Tầm soát và chẩn đoán ung thư phổi

Tầm soát ung thư phổi là một trong những biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng đáng được quan tâm. Hiện nay, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong. Ở Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai chỉ sau ung thư gan, với khoảng 23.600 trường hợp phát hiện mới và 20.700 trường hợp tử vong hàng năm. 

Bài viết của bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Phân loại ung thư phổi

Ung thư phổi chủ yếu được chia thành hai loại:

  • Ung thư phổi tế bào không nhỏ (NSCLC - Non-small cell lung cancer) chiếm từ 85% đến 90% các ca bệnh, bao gồm:
  • Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC - Small cell lung cancer) chiếm từ 10% đến 15% các ca bệnh.

Bên cạnh hai loại chính này, còn có một số loại ung thư phổi hiếm gặp khác như khối u phổi ác tính (Lung carcinoid tumors), ung thư biểu mô nang tuyến (Adenoid cystic carcinomas), các u hạch (lymphomas), u liên kết (sarcomas), cùng với các khối u phổi lành tính.

2. Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư phổi

Tầm soát ung thư phổi là biện pháp quan trọng để phát hiện sớm bệnh ở những người không có triệu chứng nhưng có nguy cơ cao, nhất là ở người lớn tuổi hút thuốc lâu năm. Mục tiêu là phát hiện ung thư phổi khi còn ở giai đoạn rất sớm, làm tăng khả năng chữa khỏi bệnh thành công.

Ung thư phổi là bệnh ác tính tiến triển âm thầm, thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi khối u phát triển lớn và xâm lấn vào các cơ quan xung quanh. Phần lớn các ca bệnh được phát hiện sớm là do khám sức khỏe định kỳ hoặc khi đi khám các bệnh khác mà tình cờ phát hiện.  

Đến khi có triệu chứng, ung thư thường đã ở giai đoạn muộn, khó điều trị và tiên lượng kém. Theo các nghiên cứu, khoảng 70% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, giảm khả năng phẫu thuật, và đáp ứng kém với hóa trị và xạ trị. Nghiên cứu từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho thấy, tầm soát bằng chụp CT liều thấp đã giúp tăng tỷ lệ sống sót, giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi. 

Tầm soát ung thư phổi đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm giúp nâng cao tỷ lệ điều trị thành công
Tầm soát ung thư phổi đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm giúp nâng cao tỷ lệ điều trị thành công

3.Đối tượng cần tầm soát ung thư phổi

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi bao gồm  

  • Người trên 45 tuổi.
  • Những người có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động).  
  • Những người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại hoặc các chất phóng xạ.  
  • Những người trong gia đình có tiền sử nhiều người mắc ung thư hoặc người có tổn thương mạn tính tại phổi cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

Đối với những người có các triệu chứng bất thường về hệ hô hấp như ho kéo dài, ho khạc ra đờm có máu, cảm giác tức ngực, khó thở hoặc có dấu hiệu chung như mệt mỏi, ăn kém, sụt cân, cần sớm đến cơ sở y tế để được khám và phát hiện sớm ung thư phổi.

4. Các phương pháp tầm soát ung thư phổi

Việc tầm soát ung thư phổi có thể được thực hiện thông qua nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm:

4.1. Chụp X-quang phổi

Đây là phương pháp sàng lọc đơn giản, chi phí thấp và dễ thực hiện tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh. Chụp X-quang phổi cũng có thể được thực hiện ngay trên xe X-quang kỹ thuật số lưu động.  

Phương pháp này có thể phát hiện các khối u từ kích thước 1cm trở lên. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là khó phát hiện và đánh giá các tổn thương nhỏ tại vùng đỉnh phổi, khu vực trung tâm rốn phổi, trung thất, sau bóng tim và khu vực bị che khuất bởi xương sườn. 

Chụp X-quang phổi là một trong những phương pháp tầm soát ung thư phổi
Chụp X-quang phổi là một trong những phương pháp tầm soát ung thư phổi

4.2 Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (LDCT)

Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi. Nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tiến hành sàng lọc bằng LDCT hàng năm đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư phổi có thể phát hiện thêm 20% trường hợp so với chụp X-quang thông thường. Hiện nay, phương pháp này được khuyến cáo làm phương pháp sàng lọc hàng năm để phát hiện sớm ung thư phổi.

4.3 Nội soi phế quản

Nội soi bằng ánh sáng huỳnh quang: Phương pháp này giúp nhìn thấy các tổn thương niêm mạc phế quản, đặc biệt là các trường hợp mà nội soi phế quản bằng ánh sáng trắng thông thường khó có thể phát hiện, như ung thư biểu mô tại chỗ và các tổn thương loạn sản. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để xác định có tế bào ung thư hay không.

Nội soi sử dụng nguồn sáng NBI: NBI giúp tăng cường khả năng hiển thị các mao mạch và cấu trúc trên niêm mạc, giúp dễ dàng hơn trong việc phát hiện các vùng nghi ngờ có tổn thương để thực hiện sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học.

4.4. Xét nghiệm các chất chỉ điểm khối u (Tumor markers)

Các xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu như định lượng SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro –GRP, NSE giúp phát hiện và theo dõi tiến triển của ung thư phổi.

5. Chẩn đoán ung thư phổi

Chẩn đoán ung thư phổi bao gồm việc đánh giá các triệu chứng lâm sàng, nồng độ các chất chỉ điểm khối u trong máu, cùng với các hình ảnh từ phim chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và nội soi phế quản. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ có giá trị gợi ý và không đủ để chẩn đoán xác định bệnh ung thư phổi.

Chẩn đoán xác định ung thư phổi phải dựa vào "tiêu chuẩn vàng" là kết quả giải phẫu bệnh học của mẫu mô lấy từ tổn thương. Mẫu mô này có thể được thu thập từ khối u nguyên phát hoặc từ các tổn thương thứ phát do ung thư di căn đến các cơ quan khác. Việc phân tích mẫu mô này giúp xác định chính xác tế bào ung thư, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Nguồn tài liệu tham khảo: https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/tam-soat-va-chan-oan-ung-thu-phoi

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe