Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Đức - Bác sĩ Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Xạ hình túi mật là một thủ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng cách quét hạt nhân đánh giá bệnh lý đường mật, túi mật. Xạ hình túi mật có thể phát hiện vị trí tắc nghẽn đường dẫn mật từ gan đến túi mật và ruột non.
1. Chụp xạ hình túi mật
Trước chụp xạ hình túi mật, bệnh nhân cần nhịn ăn khoảng 8 giờ. Một chất đánh dấu phóng xạ sẽ được tiêm vào tĩnh mạch (thường là tĩnh mạch ở tay). Chất đánh dấu phóng xạ này bản chất là hợp chất axit iminodiacetic được đánh dấu bằng technetium. Sau khi đưa vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hóa tại gan, được bài tiết vào túi mật thông qua hệ thống ống dẫn mật trong và ngoài gan. Cuối cùng, chất đánh dấu phóng xạ được bài tiết vào phần đầu của ruột non. Một máy ảnh chuyên dụng sẽ ghi nhận lại hình ảnh quá trình di chuyển của chất đánh dấu từ gan đến các ống mật, túi mật và ruột non.
Trong quá trình chụp xạ hình túi mật, bệnh nhân cần loại bỏ các vật như trang sức, kim loại mang theo người vì có thể ảnh hưởng đến kết quả sau cùng.
Các bước chụp xạ hình túi mật bao gồm:
- Sát trùng vùng tay của bệnh nhân - nơi tiêm chất đánh dấu phóng xạ.
- Một lượng nhỏ chất đánh dấu phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch.
- Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn, một camera quét lớn được đặt ngay phía trên bụng của người bệnh. Sau khi tiêm chất đánh dấu phóng xạ, máy ảnh sẽ quét các bức xạ do chất đánh dấu phát ra. Máy ảnh không tạo ra bất kỳ bức xạ nào.
- Máy ảnh sẽ cho ra hình ảnh khi theo dõi chất phóng xạ đi qua gan và vào túi mật, ruột non. Những bức ảnh đầu tiên được chụp từ ngay sau khi tiêm chất theo dõi, có thể chụp liên tục, giống như một video hoặc có thể được thực hiện một lần trong tối đa 1 tiếng rưỡi sau khi bắt đầu.
- Mỗi lần quét bức xạ chỉ mất vài phút, bệnh nhân cần nằm yên trong mỗi lần quét để hình ảnh không bị mờ.
Một chất kích thích túi mật có thể được đưa vào tĩnh mạch người bệnh trong quá trình quét. Hình ảnh thu được sau khi tiêm có thể giúp bác sĩ xem xét túi mật có hoạt động bình thường hay không và đánh giá bệnh lý đường mật.
2. Ý nghĩa của chụp xạ hình túi mật để làm gì?
Trong viêm túi mật cấp tính (thường do sỏi), túi mật sẽ không xuất hiện trên phim chụp do chất phóng xạ không thể đi vào bên trong túi mật. Thủ thuật này giúp chẩn đoán khá chính xác (ngoại trừ dương tính giả ở một số bệnh nhân nặng). Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, chụp xạ hình túi mật hiếm khi cần thiết để chẩn đoán viêm túi mật cấp.
Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm túi mật không do sỏi hay tắc nghẽn, bác sĩ sẽ chỉ định chụp túi mật trước và sau khi dùng cholecystokinin (kích thích co bóp túi mật). Giảm tập trung nồng độ phóng xạ sẽ định hướng cho tình trạng giảm bài tiết ở túi mật Giảm quá trình làm rỗng túi mật (đo bằng tỉ lệ bài tiết) sẽ gợi ý viêm túi mật không do sỏi hay tắc nghẽn.
Chụp xạ hình túi mật cũng giúp phát hiện ra rò mật và các bất thường về mặt giải phẫu (u nang ống mật chủ). Sau khi cắt túi mật, chụp xạ hình túi mật có thể giúp định lượng dòng chảy của dịch mật, xác định tình trạng rối loạn chức năng cơ thắt Oddi.
Chụp xạ hình túi mật giúp tìm ra nguyên nhân gây đau bụng ở phía trên, bên phải, kiểm tra chức năng túi mật, tìm nguyên nhân vàng da và tìm sự tắc nghẽn của các ống dẫn từ gan đến túi mật và ruột non.
3. Thực hiện xạ hình túi mật trong bao lâu?
Chụp xạ hình túi mật thường chỉ mất khoảng 1 đến 2 giờ, tùy thuộc vào kết quả có thể quét nhiều hơn một ngày sau đó. Trường hợp bệnh nhân cần quay lại để quét túi mật một lần nữa, không ăn bất kỳ thực phẩm béo nào trước khi thủ thuật chụp xạ hình túi mật.
Bệnh nhân có thể không cảm thấy gì ngay cả khi tiêm thuốc đánh dấu, hoặc có thể cảm thấy một vết chích nhưng hầu hết thủ thuật túi mật thường không đau, cố gắng thư giãn bằng cách thở chậm và sâu.
Bệnh nhân có thể bị buồn nôn hoặc đau bụng khi chất kích thích túi mật được sử dụng trong quá trình thủ thuật.
4. Rủi ro khi thực hiện xạ hình túi mật
- Hiện tượng dị ứng với chất đánh dấu phóng xạ là rất hiếm vì hầu hết các chất này sẽ rời khỏi cơ thể thông qua nước tiểu hoặc phân trong vòng 1 ngày. Cần xả nhà vệ sinh ngay sau mỗi lần sử dụng, tuy nhiên lượng phóng xạ này rất nhỏ, nhỏ đến mức không có nguy cơ gây hại khi tiếp xúc sau khi thủ thuật.
- Một số bệnh nhân có thể bị đau hoặc sưng tại vị trí tiêm sau khi tiêm thuốc, thường có thể thuyên giảm bằng cách đặt miếng gạc ẩm, ấm lên cánh tay.
Có nguy cơ gây thiệt hại nhỏ cho các tế bào hoặc mô từ bức xạ nhưng khả năng gây hại thường rất thấp so với lợi ích của thủ thuật này. Trường hợp không thể thực hiện chụp xạ hình hoặc kết quả chụp đánh giá bệnh lý đường mật không hữu ích như:
- Bệnh nhân đang có thai: xạ hình túi mật thường không được chỉ định trong thai kỳ do bức xạ có thể làm tổn thương thai nhi.
- Trong thời gian gần đây bệnh nhân đã thực hiện một xét nghiệm nào đó có sử dụng bari hoặc có uống một loại thuốc có chứa bismuth.
- Người bệnh không thể nằm yên trong khi thực hiện thủ thuật.
- Người bệnh bị dị ứng với morphin.
5. Đọc kết quả chụp xạ hình túi mật
5.1. Kết quả bình thường
- Chất đánh dấu phóng xạ chảy đều qua gan, sau đó vào túi mật và vào đến phần đầu tiên của tá tràng.
- Hình ảnh chụp xạ hình túi mật thu được có kích thước, hình dạng và vị trí bình thường.
5.2. Kết quả bất thường
- Chất đánh dấu không được gan đưa ra khỏi máu: đây là dấu hiệu của bệnh gan.
- Túi mật không co bóp hoặc trống rỗng.
- Chất đánh dấu không đến được túi mật: dấu hiệu gợi ý có sưng phù hoặc ống dẫn bị chặn bởi sỏi mật.
- Chất đánh dấu không đến phần đầu tiên của tá tràng: Nghĩa là có một ống mật bị chặn bởi sỏi hoặc có thể có một khối u, nhiễm trùng hoặc sưng viêm tụy.
- Cảm giác đau xảy ra khi túi mật làm trống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.