Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Tắc vòi trứng
Vòi trứng (hay còn gọi là ống dẫn trứng, vòi tử cung) là một thành phần của hệ sinh dục nữ giới, nằm bên trong cơ thể. Nó là một ống dẫn nhỏ nối buồng trứng và buồng tử cung, cho phép trứng di chuyển từ buồng trứng đến buồng tử cung để làm tổ.
Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh ở nữ giới. Ngoài ra trứng đã thụ tinh không thể di chuyển đến buồng tử cung, gây ra chửa ngoài tử cung, có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời.
Nguyên nhân bệnh Tắc vòi trứng
Có nhiều nguyên nhân gây ra tắc vòi trứng:
-
Đa số là do các tác nhân lây truyền qua đường tình dục: Chlamydia và lậu là thường gặp nhất. Chúng có thể gây viêm nhiễm vùng tiểu khung, gây ra sẹo làm hẹp tắc ống dẫn trứng
-
Lạc nội mạc tử cung: mô nôị mạc tử cung có thể xuất hiện trong vòi trứng làm tắc nghẽn chúng
-
Tiền sử chửa ngoài tử cung: nếu chửa ngoài tử cung được điều trị bảo tồn (không thắt vòi trứng) thì cũng có thể gây sẹo hẹp làm tắc vòi trứng về sau này
-
U xơ tử cung: những u xơ tử cung to có thể chèn vào vòi trứng gây ra sự tắc nghẽn
-
Tiền sử phẫu thuật ổ bụng-tiểu khung: những phẫu thuật vùng này có thể gây ra sự xơ dính làm tắc ống dẫn trứng (phẫu thuật viêm ruột thừa, viêm phúc mạc..)
Triệu chứng bệnh Tắc vòi trứng
Tắc vòi trứng hầu như khó có thể nhận biết sớm. Vậy tắc vòi trứng có biểu hiện gì? Dưới đây là những biểu hiện điển hình khi bị tắc vòi trứng:
-
Vô sinh: Tắc vòi trứng thường không gây ra biểu hiện gì. Nhiều phụ nữ chỉ biết mình bị bệnh khi đi khám vì không thể thụ thai.
-
Đau bụng: một số trường hợp tắc vòi trứng có thể gây đau ở một bên bụng do ứ nước vòi trứng làm căng giãn chúng và gây đau
-
Đau bụng có thể liên tục hoặc theo chu kì kinh nguyệt như trong lạc nội mạc tử cung
-
Các triệu chứng khác: đau khi quan hệ tình dục, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa,...
Đối tượng nguy cơ bệnh Tắc vòi trứng
-
Nguy cơ lớn nhất của bệnh là có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không an toàn. Điều đó dẫn tới dễ lây nhiễm các tác nhân gây bệnh qua đường tình dục, gây viêm nhiễm tiểu khung trong đó có vòi trứng.
-
Can thiệp thủ thuật vùng tiểu khung: nạo phá thai không an toàn, ở cơ sở không đảm bảo về chất lượng
-
Vệ sinh cơ quan sinh dục kém
-
Tiền sử phẫu thuật ổ bụng như đã nói ở trên
Phòng ngừa bệnh Tắc vòi trứng
-
Thực hiện các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục: tốt nhất là đeo bao cao su khi quan hệ
-
Lối sống chung thủy một vợ một chồng
-
Vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục hàng ngày, đặc biệt sau khi quan hệ, trong chu kì kinh nguyệt
-
Đi khám và điều trị triệt để khi có dấu hiệu viêm nhiễm bộ phận sinh dục
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tắc vòi trứng
Các thăm khám lâm sàng chẩn đoán tắc vòi trứng thường bị hạn chế. Vậy khám tắc vòi trứng như thế nào? Dưới đây là những kỹ thuật thường được sử dụng trong quá trình khám chẩn đoán bệnh:
-
Chụp buồng tử cung - vòi trứng: chất cản quang sẽ được bơm vào buồng tử cung và vòi trứng. Sau đó bệnh nhân sẽ được chụp X-quang. Phim chụp sẽ cho thấy sự tắc nghẽn ở vòi trứng nếu có. Biện pháp này thường thực hiện ở nửa đầu chu kì kinh nguyệt.
-
Siêu âm sản khoa: siêu âm là một biện pháp hữu hiệu để chẩn đoán. Trên siêu âm có thể nhìn thấy sự ứ nước vòi trứng- biểu hiện của tắc nghẽn
-
Ngoài ra còn có thể nội soi ổ bụng để chẩn đoán
Các biện pháp điều trị bệnh Tắc vòi trứng
Rất nhiều trường hợp bị tắc vòi trứng đều có thắc mắc tắc vòi trứng có chữa được không? Thực tế tắc vòi trứng là bệnh có thể chữa được. Mục tiêu điều trị là tái thông vòi trứng bị tắc để làm tăng khả năng thụ thai của phụ nữ. Tùy theo vị trí tắc ở phần đầu hay phần xa của vòi trứng, mức độ hẹp tắc khu trú một đoạn hay lan rộng cả vòi trứng mà có các biện pháp khác nhau. Chủ yếu là cần điều trị can thiệp, điều trị nội khoa còn chưa đem lại hiệu quả cao.
-
Phương pháp điều trị không phẫu thuật: đầu tiên dùng một ống thông bơm thuốc cản quang vào buồng tử cung-vòi trứng. Sau đó sẽ chụp X-quang để xác định vị trí tắc và dùng một ống thông khác để tái thông vị trí tắc. Phương pháp này có nguy cơ gây nhiễm trùng, chửa ngoài tử cung sau thủ thuật.
-
Phương pháp phẫu thuật: có thể phẫu thuật nội soi, mở ống dẫn trứng và giải quyết nguyên nhân tắc nghẽn. Nếu vòi trứng bị tắc nghẽn do mô sẹo lớn, xơ dính nhiều, có thể khó điều trị bảo tồn. Trong trường hợp này có thể cắt bỏ phần tổn thương rồi nối lại tùy từng trường hợp cụ thể.
-
Có thể dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để tăng cơ hội có thai.
Xem thêm:
- Hiệu quả và các chỉ định cho phương pháp hoạt động hóa noãn nhân tạo chủ động và thụ động
- Ảnh hưởng của E2, P4, βHCG trong tiên lượng thai nghén ở các trường hợp sau chuyển phôi trừ ngày thứ 14
- Phòng Xét nghiệm Nam học Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec
- Những thông tin về ngân hàng tinh trùng bạn nên biết
- Uống thuốc tránh thai hàng ngày quá liều có ảnh hưởng đến thai nhi không?
- Viêm gan B có lây truyền từ bố sang con không?
- Chuyển giới nam đang thực hiện liệu trình hormone có tiêm ngừa HPV được không?
- Thai 7 tuần tuổi chưa có tim thai có phải dấu hiệu của thai hỏng?
- Mất kinh nguyệt đột ngột khi chưa đến tuổi mãn kinh phải làm sao?
- Tử cung có vách ngăn liệu có khả năng mang thai?