Công dụng cây thàn mát

Cây thàn mát hoa trắng là loài cây quen thuộc đối với người dân các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Vậy công dụng cây thàn mát là gì, có được dùng làm dược liệu không?

1. Đặc điểm chung của cây hột mát

Cây thàn mát được người dân tộc Tày gọi là cây mác bát, hay còn có tên gọi khác là cây duốc cá, do thường dùng để duốc cá. Tên khoa học của cây thàn mát là Millettia ichthyochtona Drake, thuộc họ cánh đậu.

Đây là loại cây lớn, có chiều cao trung bình từ 5 - 10m, với các đặc điểm lá, hoa, quả như sau:

  • Lá: Lá kép nhưng thường rụng sớm, có cuống chung và gầy với lá non, lá non dài khoảng 12cm, lá chét dài khoảng 5 - 6cm.
  • Hoa: Có màu trắng và mọc thành chùm trước lá.
  • Quả: Dạng quả giáp, dài khoảng 13cm, rộng khoảng 2 - 3cm, hạt bên trong có màu vàng nâu nhạt, hình đĩa. Tháng 4 là thời điểm thu hoạch hạt.

Cây thàn mát thường mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc (Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Tây) và Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Ngoài ra, cây cũng được trồng trong phố và thành thị để vừa lấy bóng mát vừa làm cảnh.


Cây thàn mát hoa trắng có thể làm thuốc và làm cây cảnh
Cây thàn mát hoa trắng có thể làm thuốc và làm cây cảnh

2. Công dụng cây thàn mát

Các nhà khoa học đã tìm thấy trong hạt thàn mát chứa khoảng 30 - 38% dầu, gồm, albumin, sapotoxin và rotenone. Trong đó, rotenone là chất độc đối với nhiều loài động vật, nếu tiêm trực tiếp vào mạch máu có thể gây ngộ độc, khó thở, nôn, làm tê liệt thần kinh trung ương và khiến con vật chết do bị ngạt. Với liều mạnh hơn, rotenone làm rối loạn nhịp tim, mạch chậm và tê liệt tâm thất.

Đặc biệt, cá là loài động vật rất nhạy cảm với rotenone, pha 75mg rotenone vào 100 lít nước ở nhiệt độ là 23 độ C có thể khiến cá bị kích thích, ngừng thở và chết chỉ trong vòng 2 giờ. Vì vậy, nhiều người muốn đánh bắt cá ở sông suối đã tán nhỏ hạt thàn mát rồi trộn với tro bếp, sau đó rắc vào sông suối (đã ngăn lại). Sau vài giờ, cá bị say thuốc và chết nổi lên mặt nước, được vớt mang về.

Ngoài cá, các loại sâu bọ, côn trùng gây hại cho hoa màu như sâu keo, rệp, ... cũng bị kích thích bởi rotenone. Do đó, người dân thường đem hạt thàn mát giã nát rồi ngâm trong nước từ 4 - 12 giờ, sau đó đem pha loãng rồi phun lên cây trồng để tiêu diệt sâu bọ.

Tuy nhiên, rotenone lại không gây ngộ độc ở những động vật máu nóng nếu uống phải. Đối với người, rotenone có thể gây hắt hơi, chảy nước mắt và buồn nôn nếu tiếp xúc phải bột.

Với những thành phần hóa học và độc tính nêu trên, hiện nay, cây thàn mát chỉ được sử dụng để làm thuốc diệt sâu bọ và duốc cá chứ không được dùng làm dược liệu. Vì thế chúng ta cần đặc biệt lưu ý, không tự ý dùng linh tinh để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe