Xử lý ngộ độc cấp ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ em ngộ độc hóa học là tình trạng rất hay xảy ra. Nguyên nhân chính là do sự tò mò và hay ăn những đồ mà trẻ lấy được. Do đó mỗi người trong gia đình cần biết cách xử lý ngộ độc cấp ở trẻ em để kịp thời xử lý khi tình huống xảy ra. Xử trí ban đầu tốt có ý nghĩa rất lớn tới sự thành công của các công đoạn chữa trị tiếp theo.

1. Chẩn đoán

Khai thác thông tin trẻ bị ngộ độc

Thông tin về hoàn cảnh và quá trình ngộ độc của bệnh nhân có thể khai thác từ người thân hay những người xung quanh. Bởi vì trẻ bị ngộ độc không thể đưa ra các thông tin cho nhân viên y tế. Thông tin này có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán ban đầu. Các thông tin cần biết bao gồm:

  • Ngộ độc chất gì: có thể có minh chứng bằng chai, lọ, bao bì của chất độc hoặc theo lời kể của người thân.
  • Chất độc vào cơ thể theo đường nào: uống, tiêm, hít...
  • Liều lượng bao nhiêu.
  • Xử trí ban đầu đã thực hiện cho bệnh nhân.
  • Thời gian từ khi bắt đầu ngộ độc đến khi tới viện...

Thăm khám lâm sàng cho trẻ ngộ độc hóa chất.

Điều cần quan tâm đầu tiên là thông tin cá nhân và tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi ngộ độc. Bao gồm các thông tin sau:

  • Tuổi, cân nặng.
  • Chỉ số sinh tồn: nhiệt độ, hô hấp, huyết áp, thần kinh,...
  • Người bệnh bị hôn mê hay tỉnh táo.
  • Co giật: do ngộ độc strychnin, atropine, theophylin, long não...
  • Co đồng tử: Ngộ độc atropin, imipramin, thuốc mê, rượu...
  • Mạch chậm: Ngộ độc digitalis, quinine, muscarin...
  • Mạch nhanh: Ngộ độc atropin, xanthin, theophylin...
  • Sốt cao: Ngộ độc nhóm xanthin, theophylin...
  • Hạ thân nhiệt: Ngộ độc barbituric, phenothiazin...
  • Tăng thông khí: Ngộ độc salicylat ( aspirin)...
  • Xuất huyết: Ngộ độc chất chống vitamin K
  • Các chẩn đoán cận lâm sàng ngộ độc cấp ở trẻ em.

Để xác định được độc chất cần tiến hành làm xét nghiệm dựa trên thông tin khai thác được và triệu chứng lâm sàng. Xét nghiệm có ý nghĩa chẩn đoán, xác định chính xác chất độc.

Các dịch được dùng làm xét nghiệm là những chất tiết của trẻ bị ngộ độc. Bao gồm: chất nôn, dịch dạ dày, phân, nước tiểu, máu. Ngoài ra, cũng cần làm xét nghiệm với các vật phẩm nghi ngờ mà gia đình đưa đến để xác định độc chất.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện rất phong phú tùy vào chất độc. Có thể làm công thức máu; ure, creatinin máu; điện giải đồ; đường huyết; khí máu; men gan, điện tâm đồ...

2. Xử lý ngộ độc cấp ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị tình huống cấp cứu.
  • Xác định chất độc.
  • Loại bỏ chất độc.
  • Chất đối kháng đặc hiệu.
  • Phục hồi thể trạng và điều trị biến chứng.

Biết cách xử lý ngộ độc cấp ở trẻ em để tránh những biến chứng nguy hiểm
Biết cách xử lý ngộ độc cấp ở trẻ em để tránh những biến chứng nguy hiểm

2.1 Điều trị, đảm bảo các chỉ số sinh tồn

Cần đảm bảo và duy trì các chức năng sống của bệnh nhân. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn.

  • Hô hấp: đảm bảo trẻ thở tốt bằng cách làm thông đường thở, thở oxy, đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ nếu cần.
  • Tuần hoàn: cấp cứu ngừng tim. Truyền nhanh dung dịch điện giải, dung dịch keo hoặc máu theo chỉ dẫn khi bệnh nhân có dấu hiệu sốc. Tuyệt đối không được dùng ngay thuốc vận mạch khi chưa truyền đủ lượng dịch.
  • Thần kinh: điều trị và ngăn ngừa co giật hay rối loạn thân nhiệt.

2.2 Loại bỏ chất độc

  • Đối với những chất độc qua da, niêm mạc: vệ sinh cơ thể bằng nước hoặc dung môi thích hợp.
  • Trẻ bị ngộ độc các chất độc qua đường hô hấp: đưa bệnh nhân ra chỗ thoáng.
  • Với những chất độc qua đường tiêu hóa: cơ chế loại bỏ chất độc tùy thuộc vào thời gian và chất độc.

Gây nôn:

Áp dụng cho chất độc là thức ăn, lá, thuốc viên, đồ uống. Phương pháp này thực hiện với những trẻ còn tỉnh táo và thực hiện trong vòng một giờ đầu sau khi trẻ bị ngộ độc. Các cách gây nôn gồm:

  • Đưa ngón tay vào họng để kích thích nôn.
  • Uống siro Ipeca 7-10%.
  • Tiêm morphin.

Rửa dạ dày:

  • Phương pháp này chỉ thực hiện trong 6 giờ đầu sau khi trẻ uống phải chất độc và vẫn còn tỉnh táo
  • Để bệnh nhân nằm ở tư thế đầu hơi thấp, nghiêng về một bên. Đưa ống thông vào dạ dày. Rửa dạ dày thường được thực hiện bằng nước ấm có thêm natriclorua hoặc dung dịch huyết thanh mặn đẳng trương 0.9%.
  • Khi chất dịch chảy ra cần quan sát xem có các mẩu thuốc, thức ăn, máu.
  • Thực hiện rửa đến khi nước lấy ra không còn đục thì dừng lại. Chất dịch khi rửa xong nên bơm than hoạt vào dạ dày.
  • Không tiến hành gây nôn hay rửa dạ dày cho những trường hợp sau:
  • Không áp dụng cho bệnh nhân đang co giật và hôn mê.
  • Trẻ bị ngộ độc chất ăn mòn, chất bay hơi, chất dầu không tan.
  • Không rửa dạ dày khi trẻ bị ngộ độc quá 6 tiếng kể từ khi uống, ăn phải độc chất.

Than hoạt:

  • Than hoạt được dùng ngay sau khi rửa dạ dày và trước khi rút sonde dạ dày. Nó có khả năng kết hợp với chất độc còn dư tạo thành hợp chất không độc. Hợp chất này không ngấm vào máu và được thải ra ngoài qua phân. Do đó giúp loại bỏ hết các chất độc còn tồn dư sau khi rửa dạ dày.
  • Sau khi bệnh nhân rửa dạ dày, cho bệnh nhân uống than hoạt vừa đủ. Pha than hoạt với nước theo tỉ lệ 1:4 thành một hỗn hợp dạng keo và cho bệnh nhân uống. Liều dùng là 1g/kg cân nặng cho mỗi lần dùng, tối đa là 50g. Mỗi lần dùng cách nhau 4-6 giờ. Có thể cho bệnh nhân uống trực tiếp hoặc bơm vào dạ dày.
  • Tuy nhiên, đối với các chất độc là: rượu, acid boric, sắt, alcan, lithium, muối acid, cyanide, các chất dẫn của hydrocarbon...thì than hoạt không có hiệu lực.
  • Một điểm cần lưu ý là không nên dùng than hoạt dạng viên vì nó có ít hoặc không có tác dụng.

Thuốc tẩy ruột:

Để tẩy hết chất độc còn lại trong ruột, người ta thường dùng magie sunfat hoặc dầu parafin. Lưu ý là khi dùng thuốc tẩy phải theo dõi tình trạng mất nước. Với những người suy thận, không dùng các loại thuốc tẩy có chứa magie. Liều dùng như sau:

  • Magie sulfat: 250mg/kg cân nặng.
  • Dầu parafin 5ml/kg cân nặng.

Tanin:

Tanin có tác dụng làm biến tính một số alkaloid và có thể kết hợp với muối kim loại nặng. Do đó, giúp ngăn cản sự hấp thu các chất này vào cơ thể. Liều dùng khoảng 2-4g cho một lần dùng.

Bài niệu mạnh:

Được chỉ định khi trẻ ngộ độc hóa chất được đào thải ra ngoài qua thận.

Lọc máu ngoài thận:

Lọc máu ngoài thận được thực hiện với những trường hợp trẻ bị ngộ độc nặng với số lượng lớn các chất độc. Các chất độc này có khả năng được lọc qua màng lọc.

Đào thải chất độc qua hô hấp

  • Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp ngộ độc chất bay hơi (rượu, benzene, ether, ketone, oxyd carbon, xylem...).
  • Ngoài ra, với những trường hợp ngộ độc nặng có thể phải cho bệnh nhân lọc thận, thải độc gan, thay huyết tương...

2.3 Dùng chất đối kháng đặc hiệu

  • Á phiện đối với Naloxon
  • Phospho hữu cơ đối với Atropin,Pralidoxim
  • Chì đối với EDTA
  • Methemoglobin đối với Methylene blue
  • Acetaminophen đối với N-acetylcystein
  • Calcium blockers đối với Calcium chloride
  • Khoai mì đối với Sodium thiosulfate

Trẻ ngộ độc hóa chất là tình huống rất hay xảy ra
Trẻ ngộ độc hóa chất là tình huống rất hay xảy ra

2.4 Theo dõi người bệnh

  • Với những trường hợp trẻ ngộ độc hóa chất nặng, cần theo dõi thường xuyên, cứ 15-30 phút theo dõi các chỉ số sinh tồn một lần.
  • Khi người bệnh đã dần ổn định, tiếp tục theo dõi trong 24h, mỗi lần cách nhau 2-6 giờ. Đồng thời cần theo dõi sự xuất hiện của than hoạt trong phân.
  • Theo dõi diễn biến và các dụng phụ có thể gây ra bởi Antidote tùy từng loại ngộ độc.

2.5 Nâng cao thể trạng và điều trị biến chứng.

Để bệnh nhân sớm bình phục, cần có chế độ chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý theo chỉ định của bác sĩ. Nâng cao thể trạng sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn. Cùng với đó cũng cần theo dõi những biến đổi của bệnh nhân để kịp thời ngăn chặn các biến chứng xảy ra.

Trên đây là những thông tin về xử trí ngộ độc cấp ở trẻ em. Hy vọng bạn đọc đã có những thông tin hữu ích để áp dụng cho cuộc sống hằng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe