Chân tay miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có mức độ lây lan rất nhanh và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào. Hiện nay, bệnh chân tay miệng chưa có vacxin phòng ngừa và điều trị đặc hiệu. Khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
1. Nguyên tắc điều trị bệnh chân tay miệng
- Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Chú ý không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm.
- Cần theo dõi sát sao người bệnh, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân
2. Điều trị chân tay miệng cấp độ 2
Bệnh chân tay miệng cấp độ 2 cần điều trị nội trú tại bệnh viện.
2.1. Điều trị chân tay miệng cấp độ 2a
- Dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để nâng cao thể trạng
- Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh kích thích
- Hạ sốt cho trẻ nếu sốt cao trên 38,5 độ C mỗi 6 giờ
- Trường hợp trẻ sốt cao không đáp ứng tốt với paracetamol có thể phối hợp với ibuprofen 10-15 mg/kg/lần lặp lại mỗi 6-8 giờ nếu cần (dùng xen kẽ với các lần sử dụng paracetamol).
- Thuốc: Phenobarbital 5 – 7 mg/kg/ngày, uống.
- Cần theo dõi sát để phát hiện dấu hiệu chuyển độ.
2.2. Điều trị chân tay miệng cấp độ 2b
Cho trẻ nằm đầu cao 30 độ
Hạ sốt tích cực nếu trẻ bị sốt cao
Cho trẻ thở oxy 3 - 6 lít/phút
Thuốc:
- Phenobarbital 10 – 20 mg/kg truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau 8-12 giờ khi cần.
- Immunoglobulin:
Nhóm 2: 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm trong 6 - 8 giờ. Sau 24 giờ nếu còn dấu hiệu độ 2b thì dùng liều thứ 2
Nhóm 1: Không chỉ định Immunoglobulin thường quy. Chỉ dùng nếu triệu chứng không giảm sau 6 giờ điều trị bằng Phenobarbital. Sau 24 giờ đánh giá lại để quyết định liều thứ 2 giống như nhóm 2.
Theo dõi nhiệt độ, huyết áp, mạch, tri giác, nhịp thở, ran phổi, mỗi 1 - 3 giờ trong 6 giờ đầu. Nếu không có gì bất thường thì theo dõi theo chu kỳ 4 - 5 giờ.
Nếu có máy, đo độ bão hòa oxy SpO2 và theo dõi mạch liên tục.
3. Những dấu hiệu của biến chứng tay chân miệng
Trẻ có các dấu hiệu sau thì rất có thể trẻ đã bị biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp.
- Thay đổi tri giác: vật vã, hốt hoảng, li bì, bứt rứt, chới với, ngủ gà, co giật, hôn mê
- Run chi, rung giật khi ngủ, loạng choạng, giật mình, rung giật nhãn cầu.
- Yếu chi, liệt mặt...
Về hô hấp, trẻ sẽ có biểu hiện thở khó, thở mệt, thở nhanh. Về tim mạch trẻ sẽ có biểu hiện như huyết áp tăng sau đó tụt, mạch nhanh hoặc chậm.
Các biến chứng chân tay miệng thường gặp nhất là biến chứng bội nhiễm, mất nước, biến chứng hô hấp, tim mạch, trong đó nặng nề nhất là các biến chứng về thần kinh. Đây là biến chứng đặc biệt nguy hiểm cha mẹ cần chú ý bởi nó rất phức tạp và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, có thể gây tổn thương não không hồi phục.
Các biến chứng thần kinh của trẻ là: viêm thân não, viêm não, viêm màng não, viêm não tủy.
Viêm màng não
Dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị viêm màng não bao gồm:
- Trẻ mê sảng, sốt cao, li bì
- Trẻ sợ ánh sáng
- Yếu liệt, hôn mê
- Đau đầu, cứng gáy
Viêm nhu mô não, thân não
Các trẻ có biểu hiện sau rất có thể đã bị tổn thương nhu mô não, thân não:
- Khi trẻ nằm ngửa hoặc bắt đầu ngủ thường bị run giật theo từng cơn ngắn, chủ yếu ở tay và chân.
- Rung giật nhãn cầu
- Bứt dứt, run chân tay, đi loạng choạng, mắt nhìn ngược
- Ngủ gà
- Chân tay yếu, liệt
- Hôn mê, suy hô hấp, tuần hoàn.
- Tăng trương lực cơ.
Việc nắm được những biến chứng cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng gây ra ở trẻ sẽ giúp cha mẹ chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử trí kịp thời nếu xuất hiện biến chứng, tránh những hậu quả khó lường ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.