Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Hồng cầu là gì?
Hồng cầu (hay hồng huyết cầu) là thành phần chiếm số lượng lớn trong tế bào máu (96%), có chứa huyết sắc tố giúp cho máu có màu đỏ.
Cấu tạo hồng cầu
Trước đây, dưới góc nhìn của kính hiển vi quang học hồng cầu được thấy có hình tròn nên
được cho rằng các tế bào đó đều hình cầu, tạo thành nguồn gốc tên gọi “hồng cầu”.
Đến ngày nay dưới kính hiển vi điện tử, tế bào hình cầu hiển thị rõ hình dạng đĩa lõm hai mặt với đường kính khoảng 7,8 micromet, độ dày khoảng 2,5 micromet ở chỗ dày nhất và không quá 1 micromet ở trung tâm. Thể tích trung bình của hồng cầu trong khoảng 76 - 96 micromet3. Do có màng tế bào hồng cầu dẻo dai bao bọc nên hồng cầu có khả năng biến dạng rất cao mà không bị vỡ rách khi di chuyển qua các mao mạch.
Thành phần chính của tế bào hồng cầu là hemoglobin, một protein giàu sắt tạo màu đỏ cho máu khi sắt liên kết với oxy. Mỗi phân tử hemoglobin bao gồm 4 nguyên tử sắt và mỗi nguyên tử sẽ liên kết với 1 phân tử oxy và 2 nguyên tử oxy. Khoảng 33% của 1 tế bào hồng cầu là hemoglobin, thường có mật độ 14 g/dL ở nữ giới và 15,5 g/dL ở nam giới.
Số lượng hồng cầu trong cơ thể người
Để tính toán số lượng hồng cầu trong máu, người ta sử dụng chỉ số RBC (Red Blood Cell) khi xét nghiệm. Giá trị chỉ số RBC thường thấy nằm trong khoảng từ 4,2 - 5,9 triệu tế bào/cm³. Giá trị chuẩn của chỉ số RBC thay đổi tùy theo đối tượng được xét nghiệm:
-
Ở nam giới: 4.5 – 6.5 M/µl.
-
Ở nữ giới: 3.9 – 5.6 M/µl
-
Ở trẻ sơ sinh: khoảng 3.8 M/µl
Số lượng hồng cầu có thể thay đổi trong một số trường hợp sinh lý: ở trẻ em ngưỡng hồng cầu được cho là cao còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tuổi và giới tính. Hiện tượng số lượng hồng cầu vượt chuẩn thường xuất hiện ở những người sống ở vùng núi cao hoặc các vận động viên sử dụng doping.
Công dụng
Tế bào hồng cầu có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển khí oxy (O2) từ phổi đến các tế bào trong cơ thể và nhận lại khí cacbonic (CO2) từ các mô lên đào thải ở phổi (loại bỏ khí CO2). Chức năng của hồng cầu có những tác động lớn đến các hoạt động khác nhau của cơ thể:
-
Màng tế bào hồng cầu có cấu tạo từ các lipid và protein cần thiết cho chức năng sinh lý, đồng thời thông qua hệ tuần hoàn hoạt động trong mạng lưới mao mạch.
-
Hồng cầu có trong máu giúp vận chuyển các axit béo, axit amin, glucose từ mao ruột non đến các tế bào và các tổ chức trong cơ thể. Máu mang cặn bã của quá trình chuyển hóa đến các cơ quan bài tiết.
-
Nếu đủ lượng hồng cầu, da và niêm mạc (lưỡi, kết mạc mắt, nướu răng..) sẽ có màu hồng đặc trưng. Ngược lại khi thiếu hồng cầu (thiếu máu, mất máu), máu không cung cấp đủ oxy cho các mô và cơ quan để hoạt động hiệu quả. Người bệnh sẽ có dấu hiệu da và niêm mạc nhợt nhạt, cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng lao động, kém tập trung..
-
Mức hồng cầu bất thường có khả năng là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu, mất nước, xuất huyết hoặc các chứng rối loạn khác về hồng huyết cầu.
-
Chỉ số RBC giảm dưới chuẩn thường xuất hiện ở những người già, phụ nữ mang thai, hoặc là dấu hiệu cho biết bệnh nhân bị thấp khớp cấp, suy tủy, thận và ung thư.
Các vấn đề thường gặp
Những vấn đề cần lưu ý
Vòng đời của hồng cầu
Hồng cầu được sinh ra từ tủy xương và phát triển qua nhiều giai đoạn:
-
Tiền nguyên hồng cầu
-
Nguyên hồng cầu ưa kiềm
-
Nguyên hồng cầu đa sắc
-
Nguyên hồng cầu ưa acid
-
Hồng cầu lưới
-
Hồng cầu trưởng thành
Các giai đoạn phát triển từ tế bào tiền nguyên hồng cầu đến hồng cầu lưới đều diễn ra trong tuỷ xương. Sau đó hồng cầu lưới được phóng thích ra máu ngoại vi 24 - 48 giờ thì mạng lưới biến mất và trở thành hồng cầu trưởng thành. Theo thời gian màng hồng cầu mất dần tính mềm dẻo và cuối cùng hồng cầu sẽ vỡ khi đi qua các mao mạch nhỏ của lách.
Hồng cầu bình thường có đời sống trung bình từ 90 - 120 ngày, ước tính theo quy luật mỗi ngày có đến 200 - 400 tỷ hồng cầu chết đi. Hồng cầu già sẽ bị tiêu hủy ở gan và lách, sau đó tủy xương sẽ tiết ra một đợt tế bào hồng cầu mới để thay thế và duy trì lượng hồng cầu đã mất trong cơ thể.
Chỉ số đánh giá tế bào hồng cầu
Để tính toán chất lượng tế bào hồng cầu và đưa ra những chẩn đoán về thể trạng người bệnh, người ta sử dụng hai chỉ số chính:
Thể tích trung bình của một hồng cầu (MCV)
Là chỉ số dùng để đánh giá kích thước hồng cầu: lớn, nhỏ hay bình thường. Giá trị bình thường của chỉ số này là từ 80 - 100 femtoliter (fl). Nếu sau xét nghiệm chỉ số MVP có dấu hiệu:
-
Thấp hơn bình thường: định bệnh hồng cầu nhỏ, thường gặp trong bệnh thiếu máu, Thalassemia, thậm chí là suy thận mạn tính hay nhiễm độc chì.
-
Cao hơn bình thường: định bệnh hồng cầu to, thường gặp ở những người nghiện rượu, bệnh gan, suy giáp, hoặc do thiếu hụt vitamin B12, thiếu acid folic, chứng tăng hồng cầu.
Lượng huyết sắc tố trung bình trong một hồng cầu (MCH)
Là chỉ số dùng để đánh giá màu sắc hồng cầu: màu đậm, lợt hay bình thường. Giá trị bình thường của chỉ số này là từ 27 - 32 picogram (pg). Nếu sau xét nghiệm chỉ số MCH có dấu hiệu:
-
Nhỏ hơn bình thường: xác định bệnh hồng cầu nhược sắc (lợt màu). Thường gặp trong bệnh thiếu chất sắt hay người mang gen Thalassemia…
-
Cao hơn bình thường: xác định bệnh hồng cầu ưu sắc (đậm màu). Thường gặp ở những người nghiện rượu, bệnh lý gan, thiếu vitamin B12, acid folic..
Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC)
Là chỉ số thể hiện nồng độ trung bình của huyết sắc tố được tính trong một đơn vị thể tích máu, giá trị MCHC bình thường ở trong khoảng từ 32% - 36%. Nếu sau xét nghiệm chỉ số MCHC có dấu hiệu:
-
Nhỏ hơn 32%: có thể cơ thể bạn đã bị thiếu máu.
-
Lớn hơn 36%: đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể có thể thiếu máu tăng sắc hồng cầu bình thường, do chứng hồng cầu hình tròn di truyền nặng hoặc do xuất hiện các yếu tố ngưng kết lạnh.
Cách gia tăng số lượng hồng cầu
Với một vòng đời chỉ độ 120 ngày, hồng cầu là một trong những loại tế bào được thay thế nhiều nhất trong cơ thể. Do vậy để sản sinh lượng hồng cầu đủ cho các hoạt động của cơ thể, vai trò dinh dưỡng, chế độ ăn rất quan trọng:
-
Bổ sung vitamin B12 trong thức ăn chủ yếu là thịt, trứng, sữa. Nhu cầu cần mỗi ngày là từ 1 - 3 mg.
-
Axit folic (hay vitamin B9) hỗ trợ quá trình sản sinh tế bào hồng cầu bình thường. Thường có trong các ngũ cốc, đậu, loại rau xanh màu đậm, trái cây như chuối, dưa gang, chanh, cũng như dồi dào trong gan, thận bò.
-
Tăng cường ăn các thực phẩm giàu sắt như: các loại hạt, đậu phụ, gan, thịt đỏ (bò, cừu,..), hàu, trai, sò điệp, ốc, quả lựu, củ cải đường,....Ngoài ra có thể bổ sung sắt thông qua thực phẩm chức năng như viên uống bổ sung sắt có sẵn với liều 50 -100 mg, có thể uống 2-3 lần mỗi ngày.
-
Vitamin A (Retinol) giúp cho sự phát triển tế bào gốc của hồng cầu trong tủy xương, giúp tế bào hồng cầu đang phát triển có thể tiếp cận đủ lượng sắt cần thiết cho việc tạo ra hemoglobin. Vitamin A thường có trong khoai lang, bí đỏ, cà rốt, rau lá xanh đậm, các loại hoa quả như bưởi, dưa hấu, dưa vàng..
Ngoài ra người bệnh cần chú ý hướng tới lối sống lành mạnh:
-
Tập thể dục hàng ngày: tốt cho những người có nồng độ tế bào hồng cầu thấp. Các bài tập tim mạch như đi bộ nhanh, chạy bộ và bơi lội giúp cơ thể thấm mệt và nạp thêm một lượng lớn oxy, kích thích sản sinh tế bào hồng cầu và hemoglobin.
-
Bỏ thói quen xấu (hút thuốc, uống rượu bia): Hút thuốc lá có thể cản trở tuần hoàn máu khiến máu khó lưu thông đúng cách và khó đưa khí oxy đến các bộ phận khác trong cơ thể. Việc tiêu thụ đồ uống chứa cồn có thể khiến máu đặc và chậm lưu thông, dẫn đến thiếu oxy trong máu, giảm sản sinh tế bào hồng cầu và sản sinh ra tế bào hồng cầu chưa trưởng thành.
-
Truyền máu nếu cần thiết: Nếu cảm thấy cơ thể thiếu máu trầm trọng mà việc hấp thụ qua ăn uống không khả quan, bạn có thể đề xuất bác sĩ khám và chỉ định truyền máu nếu cần thiết.
-
Khám sức khỏe định kỳ: khám sức khỏe thường xuyên tối thiểu 1 lần/năm là cách tốt nhất để biết tình trạng số lượng tế bào hồng cầu. Thông qua xét nghiệm máu ta có thể sàng lọc vấn đề tiềm ẩn dẫn đến tình trạng tế bào hồng cầu thấp.
Xem thêm: