Xử trí đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý mạn tính ở phổi xen kẽ với các đợt cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được thay đổi phương thức điều trị để đảm bảo sức khỏe tránh suy hô hấp, tử vong.

1. Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì ?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh đặc trưng bởi tình trạng giới hạn luồng khí dai dẳng và tiến triển liên quan đến tình trạng đáp ứng viêm quá mức và mạn tính của đường thở và phổi đối với các hạt và khí độc. Tình trạng viêm này diễn ra thường trực trong giai đoạn ổn định và gia tăng (kèm thay đổi đáng kể) khi bệnh nhân vào đợt cấp.

Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây nhiều hệ luỵ cho người bệnh như: Suy giảm chất lượng cuộc sống, sụt giảm nhanh chức năng hô hấp, chiếm phần lớn chi phí điều trị bệnh và là nguyên nhân gây tử vong chính cho bệnh nhân.


COPD tiến triển
COPD tiến triển

2. Những trường hợp được chỉ định nhập viện

  • Các triệu chứng gia tăng rõ rệt
  • COPD mức độ nặng khi ở giai đoạn ổn định
  • Xuất hiện tím tái, mệt lả
  • Không đáp ứng với điều trị ban đầu tại nhà
  • Có các bệnh lý nặng khác đi kèm
  • Mới xuất hiện loạn nhịp tim

3. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

3.1 Chẩn đoán triệu chứng

  • Tăng khó thở.
  • Tăng số lượng đờm.
  • Thay đổi màu sắc đờm: xanh, vàng và đờm mủ.

3.2 Chẩn đoán nguyên nhân gây đợt cấp

  • Nguyên nhân trực tiếp thường gặp nhất gây đợt cấp là nhiễm khuẩn khí phế quản phổi cấp do virus hoặc vi khuẩn.
  • Nhiễm lạnh, bụi ô nhiễm, khói, khí độc.
  • Điều trị hoặc dùng thuốc không đúng cách, dùng thuốc ngủ, an thần.
  • Xuất hiện một bệnh lý khác: tắc mạch phổi, suy tim, phẫu thuật (nhất là phẫu thuật bụng, phẫu thuật lồng ngực).
  • Các rối loạn chuyển hóa: Tăng đường máu, giảm kali.
  • Các nhiễm trùng khác (ổ bụng, não).
  • Không rõ nguyên nhân: 1/3 các trường hợp.

Bụi ô nhiễm không khí
Bụi ô nhiễm không khí

4. Xử lý đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

4.1 Nguyên tắc xử trí

  • Bảo đảm oxy máu
  • Dùng thuốc giãn phế quản
  • Khai thông đường hô hấp
  • Dùng kháng sinh khi cần thiết
  • Điều trị các bệnh lý kèm theo, điều trị dự phòng biến chứng.

4.2 Xử trí ban đầu

  • Cho người bệnh thở oxy nếu cần thiết
  • Dùng thuốc cường bêta-2 giao cảm tác dụng giãn phế quản nhanh tại chỗ. Có thể phối hợp với thuốc ức chế phó giao cảm tác dụng nhanh khí dung hoặc xịt.
  • Dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm trong đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi có các biểu hiện: Khó thở tăng, lượng đờm tăng, đờm mủ. Lựa chọn kháng sinh dựa vào loại vi khuẩn có khả năng gây đợt cấp.
  • Corticoid: Mặc dù phản ứng viêm được xem là một đặc tính chính trong đợt cấp và corticoid đường toàn thân luôn được khuyến cáo sử dụng trong đợt cấp để khống chế tình trạng viêm này nhưng hầu như không có định nghĩa đợt cấp nào có đề cập đến tình trạng viêm.
  • Thở máy bao gồm thông khí không xâm nhập và thông khí xâm nhập theo đúng chỉ định
  • Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có suy hô hấp nguy kịch.

Người bệnh cần được thở oxy
Người bệnh cần được thở oxy

5. Phòng bệnh đợt cấp

  • Tránh bị lạnh: Đợt cấp thường hình thành vào mùa đông vì vậy vào mùa đông nên tránh không khí lạnh càng nhiều càng tốt. Nếu phải đi ra ngoài, che miệng và mũi bằng khẩu trang sạch để duy trì độ ẩm và ấm đường hô hấp. Giữ ấm làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần số của các đợt cấp trong mùa đông.
  • Duy trì điều trị COPD: Duy trì điều trị một cách thường xuyên đúng theo hướng dẫn, nhất là trong những ngày lạnh của mùa đông, điều này có thể giúp tránh và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của đợt cấp. Ngoài ra cần phải có kỹ năng tự nhận biết các triệu chứng nặng và thông báo với bác sĩ khi cần thiết hoặc nhập viện ngay.
  • Tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi. Chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm, và tiêm phòng viêm phổi do phế cầu. Vì mắc bệnh cúm và nhiễm phế cầu là yếu tố làm dễ khởi phát đợt cấp của COPD.
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tránh xa các bệnh viện, nơi đông người tụ họp nhất là trong phòng kín thiếu thông khí. Do mắc các bệnh đường hô hấp trên nền COPD có sẵn sẽ làm dễ phát triển một đợt cấp COPD.
  • Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao, chống lại vi trùng. Trước khi chạm tay vào mắt, mũi hay miệng phải chắc chắn rằng bạn đã rửa hoặc vệ sinh bàn tay một cách cẩn thận. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi
Chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi
  • Giữ độ ẩm ở mức an toàn. Mùa đông - xuân thường có độ ẩm trong không khí rất cao. Điều quan trọng là giữ cho độ ẩm ở mức tối ưu trong không khí và ngăn ngừa nấm mốc, nấm mốc dễ hình thành đợt cấp COPD. Có thể giảm độ ẩm bằng máy hút ẩm hoặc tạo môi trường thông thoáng tùy từng điều kiện cụ thể.
  • Uống nhiều nước. Uống nhiều nước có thể làm dễ dàng hơn để thở, đặc biệt là nếu bạn có nhiễm khuẩn đường hô hấp. Để đảm bảo đủ nước, yếu tố quan trọng nhất là uống nhiều nước.
  • Tránh khói và khói thuốc lá. Tốt là nơi ở của người mắc COPD phải cách ly với nguồn khói, đặc biệt là khói thuốc lá, yếu tố quan trọng gây bùng nổ đợt cấp COPD, phải dứt khoát không có khói thuốc lá trong nhà và phòng ở riêng của người mắc COPD.

Thực hiện đầy đủ các giải pháp đã nêu, có thể khống chế số lượng và mức độ nặng của các đợt cấp COPD vào mùa đông, với một mức độ tái phát không nặng của đợt cấp COPD bạn có thể được xử lý một cách an toàn như một bệnh nhân ngoại trú và giúp hạn chế khả năng nhập viện.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe