Ý nghĩa của định lượng CEA tìm dấu ấn ung thư

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phùng Thị Phương Chi - Bác sĩ Chuyên khoa Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

CEA là một kháng nguyên có ở tế bào ruột của thai nhi và khi trưởng thành thì chỉ còn nồng độ rất thấp ở trong máu. Khi bệnh nhân bị ung thư, đặc biệt ung thư tế bào biểu mô thì nồng độ CEA tăng lên. Các ung thư dạ dày, ruột, vú, phổi, tuyến tuỵ... cũng thường có tăng CEA.

1. Xét nghiệm CEA là gì?

Xét nghiệm CEA là xét nghiệm viết tắt từ Carcinoembryonic antigen, là protein được tìm thấy trong mô của một bào thai phát triển trong tử cung; nồng độ trong máu của protein này biến mất hoặc giảm xuống rất thấp sau khi sinh.

Đây là một xét nghiệm để theo dõi sự tái phát của ung thư đại tràng và các ung thư khác ở những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, và theo dõi tái phát sau điều trị.

Trắc nghiệm: Bạn biết gì về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tụy?

Ung thư tuyến tụy phổ biến thứ 10 trong những bệnh ung thư mới và là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong do ung thư ở nam, nữ. Bài trắc nghiệm này sẽ kiểm tra kiến ​​thức của bạn về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và cách điều trị ung thư tuyến tụy.

Bài viết tham khảo nguồn: medicalnewstoday 2019

2. Xét nghiệm CEA được chỉ định khi nào?


Xét nghiệm CEA được chỉ định khi nào?
Xét nghiệm CEA được chỉ định khi nào?

Xét nghiệm CEA có thể được chỉ định khi bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, dạ dày, phổi. CEA sẽ được định lượng trước khi bắt đầu điều trị và sau đó được xét nghiệm theo thời gian để đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng và phát hiện tái phát, di căn.

Đôi khi xét nghiệm CEA tầm soát ung thư cũng có thể được thực hiện khi nghi ngờ ung thư nhưng chưa được chẩn đoán. Đây không phải là xét nghiệm sử dụng riêng biệt cho một loại ung thư nào vì nồng độ CEA có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên xét nghiệm này vẫn có thể được chỉ định để cung cấp thêm thông tin cho chẩn đoán tùy bệnh cảnh lâm sàng cụ thể.

Xét nghiệm CEA dịch cơ thể có thể được chỉ định để phát hiện khối u đã xâm lấn hoặc di căn đến các khoang trong cơ thể (ví dụ di căn lan rộng đến khoang phúc mạc, màng phổi hoặc não).

Bệnh nhân làm xét nghiệm CEA có thể dùng với 3 mục tiêu khác nhau là sàng lọc ung thư, theo dõi hiệu quả điều trị và theo dõi di căn tái phát. Trong 3 mục tiêu trên thì mục tiêu theo dõi di căn tái phát chiếm tỷ lệ cao nhất, theo dõi kết quả điều trị chiếm tỷ lệ thấp nhất.

3. Nồng độ CEA bình thường và bất thường là bao nhiêu?

Bình thường nồng độ CEA giới hạn từ 0 - 2.5mcg trong 1 lít máu (mcg/L).Giới hạn bình thường có thể thay đổi giữa các phòng xét nghiệm khác nhau. Ở người hút thuốc, nồng độ CEA tăng có thể tăng giới hạn bình thường đến 5 mcg/L.

CEA cao hơn mức bình thường có thể là do các ung thư như: ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư hệ sinh dục và tiết niệu, ung thư phổi, ung thư tụy, ung thư tuyến giáp. Nồng độ CEA cao ở một người đã được điều trị ung thư trước đó một thời gian ngắn có thể có nghĩa là ung thư đã tái phát.

Ngoài ra, nồng độ CEA cũng tăng lên trong một số nguyên nhân khác như: viêm túi mật, xơ gan và bệnh gan khác, viêm túi thừa, nghiện thuốc lá, bệnh lý viêm nhiễm ở ruột như viêm loét đại tràng, viêm phổi, viêm tụy, loét dạ dày.

4. Chỉ số CEA trong máu có ý nghĩa gì?


Chỉ số CEA trong máu có ý nghĩa gì?
Chỉ số CEA trong máu có ý nghĩa gì?

Bệnh nhân có khối u nhỏ và đang ở giai đoạn đầu, chỉ số CEA lần đầu có khả năng bình thường hoặc hơi cao. Tuy nhiên, bệnh nhân có khối u lớn hơn hoặc khối u đã di căn khắp cơ thể, có nhiều khả năng chỉ số CEA tăng cao.

Nếu chỉ số CEA giảm sau khi điều trị thì có nghĩa là hầu hết hoặc tất cả các khối u sản xuất CEA đã được loại bỏ. Chỉ số CEA tăng đều đặn thường là dấu hiệu đầu tiên của khối u tái phát.

Ở người bình thường, chỉ số CEA tăng có thể do một số yếu tố không liên quan đến ung thư, chẳng hạn như viêm nhiễm, xơ gan, loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng, polyp trực tràng, bệnh vú lành tính.

Vì không phải tất cả các loại ung thư đều sản xuất CEA, nên bệnh nhân có thể có bệnh ung thư nhưng mức độ CEA vẫn bình thường. Tùy vào chỉ số CEA có trong máu mà bác sĩ sẽ chẩn đoán được mức độ thuyên giảm hay tái phát của bệnh ung thư

Người bệnh cần tiến hành xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra chỉ số CEA trong máu, kịp thời xử trí nếu bệnh tái phát hoặc có chuyển biến xấu ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi đã có 20 năm kinh nghiệm trong nghề tại Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh với thế mạnh trong khám, chẩn đoán và điều trị phẫu thuật và hóa trị bệnh lý ung thư.

Bác sĩ Chi từng tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước và 1 trong những phẫu thuật viên đầu tiên thực hiện Phẫu thuật nội soi ung thư phụ khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe