Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Basedow
Basedow là bệnh gì? Basedow (hay bệnh Graves) là một dạng bệnh nội tiết, cường giáp phổ biến nhất hiện nay, chiếm hơn 90% các trường hợp cường giáp lưu hành, được đặc trưng bởi biểu hiện bướu giáp lan tỏa và hội chứng cường giáp không ức chế được (triệu chứng lồi mắt)
Bệnh Basedow xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn, chiếm tới 80% các trường hợp, thường ở độ tuổi từ 20-50 và bệnh nhân có tiền sử gia đình biểu hiện bệnh tuyến giáp.
Bệnh basedow rất nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu tình trạng bệnh kéo dài mà không được điều trị đúng cách thì bệnh dễ dẫn tới biến chứng bão giáp khiến bệnh nhân tử vong trong tình trạng suy tim.
Nguyên nhân bệnh Basedow
Hiện nay, bệnh Basedow là bệnh tự miễn chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bệnh có tính chất gia đình với khoảng 15% người bệnh có họ hàng cùng bị bệnh, trong đó 50% họ hàng các bệnh nhân có kháng thể kháng tuyến giáp lưu hành.
Triệu chứng bệnh Basedow
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ 20-50 tuổi, có thể khởi phát đột ngột hoặc tiến triển từ từ gây sút cân, mệt mỏi khó nhận biết ngay.
Triệu chứng cơ năng của bệnh Basedow gồm:
-
Gầy sút là biểu hiện thường gặp nhất, người bệnh có thể giảm 3-20kg trong vòng vài tuần hoặc vài tháng mặc dù có thể vẫn ăn ngon. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh nhân nữ trẻ tuổi có khi lại tăng cân do ăn rất nhiều
-
Rối loạn tinh thần: dễ lo lắng, kích thích, cáu gắt, hay khóc, khó tập trung và mệt mỏi nhưng khó ngủ
-
Rối loạn điều hòa thân nhiệt: có những cơn nóng bừng, vã mồ hôi nhiều nhất là ở ngực và bàn tay, sợ nóng, bệnh nhân hay khát và uống nước nhiều
-
Tim mạch: hay hồi hộp, đánh trống ngực, có thể có cảm giác nghẹt thở, đau vùng trước tim
-
Rối loạn tiêu hóa (gặp ở khoảng 20% người bệnh): đi ngoài nhiều lần phân nát do tăng nhu động ruột, có thể kèm buồn nôn, nôn hay đau bụng
Triệu chứng thực thể của bệnh gồm:
Triệu chứng tim mạch:
- Nhịp tim nhanh (trên 100 lần/phút) thường xuyên cả lúc nghỉ ngơi hay gắng sức
- Huyết áp tâm thu tăng, tâm trương không tăng
- Các mạch máu có cảm giác đập mạnh
- Suy tim thường xảy ra ở người có bệnh tim từ trước kết hợp với đợt bệnh Triệu chứng thần kinh- cơ:
- Run đầu chi, tăng lên khi xúc động hay cố gắng tập trung làm việc
- Phản xạ gân xương thường tăng lên
- Yếu cơ tứ chi, đặc biệt là các cơ ở gốc chi, bệnh nhân đi lại nhanh mỏi, bước lên bậc thang khó khăn
Bướu giáp:
Đây là dấu hiệu gặp ở khoảng 80% các bệnh nhân Basedow, bướu lan tỏa, mật độ mềm hoặc chắc, di động khi nuốt.
Bệnh mắt nội tiết:
- Gặp ở khoảng 40-60% các bệnh nhân Basedow, thương tổn thường xuất hiện ở cả 2 mắt nhưng có 10% trường hợp vẫn chỉ bị 1 bên.
- Dấu hiệu điển hình ở mắt là: mi mắt nhắm không kín, hở khe mi mắt, lồi mắt hoặc nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn
Bệnh da do Basedow:
Khá hiếm gặp chỉ ở 2-3% bệnh nhân Basedow, biểu hiện lâm sàng có thể gặp như phù niêm trước xương chày, tổn thương xương, dấu hiệu móng tay ngắn lại, giường móng tay dài ra
Đường lây truyền bệnh Basedow
Vì bệnh Basedow là bệnh nội tiết liên quan đến sự nhạy cảm của tế bào lympho T với các kháng nguyên nằm trong tuyến giáp nên bệnh Basedow không lây.
Đối tượng nguy cơ bệnh Basedow
Một số yếu tố được cho là có thể khởi động đáp ứng miễn dịch khiến người mang yếu tố này sẽ là đối tượng nguy cơ của bệnh Basedow như là:
- Mang thai, đặc biệt là giai đoạn sau sinh
- Ăn quá nhiều iod
- Điều trị Lithium có thể làm thay đổi đáp ứng miễn dịch
- Nhiễm khuẩn hoặc virus
- Ngừng điều trị corticoid
- Các nguyên nhân gây stress
Phòng ngừa bệnh Basedow
Bệnh Basedow là bệnh lý liên quan trực tiếp tới rối loạn tự miễn chưa rõ nguyên nhân, vì vậy người bệnh đã bị Basedow cần có một số biện pháp để làm giảm nguy cơ tái phát của bệnh:
- Quan trọng nhất vẫn là người bệnh cần nâng cao sức khỏe và thể trạng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng và điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể
- Người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái và suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng mệt mỏi
- Không hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá
- Đeo kính bảo vệ mắt khỏi bụi, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày
- Không sờ nắn nhiều lên vùng cổ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều iod
- Điều trị bệnh dứt điểm trước khi mang thai vì thai sản là yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng thêm
- uân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Basedow
Để chẩn đoán xác định bệnh Basedow cần phải dựa vào cả lâm sàng và xét nghiệm cần thiết:
Về lâm sàng: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm độc giáp kèm ít nhất 1 trong 3 triệu chứng: bướu mạch, lồ mắt và phù niêm trước xương chày
Xét nghiệm cần thiết:
-
FT4 tăng và TSH giảm, một số bệnh nhân ở giai đoạn sớm chỉ có FT3 tăng
-
Nồng độ kháng thể TSH-RAb tăng
-
Xạ hình tuyến giáp cho hình ảnh tuyến giáp tăng bắt giữ Iod phóng xạ hoặc Technitium
Bên cạnh đó để việc chẩn đoán chính xác và hiệu quả thì xạ hình tuyến giáp đang dần trở thành một phương pháp quan trọng. Hiện Vinmec đang sử dụng hệ thống SPECT/CT Discovery NM/CT 670 Pro với CT 16 dãy hiện đại của hãng thiết bị y tế hàng đầu thế giới GE Healthcare (Mỹ) thì chất lượng của xạ hình tuyến giáp sẽ cho ra hình ảnh chất lượng cao giúp chẩn đoán sớm bệnh lý cần khảo sát, trong đó có basedow, bướu cổ.
Các biện pháp điều trị bệnh Basedow
Trên thế giới hiện nay, bệnh Basedow điều trị chủ yếu bằng 3 phương pháp chính: nội khoa, xạ trị và phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp.
Đối với điều trị nội khoa:
- Đây là biện pháp được ưu tiên hàng đầu, được chỉ định khi bệnh mới phát hiện, tuyến giáp to vừa, không có nhân Basedow, chưa có biến chứng và bệnh nhân có điều kiện để điều trị lâu dài theo dõi bệnh
- Có 3 loại thuốc kháng giáp được sử dụng chủ yếu đó là: Methimazole, carbimazole và PTU. Trong đó PTU được khuyến cáo không sử dụng trong điều trị ban đầu cho bệnh nhân Basedow
- Tỷ lệ lui bệnh hoàn toàn với phương pháp này là 60-70% sau 12-18 tháng điều trị
Đối với điều trị bằng xạ trị:
- Phương pháp được lựa chọn là phóng xạ trị Iod 131 với mục đích làm cho bướu tuyến giáp nhỏ lại và đưa chức năng tuyến giáp từ cường năng về bình thường
- Phương pháp này chống chỉ định với trẻ em và phụ nữ có thai hoặc cho con bú vì gây suy giáp ở trẻ sơ sinh, bệnh nhân có tình trạng nhiễm độc nặng hoặc bướu quá lớn chèn ép gây nuốt nghẹn hay sặc, khó thở thì ưu tiên phương pháp phẫu thuật hơn
Đối với điều trị ngoại khoa:
- Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi bệnh đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 4-6 tháng mà không duy trì được bình giáp khi ngưng thuốc, bướu giáp to gây mất thẩm mỹ hoặc có biến chứng khó thở
- Nguyên tắc là cắt bỏ gần toàn bộ tuyến giáp chỉ để lại một phần nhỏ 3-6 gram để duy trì chức năng tạo hormon bình thường
- Biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật: khàn tiếng, hạ calci máu, nhiễm trùng vết mổ… Tuy nhiên với sự tiến bộ của nền y học hiện nay thì tỷ lệ biến chứng chỉ rơi vào khoảng 1%.
Xem thêm:
- Kiểm soát bệnh tiểu đường trong 10 phút
- 17 tuổi có tiêm hormone GH được không?
- Dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm ở bé trai là gì?
- Vì sao tinh hoàn chưa xuống bìu khi trẻ 9 tuổi?
- Trẻ 8 tuổi phát triển ngực có sao không?
- Trẻ thủ dâm có phải dấu hiệu dậy thì sớm không?
- Trẻ dậy thì sớm cần điều trị như nào?
- Trẻ dậy thì sớm phải làm sao?
- Trẻ 9 tuổi ngực phát triển, có kinh nguyệt có phải là dậy thì sớm không?
- Sự phát triển chiều cao của trẻ dậy thì sớm như thế nào?