Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Tay chân miệng là một bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt trẻ em là đối tượng mắc bệnh chiếm tỷ lệ lớn nhất. Trẻ mắc tay chân miệng nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách sẽ có nguy cơ dẫn đến bội nhiễm nha chu.
1. Sai lầm khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Vấn đề trầm trọng nhất khi trẻ bị tay chân miệng đó là việc xuất hiện các nốt phỏng trong miệng khiến trẻ không thể ăn uống được. Đây cũng chính là điểm khiến các bà mẹ bồn chồn, lo lắng không yên. Vì thế, không ít bà mẹ tìm đủ mọi cách can thiệp với mục đích giúp các nốt phỏng nhanh biến mất để trẻ ăn uống được. Nhưng chính vì nôn nóng, chăm sóc không đúng cách, nhiều trẻ mắc tay chân miệng bội nhiễm, càng làm trẻ đau đớn.
Sai lầm hay gặp nhất khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đó là nhiều phụ huynh dùng khăn sữa, gạc để vệ sinh răng miệng cho trẻ. Khi bị đau vì các nốt phỏng, trẻ thường không muốn nuốt nước bọt khiến miệng bé rất hôi. Do không đánh răng được cho con, nhiều bà mẹ đã dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ. Tuy nhiên không phải em bé nào cũng ngồi yên cho mẹ vệ sinh răng miệng, bé thường quấy khóc khiến nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng càng tăng, làm vết loét thêm nặng, nguy cơ gây bội nhiễm vi khuẩn, nấm nhiều hơn. Tình trạng này dẫn khiến trẻ tiếp tục đau kéo dài, ăn uống sẽ càng kém đi.
2. Biến chứng bội nhiễm nha chu ở trẻ bị tay chân miệng
Bệnh nha chu là bệnh lý viêm nhiễm mãn tính ở mô nướu và mô nâng đỡ của răng, do các vi khuẩn hiện diện trong mảng bám răng gây nên. Nha chu thường xảy ra sau đợt sốt, vừa giảm sốt thì đau miệng dữ dội. Khi trẻ cười có thể gây chảy máu, hai hàm răng sưng, đỏ tía.
Có nhiều trường hợp trẻ bị bội nhiễm nha chu là do bị bố mẹ vệ sinh răng miệng theo kiểu thủ công. Các bác sĩ đưa ra con số giật mình: trong 10 trẻ bị tay chân miệng bội nhiễm nha chu thì có tới 9 trường hợp là do mẹ lau miệng, cọ răng cho bé bằng gạc.
Thực tế khi khám chữa bệnh cho trẻ tay chân miệng, các bác sĩ ghi nhận nhiều trẻ bị biến chứng viêm nha chu do cách chăm sóc này của người thân. Trẻ hết các vết loét trong miệng rồi nhưng vẫn không ăn được vì hai hàm răng, lợi bị viêm đỏ rực, thậm chí chảy máu và khiến bác sĩ buộc phải dùng thêm kháng sinh.
Cũng có trẻ bị tay bội nhiễm nấm miệng cũng vì hành vi lau miệng cho trẻ bằng khăn sữa, gạc đã đưa nấm ở bên ngoài vào miệng trẻ. Điều này không chỉ khiến trẻ phải uống kháng sinh mà tình trạng viêm nha chu còn khiến trẻ tiếp tục đau đớn, ăn uống sẽ càng kém đi.
3. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách phòng ngừa bội nhiễm
Quá trình chăm sóc trẻ bị tay chân miệng giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm ở trẻ cần tuân thủ các hướng dẫn sau:
- Chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi bé sốt trên 38.5 độ C. Có bé chỉ hâm hấp sốt nhưng nếu quá đau, cản trở ăn uống có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm đau theo đúng hướng dẫn, 4 - 6 tiếng/lần theo liều lượng dựa trên cân nặng của trẻ. Ngoài ra, có thể bôi các thuốc gây tê bề mặt, sát khuẩn miệng như đơn của bác sĩ trước bữa ăn khoảng 15 phút, giúp giảm đau và bé sẽ ăn uống dễ hơn.
- Đối với việc vệ sinh miệng, tốt nhất chỉ sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, sau ngủ dậy. Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng khi thấy miệng con có mùi hôi, lưỡi phồng rộp mà cố dùng gạc để “cạo” các nốt rộp trắng, điều này rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến tay chân miệng bội nhiễm. Miệng trẻ có cơ chế tự làm sạch, cha mẹ hãy cố gắng khuyến khích trẻ uống nước, súc miệng bằng nước muối... để làm sạch răng miệng.
- Khi bé đau, các mẹ nên cho con ăn từng chút một. Sử dụng các thực phẩm để nguội, nấu loãng như cháo, súp, sữa... Tăng cường các loại nước hoa quả giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên không nên kỳ vọng con ăn uống giống như ngày thường, lượng thức ăn chắc chắn sẽ bị giảm (thậm chí chưa được một nửa so với bình thường), khi đó các mẹ cũng không quá sốt ruột, không ép bé ăn bằng được vì bé bị đau, khi nhìn thấy đồ ăn sẽ càng sợ hãi hơn, càng không "hợp tác" với mẹ nhiều hơn.
Bệnh tay chân miệng khi được chăm sóc đúng cách, thông thường sau 3 - 4 ngày bệnh sẽ khỏi, trẻ sẽ ăn uống trở lại bình thường.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Nhật đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, và trong lĩnh vực truyền nhiễm, khám và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh thận và các bệnh truyền nhiễm. Hiện đang là Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.