Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thoái hóa khớp cổ chân là một bệnh lý xương khớp phổ biến. Bệnh thoái hóa khớp cổ chân tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. Nếu không chú ý chăm sóc và điều trị có thể gây ảnh hưởng tới khả năng đi lại, vận động. Xoa bóp và tập luyện là biện pháp điều trị hiệu quả, giảm tái phát bệnh.
1. Tổng quan về thoái hóa khớp cổ chân
Thoái hóa khớp là tình trạng phá hủy sụn khớp, xương dưới sụn và màng hoạt dịch khớp. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào trong cơ thể nhưng phần lớn ở các khớp chịu lực như khớp hông, gối, cổ chân, cột sống. Nguy cơ mắc bệnh gia tăng theo tuổi trong đó nhóm tuổi trên 60 là đối tượng mắc nhiều nhất, nữ có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nam
Thoái hóa khớp cổ chân có nhiều nguyên nhân trong đó tình trạng thừa cân, béo phì do mất kiểm soát trọng lượng cơ thể là một trong những nguyên nhân quan trọng do trọng lượng cơ thể quá lớn gây lực ép quá mức trực tiếp lên khớp cổ chân mỗi khi đi chuyển vận động
Tuổi tác cũng là nguyên nhân thường gặp do tình trạng lão hóa xương khớp gây nên. Khi tuổi càng cao thì các tế bào sụn bắt đầu có tình trạng thoái hóa không thể tái tạo. Ngoài ra, những người cao tuổi nếu có những tác động chấn thương dù nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng tới khớp nhiều hơn.
Thường xuyên vận động mạnh các động tác liên quan tới cổ chân như chạy nhảy, chơi thể thao, đá chân quá mạnh, thường xuyên phải đứng lâu, đi lại, mang giày cao gót thời gian dài... có thể dẫn tới tình trạng tổn thương cơ, gân và sụn khớp cổ chân. Theo thời gian sẽ làm bào mòn các đầu sụn dẫn tới thoái hóa khớp. Đặc biệt, khớp được sử dụng quá nhiều trong trường hợp khớp bị biến dạng bẩm sinh hoặc do mắc các bệnh làm thay đổi hình thái khớp xương sẽ gây thoái hóa sớm hơn.
Một số bệnh lý tại khớp cổ chân như: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout có thể làm tình trạng thoái hóa khớp cổ chân xuất hiện sớm hơn
Biểu hiện thoái hóa khớp cổ chân:
- Đau khớp cổ chân: mức độ các cơn đau dao động từ nhẹ đến nặng, tăng lên trong quá trình vận động. Những cơn đau này làm giảm khả năng vận động của khớp cổ chân, nếu kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng teo cơ và có thể gây biến dạng khớp cổ chân.
- Có thể có các phản ứng viêm như sưng nóng đỏ đau ở khớp cổ chân, hoặc nặng hơn là tràn dịch khớp
- Khi cử động khớp cổ chân có thể cảm nhân được tiếng lục cục lạo xạo từ khớp.
2. Điều trị thoái hóa khớp cổ chân bằng xoa bóp và tập luyện
Thoái hóa khớp không thể chữa khỏi hẳn, nhưng áp dụng các biện pháp điều trị giúp làm giảm triệu chứng bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng và tàn tật cho người bệnh.
Điều trị chủ yếu với mục đích giảm đau, hạn chế tình trạng biến chứng như teo cơ cứng khớp, gia tăng tầm vận động khớp, cải thiện và nâng cao khả năng chịu đựng của phần mềm quanh khớp giúp phòng bệnh.
Các phương pháp điều trị gồm:
- Điều trị nội khoa: Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi, dùng thuốc, tập vật lý trị liệu...
- Ngoại khoa: Được chỉ định trọng một số trường hợp có biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và vận động của người bệnh.
Tùy vào mức độ bệnh mà có biện pháp điều trị cụ thể, các biện pháp điều trị có thể kết hợp với nhau.
Việc điều trị bằng phương pháp xoa bóp và tập luyện khớp cổ chân là biện pháp hiệu quả giúp giảm các triệu chứng bệnh và phòng ngừa tái phát bệnh.
3. Cách phòng thoái hóa khớp cổ chân
Phòng tránh và phòng ngừa tái phát bệnh là điều rất quan trọng trong điều trị bệnh. Một số biện pháp nên được áp dụng để phòng ngừa thoái hóa cổ chân như:
- Nên tránh những hoạt động quá mức thường xuyên và cẩn trọng để tránh những sang chấn lên khớp.
- Với những người trên 40 tuổi cần chú ý chế độ sinh hoạt và kèm theo một chế độ luyện tập nhẹ nhàng, đều đặn như việc đi bộ, đi bơi. Hạn chế đứng lâu, vận động quá mức lên khớp cổ chân trong thời gian dài.
- Khi nghi ngờ mình mắc bệnh về khớp, bệnh nhân nên khám bác sĩ ngay để được điều trị và tư vấn một chế độ hợp lý nhất.
- Thường xuyên tập luyện khớp xương cổ chân nhẹ nhàng như: Xoay khớp nhẹ nhàng, vận động khớp, xoa bóp cổ chân, đi lại nhẹ nhàng.
- Chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý. Nhất là khi mắc bệnh thì nên nghỉ ngơi hợp lý vài tuần rất tốt cho sự phục hồi của bệnh.
Thoái hóa khớp cổ chân là tình trạng thường gặp nhất là ở người cao tuổi. Việc tự xoa bóp và tập luyện tại nhà là điều rất cần thiết để hạn chế những biến chứng của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.