Trang chủ Bệnh U lách (lành tính): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
U lách (lành tính): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh U lách (lành tính)

U nang lá lách là tổn thương ít phổ biến của lách. Đây là bệnh u lách chiếm tỷ lệ khoảng 0.5 đến 2% dân số. Bệnh thường diễn biến âm thầm hoặc có triệu chứng không đặc hiệu.

U lá lách có nguy hiểm không?  Bệnh có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu nang nhiễm trùng hoặc xuất huyết trong nang, vỡ nang  hay rò vào tạng lân cận.

Nguyên nhân bệnh U lách (lành tính)

U nang lách có hai loại chính là u nang lách ký sinh trùng và u nang lách không do ký sinh trùng.

U nang lách ký sinh trùng: do sự phát triển của Echinococcus (sán dây nhỏ). Ký chủ chính là động vật nuôi nhà (chó, mèo…). Ký chủ trung gian truyền bệnh là các động vật gặm nhấm (cừu, dê). Trứng của Echinococcus bị lây nhiễm qua thực ăn sống (thực vật, rau sống…) theo hệ mạch máu tới các cơ quan như gan, phổi, thận, não, lách.. bị bắt giữ bởi các đại thực bào máu. Kết quả bắt giữ ấu trùng tại lách dẫn đến hình thành nên nang lách ký sinh trùng (còn gọi là nang Hydatid).

U nang lách không do ký sinh trùng: là các nang có nguồn gốc bẩm sinh, bạch mạch hay mạch máu thì nguyên nhân chưa biết được rõ.

U nang lách giả: là các nang được hình thành sau sự tiêu hủy hối máu tụ do chấn thương, nhồi máu, xuất huyết…

Triệu chứng bệnh U lách (lành tính)

Các bệnh lý u nang lách được chia làm 3 nhóm biểu hiện chính:

  • U nang lách im lặng: bệnh nhân được phát hiện tình cờ khi thăm khám các bệnh lý khác
  • U nang lách có triệu chứng: được gây ra do sự chèn ép chiếm chỗ của nang lách với mô lách lành và với  cơ quan lân cận (dạ dày, đại tràng, đáy phổi, vòm hoành…)
  • U nang lách có biến chứng: nhiễm trùng nang lách, áp xe nang gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, vỡ nang gây viêm phúc mạc, xuất huyết vỡ nang do chấn thương…

Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Đau bụng: có thể đau vùng hạ sườn trái, vùng thượng vị, nếu viêm phúc mạc bệnh nhân đau dữ dội toàn bụng.
  • Buồn nôn, nôn: do nang lách chèn ép dạ dày
  • Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, đầy hơi, ợ chua, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón
  • Khó thở: khi nang chèn ép cơ hoành và màng phổi trái
  • Ho:  nếu nang chèn ép và kích thích thần kinh hoành, màng phổi
  • Đau lưng: nếu nang chèn ép thận và niệu quản gây bít tắc.
  • Sốt: nếu nang bị nhiễm trùng hoặc áp xe nang lách
  • Tăng huyết áp: khi nang chèn ép động mạch thận

Đối tượng nguy cơ bệnh U lách (lành tính)

  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh u lách.
  • Người có tiền sử chấn thương vùng bụng có nguy cơ phát triển các u nang lách giả
  • Người có thói quen ăn rau sống, gỏi cá .. có nguy cơ mắc u nang lách do ký sinh trùng

Phòng ngừa bệnh U lách (lành tính)

Chưa có biện pháp phòng ngừa u lách đặc hiệu. Một số biện pháp có thể được áp dụng bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn
  • Đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên đặc biệt nếu có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa dù chỉ mơ hồ.
  • Nếu mắc u nang lá lách chưa có chỉ định phẫu thuật cần sinh hoạt nghỉ ngơi đều đặn,  không lao động nặng, hạn chế chấn thương vùng bụng gây nguy cơ vỡ u lách gây mất máu, nhiễm trùng, rò vào cơ quan lân cận.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh U lách (lành tính)

Chẩn đoán u lách dựa vào triệu chứng lâm sàng và các cận lâm sàng sau:

  • Siêu âm: phương tiện chẩn đoán đơn giản, rẻ tiền, không xâm phạm. Nang lách có biểu hiện là các ổ cản âm kém hoặc không cản âm với đặc điểm bờ rõ, thành mỏng, mềm mại và có tăng âm phía sau. Siêu âm giúp xác định số lượng, kích thước, vị trí của nang cũng như các tổn thương cơ quan trong ổ bụng khác nếu có.
  • Chụp cắt lớp vi tính: giúp đánh giá nang lách và biến chứng của nang nếu có. Đánh giá sự chèn ép của nang đến các cơ quan lân cận.
  • Chụp Xquang không chuẩn bị: hình ảnh vôi hóa của nang lách hoặc bóng lách to dưới vòm hoành.
  • Chụp Xquang ngực thẳng: có thể thấy hình ảnh bóng lách to đẩy vòm hoành lên cao, đẩy lệch bóng hơi dạ dày.

Các biện pháp điều trị bệnh U lách (lành tính)

Điều trị u nang lách không phẫu thuật:

  • Áp dụng trường hợp u lách kích thước nhỏ hơn 4 cm, đơn độc, chưa có triệu chứng và biến chứng.
  • Bệnh nhân được chỉ định nghỉ ngơi, tránh lao động nặng, tránh các chấn thương vùng bụng và khám định kỳ từ 6-12 tháng/lần
  • Bệnh nhân u nang lách do ký sinh trùng được sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng như Albendazole, Mebendazole…
  • Điều trị u nang lách phẫu thuật:
  • Phẫu thuật là tiêu chuẩn vàng trong điều trị u nang lách.
  • Các phương pháp phẫu thuật bao gồm: cắt lách toàn bộ, cắt lách bán phần và cắt chóp u nang lách.
  • Phẫu thuật cắt lách bán phần hoặc cắt chóp u nang lách có nguy cơ tái phát hoặc chảy máu, tụ máu sau mổ nên thường ít được áp dụng.

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp