Trang chủ Bệnh Sán lá gan: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Sán lá gan: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Sán lá gan

Sán lá gan là gì?

Sán lá gan là một loài ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, gây ra bệnh lý tại nhiều cơ quan.

Sán lá gan sống ở đâu?

Sán lá gan sống trong cơ thể người, chủ yếu ở gan và đường mật. Nhiễm sán lá gan là một bệnh lý mãn tính, có thể kéo dài hàng chục năm, bao gồm nhiễm sán lá gan lớnsán lá gan nhỏ.

Những người bị nhiễm sán lá gan nhỏ phân bố nhiều nơi trên thế giới. Loại sán Opisthorchis viverrini gây bệnh cho khoảng 3 triệu người dân các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và miền Nam nước ta. Trong khi đó, Clonorchis sinensis  là loại sán lá gan nhỏ phân bố chủ yếu ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và các tỉnh miền Bắc nước ta. Bệnh sán lá gan nhỏ phân bố trải dài từ bắc vào nam ở Việt Nam, ghi nhận có khoảng 21 tỉnh thành, tỷ lệ nhiễm thay đổi theo từng vùng, cao nhất ở Bình định, Phú Yên, Nam Định, Ninh Bình.

Nhiễm sán lá gan lớn loài Fasciola hepatica  thường gặp ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi; trong khi loài Fasciola gigantica phân bố chủ yếu ở châu Á. Ở nước ta, Sán lá gan lớn gặp nhiều hơn sán lá gan bé với khoảng hơn 40 tỉnh thành, cao nhất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Nguyên nhân bệnh Sán lá gan

Sán lá gan được chia làm hai nhóm: sán lá gan lớn và sán lá gan bé.

  • Sán lá gan nhỏ có 3 typ bao gồm: Clonorchis sinensis; Opisthorchis viverrini; Opisthorchis felineus

  • Sán lá gan lớn có 2 typ bao gồm: Fasciola hepatica; Fasciola gigantica.

Đặc điểm sán lá gan lớn:

  • Đây là loại ký sinh trùng có hình dạng giống chiếc lá, thân hình dẹt nên được gọi là sán lá gan. Sán lá gan lớn có kích thước to gấp nhiều lần so với sán lá gan bé, khoảng 30 x 10-12mm. Các cá thể sán lá gan cùng mang cơ quan sinh dục nam và nữ trên một cơ thể nên được xếp vào nhóm lưỡng giới.

  • Trứng sán được thải ra môi trường bên ngoài có vỏ mỏng nên rất dễ hỏng. Môi trường nước là điều kiện cần có để trứng phát triển thành ấu trùng và sán trưởng thành để gây bệnh. Ở môi trường trên cạn, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, cả trứng và con sán trưởng thành đều rất dễ chết, khó có thể tồn tại được.

  • Sán lá gan lớn lây nhiễm chính cho các động vật ăn cỏ như cừu và gia súc. Nhiễm sán lá gan lớn ở người chỉ là ngẫu nhiên do người bệnh ăn phải các loại rau sống mọc dưới nước như xà lách xoong, rau cần, rau ngổ hay uống phải nguồn nước nhiễm bẩn. Vật chủ chính của sán lá gan nhỏ bao gồm con người, chó mèo, rái cá,   Quá trình xâm nhập và gây bệnh cho người của sán lá gan có thể chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn xâm nhập vào gan:

Sau khi sử dụng thức ăn hoặc nước uống nhiễm bẩn, ấu trùng sán theo đường tiêu hóa xuống đến tá tràng thì tách vỏ chui qua thành tá tràng để vào khoang phúc mạc bụng đến gan, xuyên thủng qua bao gan để xâm nhập và gây bệnh ở nhu mô gan. Lúc này hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại bằng cách sản xuất ra các kháng thể chống lại sán lá gan. Kháng thể xuất hiện trong máu cách ít nhất 2 tuần kể từ khi nhiễm sán. Xét nghiệm máu có thể xác định được kháng thể nhưng không có ý nghĩa chẩn đoán chắc chắn bệnh sán lá gan.

Trong quá trình xâm nhập vào nhu mô gan, sán lá gan có thể đi lạc đến các cơ quan khác tạo nên bệnh cảnh sán lá gan lạc chỗ như thành bụng, thành dạ dày, thành ruột.

Giai đoạn xâm nhập vào hệ thống đường mật:

Sau khi ký sinh vào nhu mô gan, sán lá gan có thể vào đường mật và ký sinh trong một thời gian dài. Tại đây, trứng sán trưởng thành theo đường mật xuống ruột, và ra ngoài theo phân, lây lan cho những người khác trong cộng đồng. Sán lá gan trưởng thành có thể cư trú trong đường mật tới hàng chục năm.

Triệu chứng bệnh Sán lá gan

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sán lá gan bao gồm:

  • Đau bụng vùng gan: thường là đau âm ỉ, lan ra phía sau lưng hoặc sang bên trái, tới đến vùng thượng vị. Đôi khi bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu, đầy bụng, kèm buồn nôn.

  • Rối loạn tiêu hóa

  • Sốt: có thể sốt cao kèm rét run, hoặc chỉ thoáng qua rồi hết.

  • Chóng mặt, vã mồ hôi.

  • Da tái xanh do thiếu máu, hoặc vàng da, nổi mề đay.

  • Gan sưng to hoặc xơ gan, có thể sờ thấy được trên lâm sàng tùy theo mức độ nặng của bệnh.

  • Có thể có dịch trong ổ bụng

  • Mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân.

Hầu hết những người nhiễm sán lá gan không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng không đặc trưng nên người bệnh thường bỏ qua và không biết cho đến khi có các biến chứng xuất hiện. Vì vậy khi có bất cứ triệu chứng nghi ngờ gì, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế.

Đường lây truyền bệnh Sán lá gan

Bệnh sán lá gan ở người lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Người ăn phải thức ăn hoặc nước uống có trứng hoặc ấu trùng nang sẽ bị nhiễm bệnh do ký sinh trùng xâm nhập vào nhu mô gan và hệ thống dẫn mật. Tại đây, sán lá gan trưởng thành đẻ trứng và thải ra môi trường nước bên ngoài qua phân rồi tiếp tục lây lan. Bệnh có thể truyền từ người bệnh sang người lành theo đường tiêu hóa với cách thức tương tự.

Đối tượng nguy cơ bệnh Sán lá gan

Các đối tượng nguy cơ có khả năng nhiễm sán lá gan cao hơn những người khác bao gồm:

  • Sống trong vùng dịch tễ có tỷ lệ người nhiễm sán lá gan cao, như Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Âu, …

  • Sống ở ven sông, gần các khu chăn nuôi gia súc như trâu, bò, cừu,…

  • Có thói quen thường xuyên ăn rau sống, hay thịt cá sống.

  • Tiền sử đã từng ăn cá sống ở vùng dịch tễ.

  • Bệnh ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới.

Phòng ngừa bệnh Sán lá gan

Các biện pháp giúp giảm tỷ lệ nhiễm sán lá gan:

  • Đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi

  • Dùng nước từ nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh

  • Không ăn sống các loại thực vật tươi sống dưới nước gần các vùng chăn nuôi gia súc.

  • Trái cây hay rau quả trước khi ăn phải rửa sạch, ngâm trong dung dịch khử trùng như axit axetic 6% trong khoảng 10 phút.

  • Tuyên truyền giáo dục sức khỏe về đường lây truyền bệnh sán lá gan, cách thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung như không phóng uế bừa bãi.

  • Nếu có dịch cần thành lập ban chỉ đạo và khoanh vùng kiểm soát nhanh chóng.

Người bệnh nếu nghi ngờ mình nhiễm sán lá gan cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm nhất có thể.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Sán lá gan

Để chẩn đoán một ca bệnh sán lá gan, bác sĩ cần phối hợp các thông tin về đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Các xét nghiệm là phương pháp để chẩn đoán xác định bệnh và mức độ bệnh, bao gồm:

  • Soi phân, dịch tá tràng hoặc dịch mật theo phương pháp Kato: tìm thấy trứng sán lá gan trong phân hoặc trong dịch tá tràng, dịch mật cho phép chẩn đoán xác định tình trình trạng nhiễm ký sinh trùng. Tỷ lệ soi thấy trứng trong các mẫu bệnh phẩm là không cao. Bệnh nhân cần được lấy mẫu làm xét nghiệm liên tục trong 3 ngày.

  • Công thức máu: số lượng bạch cầu tăng cao, ưu thế bạch cầu ái toan.

  • Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể sán lá gan trong máu bằng phương pháp miễn dịch ELISA. Kháng thể có thể tồn tại kéo dài sau khi điều trị thành công nên không dùng để chẩn đoán xác định bệnh. Các kháng thể IgG, IgM, IgE luôn tăng trong các trường hợp nhiễm sán lá gan.

  • Test trong da

  • Siêu âm bụng: cho hình ảnh tổn thương nhu mô gan dạng tổ ong hoặc tụ dịch dưới bao gan, hình ảnh các ổ áp xe. Sán lá gan trên siêu âm có thể quan sát được với hình ảnh giống chiếc lá, dẹt nếu kích thước lớn. Siêu âm bụng cùng với xét nghiệm soi phân được chọn làm như các xét nghiệm sàng lọc bệnh ở những vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm sán lá gan cao.

  • CT scan bụng: khảo sát hình ảnh đường mật tốt hơn siêu âm bụng. Giãn nở các ống dẫn mật, không gây tắc nghẽn là hình ảnh đặc trưng trong bệnh sán lá gan

  • Chụp cộng hưởng từ

Các biện pháp điều trị bệnh Sán lá gan

Thuốc

  • Điều trị sán lá gan chủ yếu là điều trị nội khoa với các thuốc diệt ký sinh trùng. Các thuốc cần được chỉ định sớm và đúng liều. Triclabendazole là loại thuốc đầu tay, điều trị đặc hiệu sán lá gan lớn với liều 10mg/kg, uống liều duy nhất. Praziquantel là thuốc đặc hiệu điều trị cho sán lá gan nhỏ, liều lượng 75mg/kg, được chỉ định dùng trong vòng 1-2 ngày tùy theo mức độ nhiễm bệnh, uống 3 lần 1 ngày, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ. Uống thuốc diệt sán sau khi ăn no. Cần chú ý các đối tượng chống chỉ định dùng thuốc như phụ nữ mang thai và cho con bú, người đang trong giai đoạn cấp tính của các bệnh gan mật hoặc các bệnh lý cấp tính khác như suy gan, suy tim, suy thận cấp, kỹ sư vận hành máy móc, người dị ứng với các thành phần của thuốc. Đau đầu, buồn nôn nôn mửa, nổi mẩn ngứa, đau vùng gan có thể là các tác dụng không mong muốn của thuốc, thường chỉ thoáng qua ngay sau khi uống thuốc và không cần xử trí gì.
  • Corticosteroid được chỉ định trong giai đoạn cấp tính của bệnh khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Thuốc chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc kháng sinh được sử dụng khi có nhiễm trùng.

Can thiệp

  • Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, xuất hiện các biến chứng như viêm đường mật hay tổn thương nhu mô gan nhiều, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc phẫu thuật lấy bỏ phần nhu mô gan tổn thương.
  • Các ổ áp xe trong nhu mô gan có kích thước lớn, không đáp ứng với phương pháp nội khoa sẽ được chọc hút dẫn lưu dịch để điều trị.

Theo dõi và đánh giá kết quả

Sau khi uống thuốc, người bệnh được giữ lại theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 3 ngày.

Bệnh nhân cần được tái khám tại 2 mốc thời gian: sau 3 tháng và sau 6 tháng điều trị để đánh giá các đặc điểm sau:

  • Triệu chứng lâm sàng

  • Công thức máu: số lượng bạch cầu

  • Siêu âm bụng: kiểm tra kích thước vùng tổn thương gan

  • Soi phân, dịch mật tìm trứng sán lá gan.

Nếu bệnh không thuyên giảm, cần đặt ra các chẩn đoán phân biệt khác như: viêm gan do virus, áp xe gan do các loại ký sinh trùng khác, u gan, …

Có thể sử dụng Triclabendazole lần thứ hai với liều gấp đôi lần 1, 20mg/kg, uống 2 lần/ ngày cách nhau 12 giờ.

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp