Bị trật khớp vai có phải mổ không?

Trật khớp vai là một chấn thương thường gặp, gây đau đớn và ảnh hưởng đến chức năng vận động của bệnh nhân. Nguyên tắc chung trong điều trị trật khớp vai là kéo nắn rồi băng bất động trong khoảng 2 - 4 tuần với bệnh nhân mới chấn thương. Những bệnh nhân bị trật khớp vai nhiều lần hoặc đi kèm tổn thương thần kinh, mạch máu có thể phải chỉ định phẫu thuật.

1. Trật khớp vai là gì?

Trật khớp vai là tình trạng dây chằng bị giãn đột ngột làm hai mặt khớp của chỏm xương cánh tay trật ra khỏi ổ khớp. Nếu bị trật khớp vai nhiều lần, các dây chằng bị giãn hoặc bị đứt làm cho hệ thống cố định của khớp mất đi tính vững chắc. Khi này, hệ thống sụn viền và dây chằng bao khớp sẽ bị tổn thương. Thực tế, khớp vai thường bị trật ra trước, sau hoặc đi xuống dưới, có thể trật hoàn toàn hoặc một phần. Nguyên nhân chủ yếu gây trật khớp vai có thể là do va chạm, chấn thương trực tiếp vào vai hoặc khi ngã chống tay xuống đất khiến khớp vai lệch ra khỏi vị trí bình thường.

Vai chứa mô liên kết gồm cơ bắp và dây chằng, cấu trúc này phối hợp chặt chẽ giúp khớp xương vai nằm gọn trong ổ chảo. Nếu cấu trúc trên bị tổn thương, tình trạng trật khớp xương có thể trở nên phức tạp hơn và dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như tổn thương các dây thần kinh và mạch máu ở vai, vai mất khả năng vận động linh hoạt hoặc mất ổn định khớp vai khiến người bệnh dễ trật khớp vai tái diễn.

2. Triệu chứng lâm sàng của trật khớp vai

Bệnh nhân bị trật khớp vai có thể có các biển hiện bao gồm:

  • Đau vùng vai, khớp vai, tay bị tổn thương đau nhiều hơn tay lành.
  • Quan sát thấy vai bên trật ngắn hơn và bờ vai vuông (dấu hiệu gù vai).
  • Có thể sờ thấy ổ chảo lõm, sờ được chỏm xương lồi tròn ở đáy rãnh denta - ngực, ở hõm nách.
  • Dạng cánh tay chừng 20 độ, khuỷu rời xa thân mình một ít, sau đó ấn khuỷu vào thân mình thả ra thì bật lại về vị trí cũ (dấu hiệu lò xo).
  • Phương pháp để chẩn đoán xác định tình trạng trật khớp vai là chụp Xquang. Chụp phim sẽ giúp xác định được kiểu trật và những tồn thường kèm theo, từ đó định hướng phương pháp điều trị thích hợp.

3. Trật khớp vai có phải mổ không?

Không phải tất cả các trường hợp trật khớp vai đều phải phẫu thuật. Nguyên tắc chung trong điều trị trật khớp vai là kéo nắn rồi băng bất động trong khoảng 2 - 4 tuần đối với bệnh nhân mới gặp chấn thương. Những người bệnh trật khớp trong thời gian dài hoặc khớp vai bị trật tái đi tái lại nhiều lần thì có thể được chỉ định phẫu thuật. Nhìn chung, các phương pháp điều trị khi trật khớp vai bao gồm:

  • Nắn chỉnh khớp vai: Đây là phương pháp dùng cho những bệnh nhân mới bị trật khớp vai và tình trạng trật khớp nhẹ. Bác sĩ sẽ thực hiện nắn vai bị thương để đưa xương vai về vị trí ban đầu, người bệnh cũng sẽ được chỉ định dùng thuốc giãn cơ hay thuốc an thần phù hợp và không cần phải gây mê khi nắn khớp. Khi xương vai đã trở về đúng vị trí, các triệu chứng của trật khớp vai sẽ giảm đi.
  • Cố định khớp: Đây là phương pháp sử dụng đai cố định hoặc áo nẹp ngực vai tay nhằm giữ cho khớp vai được ổn định trong vài tuần. Thời gian đeo đai cố định tùy thuộc vào mức độ trật khớp của người bệnh, thường kéo dài từ 2 - 4 tuần
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được thực hiện khi người bệnh hay trật khớp vai nhiều lần hoặc khớp vai hay dây chằng yếu. Ngoài ra, nếu phát hiện thấy dây thần kinh hay mạch máu bị tổn thương thì bệnh nhân cũng cần phải phẫu thuật. Hiện nay có hai phương pháp phẫu thuật trong điều trị trật khớp vai. Một là thông qua nội soi để khâu lại sụn viền và khâu rút ngắn bao khớp, sau đó cho bệnh nhân luyện tập. Nếu bị trật khớp vai và lún chỏm phía sau, bác sĩ có thể khâu luôn cả gân vào để lắp chỗ chỏm bị lún hoặc ghép xương vào trong chỏm. Cách thứ hai rất cổ điển và được gọi là phương pháp mổ mở. Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy chỏm xương trên vai gắn vào ổ chảo. Nếu ổ chảo lớn thì chỏm xoay nằm bên trong; nhưng khi nó bị khuyết một miếng thì xoay tay sẽ dễ làm khớp vai bị trật. Khi đó bác sĩ thực hiện nối dài ổ chảo để tăng diện tích ổ chảo lên và chỏm xương xoay mà không bị trật.
  • Thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giảm đau hay thuốc giãn cơ để bệnh nhân bớt đau và thoải mái hơn trong quá trình điều trị.
  • Phục hồi chức năng: Những bài tập vật lý trị liệu có vai trò quan trọng giúp người bệnh phục hồi chức năng động của khớp vai, đồng thời hồi phục sức mạnh và sự ổn định của vai. Người bệnh cần phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu để có kết quả tốt nhất, tránh vận động sai cách hoặc vận động quá mạnh khiến cho khớp vai bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

Trên đây là một số phương pháp điều trị cho trật khớp vai. Tùy theo đặc điểm chấn thương bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp phù hợp nhất. Bệnh nhân nghi ngờ trật khớp vai nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan