Ý nghĩa kết quả xét nghiệm HCV RNA "dưới ngưỡng phát hiện" và "không phát hiện được"

Cho đến ngày nay vẫn chưa nhà nghiên cứu nào nhìn thấy được virus viêm gan C qua kính hiển vi điện tử hay môi trường nuôi cấy vi rút. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã biết được bộ gen của vi rút nên cơ bản giả định được cấu tạo của virus. Theo đó, vi rút viêm gan C là một loại vi rút có lõi (hay gọi là nhân của virus) có cấu trúc là RNA và có thể được nhận diện qua các xét nghiệm virus viêm gan C.

1. Xét nghiệm HCV-RNA là xét nghiệm gì và thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm HCV RNA là xét nghiệm để tìm trong máu của bệnh nhân có sự hiện diện RNA và tải lượng virus viêm gan C. Đây là xét nghiệm sinh học phân tử được thực hiện bằng kỹ thuật PCR - kỹ thuật nhân bản DNA trong ống nghiệm qua các chu kỳ nhiệt độ.

Xét nghiệm HCV RNA được thực hiện bằng cách tách huyết thanh hay huyết tương trong máu của bệnh nhân. Sau đó sẽ tách chiết RNA của virus trong mẫu huyết tương và huyết thanh, cuối cùng đưa vào một ống nghiệm. Trong ống nghiệm, RNA của virus viêm gan C sẽ được phiên mã ngược thành các DNA bổ sung (cDNA), các cDNA sẽ được nhân bản thành hàng tỷ bản sao để máy phát hiện.

Nhờ nhân bản lên từ một bản gốc thành hàng tỷ bản sao rồi mới phát hiện, nên xét nghiệm HCV RNA có độ nhạy cực kỳ cao, đủ sức để phát hiện RNA của virus trong mẫu thử dù số lượng rất thấp.

Ngoài ra, ngày nay bác sĩ còn có thể đếm được tải lượng virus viêm gan C bản gốc RNA có từ ban đầu trong mẫu thử là bao nhiêu nhờ vào kỹ thuật PCR định lượng, còn gọi là qPCR hay real-time PCR.

Về mặt nguyên tắc, qPCR cũng tương tự như PCR, tuy nhiên kỹ thuật này có thêm một tính năng nữa là định lượng được số lượng bản gốc ban đầu hay tải lượng virus viêm gan C có trong mẫu thử nhờ hệ thống quang học có khả năng phát hiện được phản ứng xảy ra trong ống nghiệm trong khi quá trình nhân bản xảy ra.

Xét nghiệm HCV RNA là xét nghiệm dựa trên kỹ thuật PCR - đây là một kỹ thuật hoàn toàn mở, người thực hiện xét nghiệm có thể tự pha thuốc thử để làm mà không phải lệ thuộc vào các kit xét nghiệm sẵn. Tuy nhiên nếu muốn kết quả xét nghiệm được chính xác, người làm xét nghiệm phải thực hiện đủ các mẫu chứng để kiểm soát không có sơ sót nào xảy ra trong quá trình làm.

2. Kết quả xét nghiệm HCV RNA "dưới ngưỡng phát hiện" và "không phát hiện được" có gì khác nhau?

Khi kết quả xét nghiệm virus viêm gan C HCV RNA trả lời là "dưới ngưỡng phát hiện", điều này có nghĩa trong cơ thể người bệnh có thể không còn hoặc còn một số lượng rất ít vi rút. Nhưng số lượng này lại nằm dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm.

Khi trả kết quả xét nghiệm HCV RNA trả lời dòng chữ: "không phát hiện được" hoặc "Target Not detected", điều này có nghĩa trong máu của bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C đã hoàn toàn sạch vi rút HCV, đây là kết quả mà bất cứ bệnh nhân viêm gan C nào cũng mong đợi nhất.

Nếu người bệnh thực hiện xét nghiệm vào thời điểm sau khi uống thuốc 4 tuần, thực hiện xét nghiệm bằng máy có ngưỡng phát hiện thấp, thì "không phát hiện được" là tín hiệu cho biết người bệnh có khả năng khỏi hẳn bệnh rất cao.


Xét nghiệm HCV RNA giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý
Xét nghiệm HCV RNA giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý

3. Kết quả xét nghiệm HCV RNA dương tính có cần điều trị đặc hiệu không?

Bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C thường không có triệu chứng hay chỉ có một ít triệu chứng không đặc hiệu và rất mơ hồ. Tuy nhiên virus đã âm thầm xâm nhập và nhân bản trong tế bào gan. Quá trình xâm nhập và nhân bản diễn ra rất lâu, có thể lên trên hàng chục năm khiến tế bào gan bị tàn phá dần, gây viêm gan mạn tính, đến xơ ganung thư gan. Nguy cơ của người nhiễm virus viêm gan C tiến triển viêm gan mạn tính rồi xơ gan, ung thư gan là khá cao (từ 17 - 20%).

Do đó khác với virus viêm gan B cần phải xác định bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính (ALT tăng cao, có bất thường tổ chức gan phát hiện được qua sinh thiết hay fibroscan) mới cần điều trị đặc hiệu.

Bệnh nhân sau khi xác định là đang nhiễm virus viêm gan C thì nên được chỉ định điều trị đặc hiệu mà không cần tìm các dấu hiệu chứng minh gan bị thương. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm HCV RNA dương tính thì nên điều trị đặc hiệu ngay, không cần đợi đến lúc men gan ALT cao gấp đôi bình thường hay đợi kết quả sinh thiết hoặc fibroscan có thương tổn tế bào gan mới bắt đầu điều trị.

Trước khi được điều trị, bệnh nhân được chỉ định thực hiện hai xét nghiệm: định lượng HCV RNA và định genotype HCV để bác sĩ theo dõi hiệu quả điều trị, quyết định được thời gian và phác đồ điều trị đặc hiệu trên bệnh nhân cụ thể. Để xác định việc điều trị đặc hiệu có hiệu quả, sau 3 tháng bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân xét nghiệm định lượng HCV RNA một lần nữa.

  • Nếu kết quả định lượng cho thấy tải lượng virus viêm gan C không giảm hay chỉ giảm dưới 100 lần thì bác sĩ phải cân nhắc thay đổi phương thức điều trị do bệnh không đáp ứng.
  • Nếu kết quả định lượng cho thấy tải lượng virus viêm gan C giảm hơn 100 lần thì có thể đánh giá phác đồ điều trị đặc hiệu này có hiệu quả, khi đó bác sĩ sẽ quyết định thời gian điều trị kéo dài bao lâu, tuỳ thuộc vào genotype HCV mà bệnh nhân bị nhiễm. Cụ thể hơn, nếu bệnh nhân nhiễm genotype HCV type 1 thì cần điều trị thêm 9 tháng nữa,tổng thời gian điều trị là 12 tháng. Nếu bệnh nhân nhiễm genotype HCV không phải genotype 1, mà là genotype 2 hay genotype 6 (ở Việt Nam rất ít genotype HCV 3, 4 và 5) thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thêm 3 tháng, tổng thời gian điều trị 6 tháng.

Trước khi quyết định kết thúc điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân xét nghiệm HCV RNA một lần nữa xem có còn virus trong máu của bệnh nhân hay không. Nếu xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính thì chưa thể ngưng điều trị mà phải tiếp tục thêm 3 tháng, cho đến khi kết quả âm tính. Sau khi chấm dứt điều trị, bác sĩ cần thường xuyên theo dõi xem bệnh nhân có bị tái phát hay tái nhiễm không bằng xét nghiệm HCV RNA trong máu mỗi 3 tháng một lần. Bất cứ lúc nào xét nghiệm có kết quả dương tính có nghĩa là bệnh nhân đang tái phát hay tái nhiễm bệnh, phải trở lại phương pháp điều trị đặc hiệu như ban đầu.

4. Thử máu có kết quả dương tính anti-HCV có sao không?

Anti-HCV là kháng thể đặc hiệu virus viêm gan C. Khi kết quả trả về dương tính anti-HCV tức là trong máu của bệnh nhân đã có kháng thể đặc hiệu HCV và người bệnh vẫn có thể đang bị nhiễm virus hoặc là bị nhiễm virus nhưng đã khỏi.

Khi người bệnh nhiễm virus viêm gan C thì hệ miễn dịch của người đó ít khi tạo được miễn dịch bảo vệ chống lại virus. Do vậy sự xuất hiện kháng thể đặc hiệu HCV (anti-HCV) không đồng nghĩa với việc cơ thể đã có được miễn dịch bảo vệ để loại trừ hoàn toàn được virus.

Chỉ có một số bệnh nhân ít may mắn khỏi bệnh nhờ các hệ thống chống đỡ không đặc hiệu của cơ thể đối với vi rút, còn lại các bệnh nhân trong đa số các trường hợp thì vi rút vẫn tồn tại, nhân bản trong tế bào gan, sau đó phóng thích vi rút vào trong máu. Do vậy để có thể xác định một người có đang bị nhiễm HCV hay không, bác sĩ phải chỉ định làm xét nghiệm HCV-RNA, tức là tìm thành phần acid nhân của virus viêm gan C có trong máu của bệnh nhân. Nếu xét nghiệm cho kết quả HCV RNA dương tính có nghĩa là trong máu của bệnh nhân có sự hiện diện của virus viêm gan C, bệnh nhân đang nhiễm HCV.


Nhiễm virus viêm gan C cần được phát hiện và điều trị sớm
Nhiễm virus viêm gan C cần được phát hiện và điều trị sớm

5. Bao lâu sau phơi nhiễm HCV thì kết quả anti - HCV mới dương tính?

Anti-HCV có thể tìm thấy ở 70% trường hợp người bệnh bắt đầu có triệu chứng và tìm thấy trong khoảng 90% bệnh nhân trong vòng 3 tháng sau phơi nhiễm. Tuy nhiên có một vấn đề quan trọng cần lưu ý đó là hầu hết người bị viêm gan C là không có triệu chứng, vì vậy họ thường bỏ qua việc tầm soát bệnh.

6. Sau khi xét nghiệm anti - HCV dương tính cần làm gì?

Sau khi xét nghiệm anti - HCV dương tính cần phải định lượng men gan trong máu, chỉ số men gan ALT cao chính là biểu hiện của viêm gan. Bệnh nhân cần được xét nghiệm thêm các kỹ thuật khác để xác định tình trạng viêm gan mãn có cần thiết điều trị hay không.

7. Kết quả Anti - HCV có dương tính giả không?

Xét nghiệm dương tính giả nghĩa là xét nghiệm cho kết quả dương tính, tuy nhiên thực sự người bệnh âm tính. Tình trạng này thường xảy ra ở đối tượng ít nguy cơ bị nhiễm một loại bệnh mà họ đang được xét nghiệm, ví dụ xét nghiệm anti - HCV có kết quả dương tính giả thường thấy ở những người hiến máu ít nguy cơ viêm gan C.

Do đó cần phải kiểm tra những xét nghiệm anti - HCV dương tính bằng một xét nghiệm bổ sung khác. Trên thực tế lâm sàng, đa số xét nghiệm anti-HCV dương tính giả được báo cáo lại là âm tính khi kiểm tra bằng một xét nghiệm bổ sung.

8. Xét nghiệm thường quy anti - HCV cho phụ nữ có thai có nên không?

Không cần xét nghiệm thường quy anti-HCV cho phụ nữ có thai vì phụ nữ có thai không có nguy cơ nhiễm virus HCV cao hơn so với phụ nữ bình thường. Chỉ khi phụ nữ có thai có nguy cơ cao bị viêm gan C thì mới cần được xét nghiệm anti - HCV.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe