Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Các kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể giúp bạn phát hiện ra các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn của mình. Việc đọc kết quả xét nghiệm chính xác cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Các kết quả xét nghiệm sai có thể gây nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán và khiến bác sĩ đưa ra kết luận sai.
1. Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là gì?
Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là quá trình lấy mẫu máu, lấy nước tiểu, phân, dịch tiết cơ thể, các sản phẩm chuyển hóa như mủ, dịch, các sản phẩm của quá trình viêm do cơ thể tiết ra, các chất lỏng hay các mô của cơ thể rồi thực hiện các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh, tế bào học, giải phẫu bệnh...nhằm đưa ra các chỉ số sức khỏe của cơ thể. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được sử dụng để chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt, sàng lọc và theo dõi các bệnh lý hay một tình trạng cụ thể nào đó. Các xét nghiệm khám sức khỏe tổng quát có thể giúp bác sĩ đánh giá chức năng của hầu hết cơ quan và hệ thống trong cơ thể bạn.
Nhìn chung, kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với việc chăm sóc sức khoẻ tổng thể cho bạn. Tuy nhiên, chúng không có khả năng cung cấp một “bức tranh” hoàn chỉnh về sức khỏe. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các bước như khám sức khỏe, cung cấp thông tin về tiền sử sức khoẻ, các thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh hay một số thủ tục khác nhằm đưa ra quyết định chẩn đoán và điều trị thích hợp.
2. Vì sao bạn cần thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm?
Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm cho những mục đích sau đây:
*Chẩn đoán xác định hoặc chẩn đoán loại trừ một căn bệnh hay tình trạng sức khoẻ cụ thể: Chẳng hạn như xét nghiệm HPV, giúp xác định xem liệu bạn có bị nhiễm HPV hay không. Hoặc bạn đang có triệu chứng bệnh tiểu đường type 2, Bác sỹ sẽ cho chỉ định xét nghiệm đường máu hoặc đường niệu để khẳng định chẩn đoán.
*Tầm soát bệnh: Thông qua các kết quả xét nghiệm sàng lọc có thể cho biết liệu bạn có nguy cơ cao mắc một loại bệnh cụ thể không. Ngoài ra, nó cũng giúp phát hiện bệnh ngay cả khi bạn không có triệu chứng rõ ràng. Ví dụ, xét nghiệm Pap là một loại xét nghiệm sàng lọc giúp phát hiện ung thư cổ tử cung.
*Theo dõi hoặc điều trị bệnh: Nếu bạn được chẩn đoán mắc một căn bệnh nhất định, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể cho biết tình trạng của bạn đang trở nên tốt hơn hay xấu đi. Hơn nữa, kết quả xét nghiệm cũng cho biết liệu phương pháp điều trị bệnh hiện tại của bạn có hiệu quả không. Chẳng hạn, xét nghiệm glucose trong máu có thể theo dõi và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Hoặc bạn đang điều trị viêm gan B mạn tính, việc xét nghiệm men gan hay tải lượng virus viêm gan B sẽ theo dõi được đáp ứng điều trị.
*Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Các bài khám sức khỏe tổng quát thường được khuyến cáo thực hiện định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Ngoài các xét nghiêm thường quy, khi hỏi tiền sử hoặc thăm khám lâm sàng, Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm cho các cơ quan và hệ thống khác nhau trong cơ thể, nhằm kiểm tra sự thay đổi của chúng theo thời gian. Khám sức khỏe tổng quát cũng giúp tìm ra các vấn đề sức khoẻ trước khi xuất hiện các triệu chứng. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ là một loại xét nghiệm thường quy, giúp đo các chất khác nhau trong máu của bạn. Nó có thể cung cấp cho bác sĩ những thông tin quan trọng về sức khoẻ tổng thể của bạn cũng như các nguy cơ mắc một số bệnh.
3. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm
Kết quả xét nghiệm thông thường được chia thành kết quả định lượng và định tính.
Các kết quả định lượng thường được hiển thị dưới dạng một tập hợp số, được gọi là phạm vi tham chiếu hoặc giá trị bình thường. Bạn có thể nhìn thấy thông tin như thế này trên kết quả xét nghiệm của mình: “Normal: 77 – 99 mg / dL). Phạm vi tham chiếu sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm bình thường của một nhóm người lớn có sức khoẻ tốt. Ngoài giải tham chiếu trên thì sẽ là kết quả bất thường. Tuy nhiên cũng tùy theo chỉ số, có chỉ số khi kết quả cao hơn giải tham chiếu sẽ có nguy cơ bất thường, có chỉ số khi kết quả giảm hơn giá trị tham chiếu là bất thường. Ví dụ: người bình thường chỉ số Hemoglobin máu từ 125- 142 g/l, khi kết quả của bạn là 110 g/l là giảm so với chỉ số bình thường, nghĩa là bạn có thể có nguy cơ thiếu máu...Hoặc men gan GOT của trưởng thành bình thường là <35 U/l, kết quả của bạn là 150U/l, lớn hơn giá trị tham chiếu, tức là bạn bị tăng men gan, là dấu hiệu tế bào gan bị tổn thương...
Tuy nhiên đôi khi một người khỏe mạnh có thể nhận được kết quả nằm ngoài phạm vi tham chiếu, trong khi những người có vấn đề về sức khoẻ lại có kết quả trong phạm vi bình thường. Nếu kết quả nằm ngoài phạm vi tham chiếu hoặc bạn đang có các triệu chứng mặc dù kết quả bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm khác.
Các kết quả định tính sẽ được hiển thị dưới dạng Âm tính/ Dương tính. Đa số các trường hợp bình thường là âm tính, bất thường là Dương tính: ví dụ HBsAg Dương tính nghĩa là bạn nhiễm virus HBV, EV71 IgM Dương tính nghĩa là nhiễm virus chân tay miệng. Một số ít trường hợp xét nghiệm Dương tính nhưng không hẳn là bất thường, thường liên quan đến xét nghiệm huyết thanh học. Ví dụ test nhanh anti HBsAg Dương tính nghĩa là bạn có kháng thể kháng virus viêm gan B, có thể bằng cách tiêm phòng hoặc bạn đã từng nhiễm và nay đã khỏi..
Dưới đây là cách xem kết quả xét nghiệm mà bạn có thể tham khảo:
- Kết quả âm tính hoặc bình thường: Không tìm thấy bệnh hoặc các dấu hiệu bất thường.
- Kết quả dương tính: Cho thấy bạn đang mắc bệnh hoặc tìm thấy có dấu hiệu bất thường trong mẫu xét nghiệm.
- Không chắc chắn: Kết quả xét nghiệm không có đủ thông tin để chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh. Nếu bạn nhận được kết quả không thể kết luận, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện một xét nghiệm khác.
4. Hiểu đúng về kết quả dương tính giả và âm tính giả
Kết quả dương tính giả có nghĩa là xét nghiệm cho thấy bạn đang mắc bệnh hoặc một tình trạng nào đó nhưng thực chất sức khoẻ của bạn hoàn toàn bình thường. Ngược lại, kết quả âm tính giả tức là xét nghiệm cho thấy mặc dù bạn không mắc bệnh nhưng thực chất cơ thể bạn đang có vấn đề. Những kết quả xét nghiệm không chính xác này thường hiếm khi xảy ra, trừ khi xét nghiệm không được thực hiện đúng.
5. Những nguyên nhân nào làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm?
Có nhiều yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm, bao gồm:
- Một số loại thực phẩm hoặc đồ uống mà bạn tiêu thụ trước khi thực hiện xét nghiệm
- Uống một số loại thuốc trước khi xét nghiệm
- Tập thể dục quá sức
- Sự căng thẳng
- Một số trục trặc xảy ra trong quy trình thí nghiệm
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hoặc ý nghĩa của kết quả xét nghiệm, bạn có thể trao đổi chi tiết hơn với bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medlineplus.gov