Trang chủ Bệnh Chốc mép: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Chốc mép: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Chốc mép

Chốc mép là bệnh da liễu phổ biến và có khả năng lây nhiễm cao, thường gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Người bị chốc mép thường biểu hiện với nhiều mụn rộp ở mặt, nhiều nhất là vùng quanh miệng và mũi, trên tay và chân. Các nốt phỏng vỡ và đóng vảy màu vàng mật ong.

Người bệnh thường có xu hướng muốn chữa chốc mép nhanh vì những tổn thương ở mặt gây mất thẩm mỹ và cản trở nhiều đến sinh hoạt và làm việc. Có thể chữa chốc mép tại nhà mà không cần nhập viện. Điều trị với thuốc kháng sinh là phương pháp chính, giúp ngăn ngừa lây lan bệnh sang người khác. Điều quan trọng nhất là cách ly người bệnh cho tới khi không còn khả năng lây nhiễm nữa, thường đến 24 giờ sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh.

Nguyên nhân bệnh Chốc mép

Tác nhân gây bệnh chính là virus, phổ biến nhất là nhóm herpes virus. Vi khuẩn, nấm chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Nấm men candida albicans là loại nấm thường gặp gây bệnh chốc mép. Nó có mặt ở khắp mọi nơi, và sẵn sàng gây bệnh khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu. Ngoài ra sự thiếu hụt vitamin B12 cũng được xem là nguyên nhân gây ra bệnh chốc mép.

Triệu chứng bệnh Chốc mép

Triệu chứng lâm sàng kinh điển của bệnh chốc mép là các mụn nước xuất hiện trên da, quanh miệng, mũi và ở tay chân. Các mụn nước này dễ vỡ, rỉ nước và sau đó vài ngày đóng vảy màu vàng nâu. Lúc đầu các mụn nước thường chỉ xuất hiện quanh mũi và miệng, về sau lan đến các vùng khác của cơ thể thông qua tiếp xúc bằng tay, hoặc lây từ áo quần và khăn tắm. Người bệnh thường chỉ ngứa và đau nhẹ.

Thể bệnh nặng hơn của chốc mép là ecthyma khi tổn thương lan sâu xuống trong da. Biểu hiện của thể ecthyma là các bọng nước lớn, chứa nhiều dịch, đau, sau khi vỡ tiến triển thành các vết loét sâu.

Chốc mép thường không gây ra biến chứng gì nguy hiểm. Các mụn nước nếu không bị bội nhiễm thì sẽ lành nhanh chóng và không để lại sẹo trên da.

Đường lây truyền bệnh Chốc mép

Câu trả lời cho bệnh chốc mép có lây không là có. Bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương của người bệnh hoặc với những đồ dùng nhiễm bẩn, chứa các tác nhân gây bệnh mà người bệnh đã chạm vào như áo quần, giường chiếu, đặc biệt là đồ chơi của trẻ em.

Đối tượng nguy cơ bệnh Chốc mép

Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ của bệnh chốc mép bao gồm:;

  • Tuổi. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi

  • Môi trường sống đông đúc. Bệnh dễ lây lan trong trường học và các khu vực chăm sóc trẻ

  • Thời tiết ẩm và nóng. Mùa hè là mùa có tỷ lệ mắc bệnh chốc lở cao nhất.

  • Một vài môn thể thao đặc thù có tiếp xúc da kề da như bóng đá sẽ làm tăng nguy cơ bị chốc mép.

  • Tổn thương da sẵn có sẽ tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh thâm nhập vào dù đó chỉ là một thương tổn nhỏ.

  • Người lớn mắc bệnh đái tháo đường hoặc suy giảm miễn dịch cũng dễ bị chốc mép.

Phòng ngừa bệnh Chốc mép

  • Giữ da sạch sẽ là cách phòng ngừa tốt nhất. Cần vệ sinh tốt các vết cắt, vết trầy xước và vết côn trùng cắn đúng cách.

  • Để phòng ngừa bệnh chốc mép lan rộng ra và lây cho người khác cần chú ý:

  • Rửa sạch vùng bị tổn thương với nước xà phòng loãng dưới vòi nước chảy và băng nhẹ nhàng với gạc

  • Giặt riêng quần áo và khăn của người bệnh mỗi ngày và không cho người khác dùng chung các đồ vật cá nhân.

  • Mang găng tay khi bôi thuốc lên tổn thương và rửa sạch tay ngay sau đó.

  • Đối với trẻ em bị chốc mép, nên cắt ngắn móng tay cho trẻ để tránh làm trầy xước da.

  • Cách ly trẻ tại nhà cho đến khi bác sĩ đảm bảo là không còn khả năng lây lan

  • Rửa tay thường xuyên.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Chốc mép

Bác sĩ chẩn đoán bệnh chốc mép thường chỉ cần nhìn vào các thương tổn đặc trưng của bệnh. Các xét nghiệm cận lâm sàng là không cần thiết.

Nếu tổn thương kém đáp ứng với việc điều trị các kháng sinh thông thường, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch rỉ của mụn nước để làm kháng sinh đồ, tìm ra được loại kháng sinh có tác dụng tốt nhất trên từng bệnh nhân.

Các biện pháp điều trị bệnh Chốc mép

Bệnh chốc mép thường chỉ cần điều trị nội khoa với thuốc và cẩn thận trong việc chăm sóc người bệnh để tránh lây lan. Hầu hết bệnh chốc mép do virus đều có thể tự khỏi sau 1 đến 2 tuần.

Thuốc thường được dùng để điều trị ở dạng thuốc mỡ hoặc kem để bôi trực tiếp lên da. Các thuốc kháng virus như acyclovir giúp giảm bớt triệu chứng và phòng ngừa được sự tiến triển của bệnh. Cần bôi thuốc ngay từ khi phát hiện tổn thương cho đến khi bong vảy hoàn toàn. Các thuốc kháng sinh được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ tác nhân là vi khuẩn hoặc khi các mụn nước loét bội nhiễm. Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên ngâm tổn thương trong nước ấm để các vảy trên da bong ra và thuốc được tiếp xúc trực tiếp với thương tổn. Hãy chắc chắn rằng người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng liều trình, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ cho đến khi thương tổn lành hoàn toàn, không được tự ý kết thúc việc điều trị. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh tái phát sau này. Với những người bị chốc mép do tác nhân là nấm có thể được chỉ định dùng các thuốc kháng nấm Canesten hoặc kem Daktarin bôi lên tổn thương.

Người bệnh bị chốc mép có thể không cần đến cơ sở y tế. Một số cách chữa chốc mép tại nhà mang lại hiệu quả như:

  • Chữa chốc mép bằng dầu dừa hoặc dầu olive: đây là 2 nguyên liệu làm đẹp của phụ nữ, đặc biệt có công dụng chữa chốc mép nhanh, hiệu quả nhờ vào công dụng sát khuẩn và làm lành vết thương. Thoa dầu trực tiếp lên da để làm dịu da, giảm đau rát và mau lành tổn thương. Có thể uống thêm nước dừa để thanh nhiệt cơ thể là làm dịu các tổn thương, tăng sức đề kháng và làm giảm triệu chứng của cơ thể.

  • Chữa chốc mép bằng dưa leo: tương tự như dầu olive và dầu dừa, dưa leo có tính mát và làm dịu da. Thái lát mỏng dưa leo và đắp trực tiếp lên vùng tổn thương.

  • Chữa chốc mép bằng nha đam: gel nha đam có tác dụng làm thông thoáng và bớt viêm nhiễm các vết lở mép.

  • Chữa chốc mép bằng chuối và mật ong: người bệnh có thể ăn chuối chín cùng mật ong hoặc bôi hỗn hợp này trên vết loét.

  • Chữa chốc mép bằng nước muối sát trùng: dùng nước muối để rửa sạch vùng bị lở là cách có hiệu quả.

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp