Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xét nghiệm C- peptide là một xét nghiệm đánh giá tình trạng sản xuất insulin của cơ thể . Chỉ số này là một cơ sở có thể giúp cho việc chẩn đoán bệnh nhân đái tháo đường typ1 hay typ2 và cũng chỉ số này cho chúng ta biết bệnh nhân có tình trạng đề kháng insulin hay không? Vì vậy rất có giá trị quyết định lựa chọn thuốc cũng như phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
1. C- Peptide là gì?
Chỉ số C- Peptide là peptide bao gồm 31 gốc acid amin được sinh tổng hợp bởi tế bào beta của tiểu đảo tụy cùng lúc với insulin từ proinsulin. Peptide - C có chu kỳ bán rã dài nên tồn tại thời gian dài hơn insulin ở tuần hoàn máu ngoại biên. Do đó khi muốn đánh giá khả năng hoạt động của các tế bào beta ở đảo tụy có thể là đo trực tiếp lượng insulin hoặc đo thông qua C-peptide đều được vì do hàm lượng của 2 chỉ số này gần tương đương nhau.
Giá trị của xét nghiệm peptide C
Peptide C không ảnh hưởng gì đến đường huyết nhưng vì là sản phẩm phụ được tạo ra khi insulin được sản xuất nên xét nghiệm peptide C có thể được dùng để chẩn đoán các typ của đái tháo đường. Ví dụ đái tháo đường typ1 cơ chế là do tuyến tụy không tiết ra đủ insulin cho cơ thể nên sẽ có lượng insulin và peptide C trong máu thấp. Ngược lại ở bệnh nhân đái tháo đường typ2 lại có lượng insulin và peptide C được sản xuất bởi tuyến tụy như người bình thường hoặc thậm chí cao hơn người bình thường là do đái tháo đường này các tế bào đã trở nên đề kháng với insulin và là cơ chế gây ra đái tháo đường typ2.
Giá trị xét nghiệm peptide C còn được dùng để xác định nguyên nhân gây hạ đường huyết như quá liều thuốc điều trị hay do bệnh u đảo tụy gây nên ( gọi là u tiết insulin). Về bản chất insulin được tổng hợp sẽ không chứa peptide C những bệnh nhân có biến chứng hạ đường huyết do sử dụng quá nhiều insulin tổng hợp thì khi xét nghiệm có lượng insulin rất cao trong khi đó xét nghiệm chỉ số peptide C lại thấp. Trường hợp bệnh nhân bị bệnh u đảo tụy thì khi đảo tụy sản xuất quá nhiều insulin đã gây hạ đường huyết thì xét nghiệm cả nồng độ insulin và cả peptide C trong máu sẽ đều cao. Đây có thể là xét nghiệm dùng để phân biệt 2 nguyên nhân gây hạ đường huyết này cũng như chẩn đoán u tụy tiết insulin gây biến chứng hạ đường máu.
2. Xét nghiệm peptide C nên làm khi nào?
Mặc dù xét nghiệm nồng độ peptide C là tương đương với insulin nhưng việc đo trực tiếp insulin vẫn sẽ cho kết quả chính xác hơn. Vì vậy xét nghiệm peptide C sẽ phản ánh chức năng tế bào tiểu đảo chính xác hơn cụ thể ở những trường hợp sau:
- Bệnh nhân đái tháo đường điều trị bằng thuốc tiêm insulin và người có kháng thể insulin.
- Bệnh nhân tự sử dụng insulin ( quá liều insulin) khiến nồng độ insulin tăng cao khiến kết quả đo trực tiếp insulin không phản ánh đúng khả năng sản xuất của tế bào beta khi dùng xét nghiệm peptide C sẽ cho kết quả nồng độ thấp hơn so với insulin.
- Bệnh nhân đái tháo đường đang dùng insulin mà muốn kiểm tra nồng độ peptide C để theo dõi mức độ thuyên giảm và có thể không cần insulin từ thuốc.
- Xét nghiệm sẽ giúp bác sỹ phân biệt đái tháo đường typ1 và đái tháo đường typ2 khi được phát hiện lần đầu. Trên cơ sở đó bác sỹ sẽ có kế hoạch điều trị tốt cho bệnh nhân.
- Ki bệnh nhân nghi ngờ bị bệnh u đảo tụy tiết quá nhiều insulin cũng có thể sử dụng xét nghiệm peptide C để cho thấy tình trạng tăng cao của peptide C. Khi đã chẩn đoán u đảo tụy có chỉ định phẫu thuật thì xét nghiệm này cũng có thể được dùng để theo dõi kết quả điều trị hoặc sau phẫu thuật loại bỏ u tuyến tụy.
- Xét nghiệm dùng để đánh giá tình trạng đề kháng insulin ở bệnh nhân đang điều trị.
- Peptide C nước tiểu được chỉ định để đánh giá liên tục chức năng của tế bào beta hoặc khi khó lấy máu ở trẻ em hoặc đánh giá chức năng tụy trong đái tháo đường thai kỳ.
3. Chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm peptide C?
Giá trị kết quả của xét nghiệm peptide C phụ thuộc vào tuổi tác và lý do xét nghiệm, nhưng với một số trường hợp thì bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn đói trong 8-12 giờ trước khi xét nghiệm. Việc ngưng sử dụng các thuốc điều trị tiểu đường cũng sẽ được thông báo để hạn chế mức độ sai lệch của chỉ số peptide C do thuốc.
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm gồm:
- Bệnh nhân suy thận khiến phần lớn peptide C bị phân hủy trong thận hoặc có thể làm tăng nồng độ.
- Các thuốc hạ đường huyết như sulfonylurea.
Bên cạnh đó, cũng cần phải quan tâm đến những rủi ro khi xét nghiệm peptide C là:
- Công đoạn lấy mẫu khó khăn khiến phải chích nhiều mũi tiêm.
- Chảy máu quá mức khu vực tiêm.
- Bệnh nhân ngất do mất máu.
- Khu vực thực hiện thủ thuật bầm tím do tích tụ máu dưới da.
- Nhiễm trùng vùng tiêm.
4. Quy trình xét nghiệm insulin peptide C
Quy trình lấy mẫu của xét nghiệm peptide C chính là lấy máu với các bước sau:
Quấn dây chun đàn hồi quanh phần trên của bắp tay để ngăn máu lưu thông, tĩnh mạch phía dưới chỗ quấn phình to ra tạo điều kiện cho việc chích kim vào tĩnh mạch
- Khử trùng vị trí lấy máu bằng cồn.
- Chích kim vào tĩnh mạch để lấy máu.
- Lấy lượng máu vừa đủ vào ống xi-lanh và ống nghiệm.
- Tháo dây chun khỏi bắp tay khi lấy đủ máu.
- Ấn gạc hoặc bông vào chỗ chích sau khi rút kim.
- Đè giữ bông ở chỗ da đó để cầm máu và băng lại.
5. Đọc kết quả xét nghiệm peptide C như thế nào?:
Kết quả xét nghiệm sẽ được tính bằng đơn vị nanogram/ ml được xếp vào 3 vùng kết quả:
- Vùng chỉ số bình thường: Giới hạn bình thường của chỉ số peptide C là 0,51-2,72 ng/ml (0,17-0,9 nmol/l).
- Vùng kết quả thấp: Dưới giới hạn bình thường và đường máu cao là dấu hiệu của đái tháo đường typ1 còn cả đường huyết và peptide C đều thấp có thể là dấu hiệu bệnh gan, nhiễm trùng hay Addison.
- Vùng kết quả cao: Nếu chỉ số peptide C cao mà đường huyết cũng cao thì có thể là dấu hiệu kháng insulin, bệnh đái tháo đường typ 2 hoặc hội chứng Cushing. Nếu peptide C cao mà đường huyết thấp có thể do u đảo tụy hoặc dùng thuốc hạ đường huyết loại sulfonylurea.
Lưu ý rằng xét nghiệm peptide C phải được làm cùng với xét nghiệm đường huyết. Bác sĩ sẽ dựa vào tuổi, cân nặng cũng như thời gian mắc bệnh để phân biệt đái tháo đường typ1 và typ 2 theo các bước sau:
- Mẫu máu đầu tiên sẽ được lấy làm chuẩn.
- Sau đó bệnh nhân được tiêm glucagon là hormon làm tăng đường huyết và lấy máu lần 2 và so sánh.
- Với bệnh nhân tiểu đường typ 1 thì nồng độ peptide C sẽ luôn thấp vì tuyến tụy không thể sản xuất ra insulin khi nồng độ glucagon tăng.
- Người bị tiểu đường typ 2 thì lại có nồng độ peptide C trong mẫu máu 2 cao hơn mẫu đầu tiên, vì tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn bình thường khi bị kích thích bởi glucagon.
Để chẩn đoán, theo dõi và điều trị tiểu đường, bệnh nhân có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nội tiết được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.