Trang chủ Bệnh Nhiễm độc thai nghén: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Nhiễm độc thai nghén: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén là gì?

Nhiễm độc thai nghén là một tình trạng bệnh lý riêng biệt của phụ nữ khi mang thai, xuất hiện vào quý I và quý III của thai kỳ với những biểu hiện khác nhau. Để hiểu rõ nhiễm độc thai nghén có nguy hiểm không, trước hết người bệnh cần biết nhiễm độc thai nghén là như thế nào.

Đây là bệnh lý gây ra do sự rối loạn co thắt các mạch máu của người mẹ, bao gồm cả hệ thống mạch máu ngoại biên và mạch máu nội tạng như gan, thận, tử cung, não. Hệ quả của hiện tượng này là sự thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan của mẹ và nhau thai, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả thai và mẹ. Nhiễm độc thai nghén luôn đi trước trong hầu hết các trường hợp sản giật, là biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ với tỷ lệ tử vong rất cao. Những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm độc thai nghén thường nhẹ cân, chậm phát triển so với tuổi thai và dễ bị ngạt sau sinh.

Triệu chứng nhiễm độc thai nghén nổi bật trong 3 tháng đầu thai kỳ là nghén nặng, thai phụ thường nôn nghén quá độ, ăn uống kém. Mặt  khác triệu chứng nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ là phù, tăng huyết áp, xuất hiện protein trong nước tiểu,… Nguyên nhân gây ra nhiễm độc thai nghén hiện nay còn chưa rõ nên việc điều trị nhiễm độc thai nghén còn nhiều khó khăn.

Thuật ngữ “nhiễm độc thai nghén” có ý nghĩa ám chỉ quá trình thai nghén gây độc lên cơ thể của người phụ nữ mang thai. Thuật ngữ này hiện nay không còn được sử dụng phổ biến như trước nữa, được thay thế bằng thuật ngữ “tăng huyết áp thai kỳ-tiền sản giật-sản giật”.

Nguyên nhân bệnh Nhiễm độc thai nghén

Nguyên nhân gây nhiễm độc thai nghén còn chưa biết rõ. Bất kỳ giả thiết nào liên quan đến nhiễm độc thai nghén nào được đưa ra đều cho rằng nhiễm độc thai nghén thường hay xảy ra ở những phụ nữ có các đặc điểm sau:

  • Lần đầu mang thai

  • Có bánh nhau lớn với lượng tế bào lông nhau nhiều như trong sinh đôi hay thai trứng

  • Tình trạng viêm nhiễm hoạt bệnh lý của tế bào nội mô mạch máu như đái tháo đường, béo phì, bệnh lý tim mạch, bệnh lý thận, bệnh lý tự miễn.

Dù nguyên nhân là gì, nhiễm độc thai nghén đặc trưng với sự phá hủy tế bào nội mô mạch máu toàn thân với các hiện tượng như co thắt mạch máu, rò rỉ huyết tương, thiếu máu và huyết khối.

Triệu chứng bệnh Nhiễm độc thai nghén

Triệu chứng nhiễm độc thai nghén biểu hiện khác biệt ở quý I và quý III của thai kỳ.

Triệu chứng nhiễm độc thai nghén ở quý I thai kỳ:

Dấu hiệu nhận biết nhiễm độc thai nghén nổi bật ở khoảng thời gian này là ốm nghén. Trong lúc mang thai, nhiều phụ nữ thường có biểu hiện ốm nghén. Các thai phụ thường gặp phải triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với mùi thức ăn. Ốm nghén quá độ trong nhiễm độc thai nghén làm các chị em mệt mỏi, không muốn ăn, buồn nôn và nôn mửa nhiều hơn so với những thai phụ khác. Việc này kéo dài sẽ gây mệt mỏi, tăng cân không hiệu quả hoặc thậm chỉ sụt cân, ảnh hướng nhiều để sức khỏe của thai nhi.

Ốm nghén thường xuất hiện khi thai kỳ được 1 tháng và kéo dài đến hết quý đầu. Sau đó, triệu chứng ốm nghén có thể giảm dần rồi mất hẳn khi thai lớn hơn. Ở những trường hợp nhiễm độc thai nghén nặng hơn, thai phụ phải đối mặt với triệu chứng ốm nghén sớm hơn với mức độ nặng nề hơn. Gầy còm, sút cân là dấu hiệu cảnh báo cho một thai kỳ nguy cơ cao.

Triệu chứng nhiễm độc thai nghén ở quý III thai kỳ:

Ở 3 tháng cuối của thai kỳ, dấu hiệu gợi ý nhiễm độc thai nghén trở nên đa dạng hơn, bao gồm:

  • Phù: thường xuất hiện ở  hai chi dưới với đặc điểm phù mềm ấn lõm. Người bệnh có thể tự nhận biết triệu chứng này khi thấy hai chi dưới sưng to, chỗ lõm hai mắt cá chân được lấy đầy. Thai phụ dùng tay ấn vào mặt trước cẳng chân hoặc mắt cá chân thấy lõm tức là có triệu chứng phù. Ở những trường hợp nặng, thai phụ có thể có phù xuất hiện ở mặt và cả hai tay. Phân biệt với triệu chứng phù hai chi dưới do tử cung chèn ép, không cho máu trở về tim bằng cách cho thai phụ nằm nghiêng trái và kê cao hai chân. Nếu triệu chứng không biến mất cần đến gặp bác sĩ vì phù có thể do nhiễm độc thai nghén gây nên. Những thai phụ bị phù do thai nghén chèn ép thì chỉ cần nằm nghỉ ngơi, gác cao chân sẽ hết phù. Còn ở nhiễm độc thai nghén thì phù ở chân không giảm sau nghỉ ngơi. Hiện tượng phù không chỉ xuất hiện ở dưới da mà còn ở trong các cơ quan bên trong, nước thoát ra trong các khoảng kẽ, gây nên các triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, đau bụng,…

  • Tăng cân nhanh: được gọi là tăng cân nhanh khi trong 3 tháng cuối thai kỳ, mỗi tuần thai phụ tăng nhiều hơn 0,5 kilogram do nước bị giữ lại trong cơ thể. Khi đó bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm nước tiểu để định lượng protein. Nếu protein niệu > 0,3g/l thì thai phụ được chẩn đoán nhiễm độc thai nghén và theo dõi cẩn thận. Lượng protein niệu càng nhiều thì nhiễm độc thai nghén càng nặng.

  • Tăng huyết áp: được định nghĩa khi huyết áp của thai phụ đo được trên 140/90 mmhg hoặc khi huyết áp tối đa tăng thêm ít nhất 30mmhg và/hoặc huyết áp tối thiểu tăng thêm ít nhất 15mmhg so với huyết áp trước khi mang thai. Cùng với phù và xuất hiện protein niệu, tăng huyết áp là một dấu hiệu thường gặp trong nhiễm độc thai nghén. Tùy vào mức độ nhiễm độc thai nghén, bệnh nhân có thể chỉ có một trong ba triệu chứng trên, hoặc có cả ba triệu chứng.

  • Tiểu ít: lượng nước tiểu ngày càng giảm đi so với trước đây. Phù càng nhiều, thai phụ tiểu càng ít.

Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật và sản giật.

Tiền sản giật

Ngoài các triệu chứng nhiễm độc thai nghén, bệnh nhân còn gặp phải các triệu chứng như choáng váng, đau đầu, mắt mờ, đau bụng, protein niệu cao, có khi >0,5g/l. Lúc này thai phụ cần được nhập viện theo dõi. Việc xác định tuổi thai chính xác và chấm dứt thai kỳ đúng lúc đóng vai trò tiên quyết trong điều trị bệnh. Tiền sản giật không được theo dõi sát và điều trị đúng đắn sẽ dẫn đến cơn sản giật.

Sản giật

biến chứng nặng nhất của nhiễm độc thai nghén với tỷ lệ tử vong cho mẹ và con cao. Sản giật thường xảy ra ở những phụ nữ sinh con so. Thai phụ có những cơn co giật toàn thân mạnh rồi co cứng toàn bộ, đầu ưỡn cong ra sau, mắt đảo rồi nhìn ngược lên trên, sau đó chuyển sang trạng thái giật rung nhanh, co giật ở mặt, tay chân, sùi bọt mép, ngừng thở sau đó co giật giảm dần và chuyển sang hôn mê. Với tính chất co giật mạnh, bệnh nhân có thể cắn phải lưỡi gây chảy máu hoặc gặp phải chấn thương do rớt khỏi giường. Giai đoạn co cơ và thư giãn cơ xảy ra xen kẽ, và có thể kéo dài trong một vài phút. Bệnh nhân sản giật thường tử vong trong bối cảnh suy tim, phù phổi, nhồi máu não.

Có thể chia sản giật làm 3 loại, phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện cơn sản giật:

  • Sản giật trước sinh: thường xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ, sau 30 tuần. Thai nhi thường chết, nếu may mắn được sinh ra, thai nhi thường non tháng.

  • Sản giật trong khi chuyển dạ: là một chỉ định của mổ lấy thai cấp cứu.

  • Sản giật sau sinh: thường xảy ra vài giờ sau sinh. Cần chuyển sản phụ đến những cơ sở y tế đủ thẩm quyền và năng lực để điều trị.

Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm độc thai nghén

Nguyên nhân gây ra nhiễm độc thai nghén chưa được biết rõ nhưng có nhiều yếu tố được xác định làm tăng nguy cơ mắc nhiễm độc thai nghén ở thai phụ. Một số yếu tố được liệt kê bên dưới:

  • Thai phụ trẻ và mang thai con so: đây là đối tượng dễ mắc nhiễm độc thai nghén hơn so với người phụ nữ đã mang thai nhiều lần trước đó. Tỷ lệ bị nhiễm độc thai nghén ở phụ nữ sinh con so khoảng từ 3-10% trong khi ở phụ nữ sinh con rạ chỉ khoảng từ 1,4-4%.

  • Chủng tộc:  phụ nữ da đen có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn

  • Thời tiết lạnh, đang chuyển mùa.

  • Thường xuyên mệt mỏi, làm việc quá sức trong lúc mang thai.

  • Thể trạng béo phì, BMI>30

  • Sử dụng thực phẩm dễ gây dị ứng.

  • Các bệnh lý nội khoa như viêm loét dạ dày, suy thận mãn tính, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch.

  • Các bệnh lý tự miễn như bệnh lupus toàn thân, hội chứng kháng phospholipid.

  • Mang thai con trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn dù chênh lệch không nhiều.

  • Tiền sử mắc nhiễm độc thai nghén ở lần mang thai trước.

  • Những thai phụ có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thai phụ to béo, mang thai đôi, nhiều nước ối, có bệnh tiểu đường..

Phòng ngừa bệnh Nhiễm độc thai nghén

Nguyên nhân nhiễm độc thai nghén không rõ ràng nên không có biện pháp nào phòng bệnh hiệu quả. Thai phụ cần đi khám thai định kỳ và báo với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường là phương án tốt nhất.

Một vấn đề quan trọng khác là cần đề phòng biến chứng sản giật ở những thai phụ đã được chẩn đoán nhiễm độc thai nghén. Một số biện pháp giúp dự phòng biến chứng sản giật:

  • Thai phụ cần được theo dõi sát và quản lý thai nghén tốt: đi khám đúng hẹn, đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các vấn đề bất thường

  • Chuyển lên tuyến cao hơn nếu thai phụ được phát hiện phù, tăng huyết áp ở trạm y tế

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ khi được chẩn đoán nhiễm độc thai nghén

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm độc thai nghén

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng như phù hai chi dưới, tăng huyết áp, tăng cân nhanh, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm nước tiểu định lượng protein để chẩn đoán nhiễm độc thai nghén.

Ngoài ra một số xét nghiệm khác cũng được chỉ định để đánh giá mức độ nặng của bệnh, bệnh đã có biến chứng hay chưa như:

  • Công thức máu: lưu ý số lượng tiểu cầu

  • Men gan

  • Chức năng thận: ure, creatinine máu

  • Siêu âm bụng

Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm độc thai nghén

Nguyên tắc điều trị nhiễm độc thai nghén phải bao gồm việc bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Điều trị không thuốc: chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, hạn chế muối, hạn chế căng thẳng, không làm việc nặng nhọc.

  • Điều trị thuốc: bác sĩ thường chỉ định hai nhóm thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp để kiểm soát hai triệu chứng phù và tăng huyết áp. Nhóm thuốc an thần và chống co giật như magie sulfate được dùng để dự phòng và điều trị tiền sản giật.

Ngoài ra, khi nhiễm độc thai nghén tiến đến tiền sản giật hoặc sản giật, việc chấm dứt thai kỳ để lấy thai nhi ra ngoài là biện pháp điều trị triệt để. Trước đó, mẹ và thai nhi sẽ được đánh giá một cách toàn diện.

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp