Các tư thế ngủ hợp cho người thay khớp háng

Khớp háng là một khớp lớn trong cơ thể, nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động, sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, khi khớp háng bị tổn thương gây ảnh hưởng đến khả năng đi lại mà điều trị nội khoa không hiệu quả thì cần phải thay khớp háng nhân tạo. Vậy thay khớp háng nằm ngủ thế nào và vận động sau khi thay khớp háng cần lưu ý gì?

1. Tư thế ngủ hợp cho người thay khớp háng

Thay khớp háng là một phẫu thuật hiện đại cho những bệnh nhân bị mất chức năng khớp háng do khớp bị tổn thương vì các nguyên nhân như là:

Biến chứng trật khớp háng nhân tạo có thể xảy ra khi chỏm xương đùi nhân tạo lệch khỏi ổ cối. Nguy cơ trật khớp háng nhân tạo từ 0,5-4%, tùy thuộc vào kỹ thuật mổ, tình trạng bệnh lý kèm theo, sự hiểu biết, phối hợp của gia đình và bệnh nhân. Điều trị cần nắn chỉnh lại khớp háng dưới gây mê. Phẫu thuật có thể được chỉ định nếu như trật khớp háng nhân tạo tái phát.

Sau khi thay khớp háng nhân tạo, bạn có thể quay lại sinh hoạt và vận động bình thường. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ trật khớp háng, bạn cần có biện pháp phòng ngừa cụ thể liên quan đến việc vận động và tư thế của khớp háng.

Để khớp háng nhân tạo được liền tốt, cần có thời gian trung bình khoảng 3 tháng. Sau khoảng thời gian này xương đùi đã gắn liền với phần thân khớp, bao khớp giả cũng đã được hình thành do đó khớp háng sẽ được vững chắc hơn, nguy cơ trật khớp sẽ giảm dần.

Chính vì vậy, người bệnh cần được giáo dục về cách phòng tránh trật khớp háng sau mổ, đặc biệt trong vòng 3 tháng đầu sau phẫu thuật. Tư thế dễ gây trật khớp háng nhân tạo đó là: Tư thế gập - khép và xoay trong phối hợp. Vậy người thay khớp háng nằm ngủ thế nào cho phù hợp?

Tư thế ngủ hợp cho người thay khớp háng:

  • Không được nằm nghiêng sang bên lành trong tư thế khớp háng nhân tạo khép và xoay vào trong, vì tư thế này dễ gây trật khớp.
  • Bạn nên nằm nghiêng sang bên lành với một chiếc gối chèn ở giữa 2 chân để tránh khép và xoay trong khớp háng mới thay.
  • Tư thế nằm ngửa cần kê gối chèn ở giữa hai để đảm bảo khớp háng ở vị trí trung tính: Không dạng quá, không bị khép và cũng không xoay ngoài quá mức.
  • Không được nằm sấp.
  • Không được kê gối dưới hai khớp gối.

2. Một số lưu ý về vận động sau khi thay khớp háng

Phục hồi chức năng sau mổ thay khớp háng đóng vai trò rất quan trọng để giúp người bệnh biết cách tự bảo vệ khớp háng mới thay và sớm có thể độc lập trong sinh hoạt hằng ngày.

Phục hồi chức năng sau mổ thay khớp háng không phức tạp, đây là một quá trình từ việc chuẩn bị trước mổ, sau mổ và sau khi ra viện. Điều quan trọng nhất của phục hồi chức năng là cần hướng dẫn cho người bệnh biết cách phòng tránh trật khớp háng nhân tạo sau mổ, các việc nên làm và các không nên làm.

Chuẩn bị đồ đạc và phòng cho bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng cần chú ý:

  • Giường của bệnh nhân cần được kê cao sao cho khi ngồi khớp háng không bị gập quá 90°.
  • Đầu giường có thể nâng cao lên, có trợ giúp để người bệnh có thể ngồi dậy.
  • Chuẩn bị các loại gối để kê chân cho bệnh nhân thay khớp háng khi nằm.
  • Chuẩn bị ghế ngồi không lún, đảm bảo khi ngồi khớp háng của bệnh nhân không gập quá 90°.
  • Buồng vệ sinh cần có:
    • Vòi tắm hoa sen;
    • Tay vịn;
    • Ghế tựa cao;
    • Bồn cầu cần được nâng cao để khi ngồi, khớp háng của bệnh nhân không gập quá 90°.
  • Các dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt cần chuẩn bị cho bệnh nhân bao gồm: Ghế cao, dụng cụ lấy đồ có cán dài để tránh cúi gập thân khi sử dụng.

Các tư thế bị hạn chế ở bệnh nhân thay khớp háng bao gồm:

  • Bắt chéo chân khi đi, đứng, ngồi và nằm;
  • Ngồi xổm: Việc gấp gối lại quá mức như khi ngồi xổm và động tác đứng dậy khi ngồi ghế khiến khớp háng dễ bị trật. Vì vậy, bạn cũng không được sử dụng bồn cầu bệt;
  • Nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu;
  • Không sử dụng bồn tắm;
  • Không được cúi múc nước;
  • Không ngồi ở ghế thấp hoặc ghế quá mềm làm háng gập quá mức.

Một số tư thế bệnh nhân thay khớp háng cần chú ý:

  • Tư thế ngồi an toàn:
    • Ngồi ghế vững chắc với tư thế lưng thẳng, giữ cho hông và đầu gối ở góc 90°.
    • Khi ngồi xuống: Cần lùi lại cho đến khi đầu gối của bạn chạm vào giường/ghế. Đưa tay ra phía sau vịn vào ghế/thành giường. Sau đó hạ từ từ về tư thế ngồi. Cần tránh cúi người về phía trước gây gập thân người.
    • Khi đứng dậy: Cần tiến người sát tới mép giường/ghế. Không được cúi thân người về phía trước. Đặt tay lên tay ghế/thành giường, chống tay để đứng dậy.
    • Luôn ngồi dậy từ bên khớp háng nhân tạo, nhích dần chân bên phẫu thuật ra mép giường, sau đó từ từ đặt bàn chân xuống sàn nhà rồi di chuyển nốt chân lành. Khung tập đi cần đặt ngay sát giường để bạn có thể sử dụng khi cần.
  • Tư thế đứng dậy và đi: Để khung tập đi ở phía đối diện với bạn, đưa chân bên phẫu thuật choãi ra phía trước, dùng sức mạnh của 2 tay để nâng thân người trong tư thế không gập khớp háng quá mức. Khi đi, không được để cho mũi chân bên phẫu thuật xoay ra phía ngoài, cũng không xoay quá mức vào trong hoặc quá đung đưa ra sau, không bắt chéo chân.

Bên cạnh đó có một số hoạt động thể dục thể thao bạn không nên thực hiện sau khi thay khớp háng vì tăng nguy cơ trật khớp háng, bao gồm:

  • Thể dục dụng cụ;
  • Yoga.

Tóm lại, tư thế ngủ hợp cho người thay khớp háng là không được nằm nghiêng sang bên lành trong tư thế khớp háng nhân tạo khép và xoay vào trong, vì tư thế này dễ gây trật khớp. Nên nằm nghiêng sang bên lành với một chiếc gối chèn ở giữa 2 chân để tránh khép và xoay trong khớp háng mới thay, không được nằm sấp hay kê gối dưới hai khớp gối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan