HP dạ dày dương tính có nghĩa là đã có vi khuẩn HP trong dạ dày của người bệnh. Một số xét nghiệm dùng để chẩn đoán vi khuẩn HP bao gồm: Nội soi kiểm tra mô bệnh học, test hơi thở, test phân, xét nghiệm máu…Ngược lại, nếu kết quả âm tính, tức là không có sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày của người kiểm tra sức khoẻ.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng PGS. TS. BS Lê Thị Minh Hương - Trưởng khoa Nội Nhi - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. HP dạ dày dương tính nghĩa là gì?
Sau khi tiến hành các xét nghiệm vi khuẩn HP, nếu kết quả cho thấy vi khuẩn HP dương tính, điều đó có nghĩa là người bệnh nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày. Ngược lại, kết quả âm tính có nghĩa là không có sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày.
Một số phương pháp dùng để xét nghiệm vi khuẩn HP trong dạ dày, bao gồm nội soi dạ dày, kiểm tra nhanh ure, kiểm tra phân, và xét nghiệm máu. Mỗi phương pháp đều có tiêu chuẩn riêng để xác định kết quả HP dương tính với mức độ chính xác khác nhau.
Theo nghiên cứu gần đây, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở Việt Nam đạt đến 70%. Tại Hà Nội, hơn 700 trong số 1.000 người được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP. Ở TP Hồ Chí Minh, 90% các trường hợp viêm dạ dày đều có liên quan đến vi khuẩn HP.
2. Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP
Thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP nhằm xác định có sự hiện diện của vi khuẩn này trong dạ dày và tá tràng hay không. Mặc dù vi khuẩn HP có thể gây viêm loét dạ dày nhưng không phải ai nhiễm vi khuẩn HP cũng mắc bệnh.
Do đó, quá trình kiểm tra vi khuẩn HP dạ dày dương tính là vô cùng quan trọng. Hiện nay, 4 phương pháp xét nghiệm khác nhau thường được sử dụng để phát hiện vi khuẩn HP bao gồm:
2.1 Xét nghiệm máu
Máu của người bệnh được sử dụng làm mẫu xét nghiệm. Mục tiêu của xét nghiệm máu là kiểm tra xem cơ thể có kháng thể chống lại vi khuẩn HP hay không. Nếu phát hiện có kháng thể HP trong máu, điều đó cho thấy người bệnh đã bị nhiễm vi khuẩn.
2.2 Xét nghiệm hơi thở
Dạ dày đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Thông thường, môi trường axit bên trong dạ dày khá mạnh, ngoài ra dạ dày còn là hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng như vi khuẩn, vi rút... Nhờ môi trường axit này, vi rút không thể tồn tại lâu sau khi xâm nhập vào dạ dày.
Tuy nhiên, vi khuẩn HP có nhiều đặc điểm khác biệt so với các loại vi khuẩn khác. Vi khuẩn này tiết ra men urease có khả năng trung hòa axit. Nhờ men urease, vi khuẩn HP có thể tồn tại lâu dài trong môi trường axit dạ dày mà không bị tiêu diệt.
Ammonia và carbon dioxide là sản phẩm cuối cùng được tao ra sau khi vi khuẩn HP trong dạ dày thực hiện quá trình thủy phân urease. Carbon dioxide sẽ được hấp thụ vào máu, theo hệ tuần hoàn di chuyển lên phổi và được thải ra ngoài qua đường thở.
Do đó, để phát hiện xem có HP dạ dày dương tính hay không, mọi người có thể thực hiện xét nghiệm hơi thở bằng cách sử dụng một thiết bị đo đặc biệt. Thiết bị này sẽ kiểm tra thông số DPM (độ phân giải của chất phóng xạ trong một phút).
- DPM<50: Vi khuẩn HP âm tính.
- DPM từ 50- 199: Không xác định được vi khuẩn HP dương tính hay âm tính.
- DPM > 200: HP dạ dày dương tính.
Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để xét nghiệm hơi thở là sử dụng các đồng vị carbon 13C hoặc 14C. Quá trình xét nghiệm bắt đầu bằng việc đo nồng độ CO2 trong hơi thở khi chưa sử dụng thuốc chứa các đồng vị 13C hoặc 14C, sau đó tiếp tục đo lại sau khi sử dụng thuốc có chứa hai đồng vị này.
Dựa vào sự khác biệt về nồng độ CO2 giữa hai lần đo, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán liệu người bệnh có HP dạ dày dương tính hay không.
Bên cạnh đó, phương pháp xét nghiệm qua hơi thở có độ chính xác cao, khoảng 90-98% mà không cần phải thực hiện xét nghiệm can thiệp xâm nhập, do đó đang thu hút sự quan tâm lớn từ các bệnh nhân.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, đồng vị carbon 14C là một đồng vị phóng xạ, do đó không thể sử dụng cho phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc trẻ em. Trong khi đó, đồng vị carbon 13C không phải là đồng vị phóng xạ và có thể sử dụng cho mọi đối tượng.
Hiện nay, tại các bệnh viện thuộc hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các máy hiện đại nhất được trang bị 2 túi khí và sử dụng đồng vị carbon 13C để thực hiện test hơi thở chẩn đoán vi khuẩn HP. Phương pháp này có độ chính xác cao hơn 95% và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
2.3 Xét nghiệm kháng nguyên trong phân
Phương pháp này dùng để kiểm tra sự hiện diện của các chất kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại vi khuẩn HP. Kết quả của xét nghiệm này nhằm giúp xác định chẩn đoán liệu người kiểm tra có HP dạ dày dương tính hay không hoặc đánh giá hiệu quả của việc điều trị đối với một bệnh nhân.
2.4 Thực hiện sinh thiết dạ dày
Phương pháp sinh thiết dạ dày được thực hiện bằng cách sử dụng nội soi, các mẫu mô nhỏ được thu thập từ niêm mạc dạ dày và ruột non. Sau đó, các mẫu sinh thiết này sẽ được kiểm tra bằng nhiều xét nghiệm khác nhau để thử xem có vi khuẩn HP hay không.
2.5 Các phương pháp chẩn đoán khác
Tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể đề xuất thực hiện các phương pháp chẩn đoán khác như chụp X-quang dạ dày thực quản, chụp cắt lớp CT…
Đôi khi, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm xét nghiệm sinh thiết để xác định nguy cơ ung thư dạ dày. Quá trình này bao gồm lấy một mẫu mô nhỏ từ dạ dày để tìm kiếm các dấu hiệu của tiền ung thư hoặc ung thư dạ dày.
3. Khi nào cần tiến hành xét nghiệm HP?
Mọi người cần làm các xét nghiệm khi có triệu chứng đau dạ dày hoặc loét. Một số dấu hiệu bao gồm:
- Đau bụng tái đi tái lại.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Ợ hơi.
- Cảm giác no và đầy hơi.
- Buồn nôn.
Ngoài những biểu hiện đã đề cập, một số trường hợp có thể xuất hiện những dấu hiệu nghiêm trọng hơn như đau dạ dày dữ dội, phân đen hoặc có máu trong phân và nôn máu.
4. Cần phải làm gì khi HP dạ dày dương tính
Khi phát hiện vi khuẩn HP trong xét nghiệm, người bệnh không cần quá lo lắng vì không phải mọi trường hợp nhiễm vi khuẩn HP đều gặp các vấn đề sức khỏe.
Thống kê cho thấy rằng chỉ có khoảng 20% số người nhiễm vi khuẩn HP mắc các bệnh về dạ dày, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, độc tố của vi khuẩn, độ tuổi, chế độ ăn uống, lối sống và quá trình sử dụng thuốc.
Dưới đây là những trường hợp người bệnh cần loại bỏ vi khuẩn HP để ngăn ngừa bệnh và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm:
- Người có các bệnh lý dạ dày như viêm loét dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày hoặc đã từng phẫu thuật ung thư dạ dày một phần.
- Người có người thân trực hệ mắc bệnh ung thư dạ dày.
- Người bị thiếu máu và đã loại trừ các nguyên nhân khác.
- Người bị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
- Những bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid và thuốc chống kết tập tiểu cầu.
- Những người sống trong khu vực có tỷ lệ cao mắc bệnh ung thư dạ dày.
- Những người có mức độ lo lắng cao về vi khuẩn HP cũng cần tiêu diệt vi khuẩn.
Với các trường hợp trên, người bệnh cần tuân thủ phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP bằng các loại thuốc kháng sinh và thuốc ức chế tiết axit dạ dày. Tuy nhiên, hiện nay phác đồ kháng sinh ngày càng ít hiệu quả do tình trạng gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc, cùng với nguy cơ tái nhiễm và lây lan vi khuẩn HP kháng thuốc.
Tình trạng gia tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn có nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị và bỏ dở giữa chừng. Điều này dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc nhân lên nhanh chóng và lây lan cho người khác. Do đó, khi điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ bác sĩ đưa ra.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra quyết định liệu có cần điều trị hay không và nếu cần thì phác đồ điều trị sẽ như thế nào. Do đó, khi kết quả xét nghiệm cho thấy HP dạ dày dương tính, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.