạt canxi vẫn nằm trong bao hoạt dịch, một phần khác tách ra, rơi vào trong khớp. Căn bệnh này chỉ biểu hiện ở một khớp, như khớp háng, khớp gối hay khớp vai. Khi các hạt canxi rơi vào khớp sẽ cọ sát và chèn ép vào sụn, gây tổn thương bề mặt sụn khớp, thoái hóa khớp làm bạn đau, hạn chế vận động.

2. Triệu chứng của tình trạng sỏi trong khớp háng, khớp gối, khớp vai

Các triệu chứng chung của tình trạng sỏi trong khớp đó là:

  • Đau tại khớp, thường đau tăng lên khi vận động. Ban đầu có thể chỉ là cảm giác mỏi, nhức, sau đó các cơn đau sẽ tăng dần lên.
  • Hạn chế vận động khớp. Sỏi trong khớp vai khiến cho bạn khó dơ tay lên cao, khó đưa tay ra phía sau. Sỏi trong khớp háng, sỏi trong khớp gối sẽ khiến cho bạn gặp khó khăn trong việc đi lại, đứng, ngồi.
  • Có tiếng kêu lạo xạo trong khớp khi cử động.

Các triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý khác ở khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp. Vì vậy đôi khi bệnh nhân được chẩn đoán muộn, với số lượng lớn những sỏi trong khớp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, khả năng làm việc của người bệnh.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, CT hay chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ cho thấy sự xuất hiện của những viên sỏi trong khớp, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Hình ảnh sỏi trong khớp vai trên kết quả cân lâm sàng
Hình ảnh sỏi trong khớp vai trên kết quả cân lâm sàng

3. Điều trị sỏi trong khớp như thế nào?

Đối với tình trạng sỏi trong khớp, khi các viên sỏi từ màng hoạt dịch rơi vào trong khớp thì phương pháp điều trị tốt nhất chính là phẫu thuật lấy chúng ra.

Trước đây, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật mở để gắp hết sỏi trong khớp ra và cắt bỏ toàn bộ màng hoạt dịch để tránh tái phát u xương sụn. Tuy nhiên kết quả của phương pháp này không được như mong đợi.

Bởi khi cắt bỏ toàn bộ màng hoạt dịch sẽ làm cho bạn vận động càng khó khăn hơn do khớp không còn bộ phận bôi trơn láng bề mặt. Và khi phẫu thuật mở phải tạo một đường rạch lớn ở quanh khớp gây đau nhiều cho người bệnh. Chính vì những hạn chế của phương pháp phẫu thuật mở mà trước đây nếu có gặp những ca bệnh như vậy thì các bác sĩ phải rất cân nhắc trước khi quyết định mổ.

Ngày nay, quan điểm điều trị cho bệnh lý sỏi trong khớp đã thay đổi. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi để lấy hết sỏi trong khớp ra ngoài, và vẫn giữ nguyên màng hoạt dịch để đảm bảo sự hoạt động dễ dàng của sụn khớp. Phương pháp phẫu thuật nội soi sẽ không phải rạch đường mổ lớn, bạn sẽ nhanh chóng được xuất viện.

Các chuyên gia cũng đã tính đến khả năng tái phát của bệnh nhưng quá trình lắng đọng các hạt canxi sẽ phải trải qua một khoảng thời gian dài. Và nếu đến thời điểm nào đó các hạt sỏi lại rơi vào khớp thì quá trình phẫu thuật nội soi lấy sỏi ra cũng dễ dàng, tránh được nguy cơ dính khớp như thực hiện phẫu thuật mở trước đây.

Chính vì vậy bạn cần cảnh giác với tình trạng sỏi trong khớp gối, khớp vai, khớp háng. Khi có các biểu hiện bất thường tại các khớp, bạn nên đi khám ngay để các bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp. Tránh để lâu ngày khiến cho khớp bị tổn thương nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan