Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Nấm thanh quản
Thanh quản nằm ở cửa ngõ đường hô hấp dưới, là bộ phận hẹp nhất của đường thở đảm nhiệm chức năng thở, phát âm và bảo vệ phổi.
Nấm thanh quản là một hình thái viêm thanh quản đặc hiệu do vi nấm gây ra. Ở người bình thường, niêm mạc vùng họng miệng, thanh quản thường có nấm sống hoại sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, hoặc thay đổi điều kiện sống, nấm sẽ phát triển và gây bệnh nấm thanh quản. Nấm thanh quản là một bệnh không lây nhiễm từ người sang các đối tượng khác.
Nguyên nhân bệnh Nấm thanh quản
Nguyên nhân bị nấm thanh quản thường gặp nhất là do 2 loại nấm Candida và Aspergillus sống cộng sinh tại vùng họng miệng, thanh quản. Khi gặp điều kiện thuận lợi, các loại nấm này sẽ phát triển và gây bệnh. Người bệnh cũng có thể nhiễm bệnh do bào tử nấm xâm nhập từ môi trường bên ngoài qua đường hô hấp và gây bệnh mỗi khi có điều kiện.
Ngoài ra, bệnh xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố thời tiết như thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái. Các yếu tố này giúp ra gia tăng khả năng sinh trưởng và phát triển của các loại nấm qua đó gây nên bệnh.
Triệu chứng bệnh Nấm thanh quản
Hầu hết các triệu chứng của bệnh nấm thanh quản không có biểu hiện gì đặc biệt, các triệu chứng không đặc hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Các triệu chứng của nấm thanh quản gồm có:
- Triệu chứng cơ năng: Gồm các triệu chứng như ho, khàn tiếng, ngứa họng, khó thở tại thanh quản. Các triệu chứng này tăng dần theo mức độ từ nhẹ cho tới nặng gây cảm giác khó chịu cho người bệnh kéo theo hiện tượng viêm xung huyết, phù nề thanh quản làm cản trở hô hấp của người bệnh
- Triệu chứng toàn thân: Các triệu chứng toàn thân của bệnh thường nghèo nàn, ít biểu hiện đặc hiện. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng như sốt, cần kết hợp với thăm khám lâm sàng để để định hướng cho việc chẩn đoán và điều trị.
Đối tượng nguy cơ bệnh Nấm thanh quản
Mọi đối tượng đều có thể bị nhiễm nấm thanh quản. Đặc biệt, bệnh xuất hiện nhiều ở những người mắc các bệnh về suy giảm hệ thống miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư, lao, sử dụng corticoid, kháng sinh kéo dài,
Phòng ngừa bệnh Nấm thanh quản
Thực hiện vệ sinh môi trường làm việc, đeo khẩu trang trong điều kiện môi trường nhiều bụi bặm giúp hạn chế nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Tập thể dục, ăn uống điều độ, hạn chế thuốc lá, rượu bia, nâng cao sức đề kháng của cơ thể giúp bảo vệ cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Không lạm dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, kháng sinh, corticoid. Khi xuất hiện các triệu chứng cần đi khám bác sĩ để được điều trị hiệu quả.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nấm thanh quản
Việc chẩn đoán nấm thanh quản dựa vào việc thăm khám lâm sàng kết hợp với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
- Khám thanh quản bằng các biện pháp như soi thanh quản trực tiếp hoặc gián tiếp phát hiện các màng giả ở thanh quản là dấu hiệu rất quan trọng để chẩn đoán bệnh. Màng giả có thể khu trú tại một vùng hoặc một số vị trí của thanh quản tùy theo tình trạng bệnh, Ở phía dưới là các tổ chức tổn thương loét, hoại tử, chảy máu. Khi thực hiện lấy bệnh phẩm xét nghiệm cần lấy bệnh phẩm tại đúng vị trí tổn thương thì mới có giá trị chẩn đoán xác định
- Chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm nghiệm mô bệnh học, huyết thanh học, sinh học phân tử, nhuộm soi và nuôi cấy có giá trị xác định bệnh và làm cơ sở cho lựa chọn thuốc điều trị. Lưu ý cần thực hiện kết hợp các biện pháp chẩn đoán và lấy đúng bệnh phẩm tại các vị trí tổn thương để việc chẩn đoán chính xác và có giá trị nhất.
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lao thanh quản, ung thư thanh quản giúp xác định chính xác bệnh và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp với người bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Nấm thanh quản
Nguyên tắc điều trị nấm thanh quản: Kết hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.
- Điều trị tại chỗ: Soi bóc tách nấm ở niêm mạc thanh quản để loại trừ các tác nhân gây bệnh giúp giảm thời gian điều trị, giảm liều thuốc và nhanh hồi phục .
- Điều trị toàn thân: Sử dụng các loại kháng sinh đường uống có tác dụng đối với nấm thanh quản đơn thuần không nằm trong suy giảm miễn dịch toàn thân và phù hợp với nguyên nhân gây bệnh. Việc dùng kháng sinh điều trị cần theo dõi chặt chẽ, không được tự ý dùng thuốc mà phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm:
- Hút thuốc lào có bị mắc bệnh về phổi không?
- Giáo dục và tăng cường nhận thức về bệnh lao
- Lao phổi có dẫn đến bệnh hô hấp khác không?
- Tập thể dục và hít thở đúng cách: Tầm quan trọng đối với hô hấp
- Chăm sóc sức khỏe hô hấp trong mùa hè
- Dùng điều hòa nhiều có tốt cho hô hấp?
- Cải thiện sức khỏe hô hấp bằng việc tập thể dục
- Phương pháp hô hấp yoga
- Khô miệng - Biểu hiện của nhiều nguyên nhân
- Đau lưng, đau đầu và hay mất ngủ là di chứng của bệnh viêm màng não?