Thuốc Satavit được sử dụng chủ yếu để dự phòng và điều trị tình trạng thiếu sắt hoặc thiếu hụt axit folic, nhất là phụ nữ mang thai hoặc bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật. Trước và trong suốt quá trình dùng thuốc Savatit, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn về liều lượng và thời gian uống thuốc mà bác sĩ khuyến cáo.
1. Satavit là thuốc gì?
Thuốc Satavit thuộc nhóm khoáng chất và vitamin. Bác sĩ thường khuyên dùng thuốc Satavit cho các trường hợp bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc axit folic. Ngoài ra, thuốc Satavit cũng phù hợp cho những đối tượng bị hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao, suy dinh dưỡng hoặc cần hồi phục sức khỏe,...
Thuốc Satavit được bào chế dưới dạng viên nang cứng, đóng gói theo quy cách hộp 3 vỉ x 10 viên, 5 vỉ x 10 viên hoặc hộp 10 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén Satavit có chứa các thành phần chính sau:
- Sắt fumarat hàm lượng 162mg.
- Axit folic hàm lượng 750mcg.
- Các tá dược với hàm lượng vừa đủ trong một viên.
Trong cơ thể con người, sắt có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình tạo hemoglobin, enzym hô hấp cytochrome C và myoglobin. Sắt thường được hấp thu ở tá tràng và phần đầu gần hỗng tràng. Nhu cầu sắt đối với cơ thể con người là rất lớn, bởi loại khoáng chất này giúp thai nhi, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên phát triển khoẻ mạnh.
Trong khi đó, axit folic tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá của cơ thể, bao gồm cả sự tổng hợp nucleoprotein và sản xuất hồng cầu bình thường. Nếu thiếu hụt axit folic, cơ thể sẽ có nguy cơ mắc phải tình trạng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.
2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Satavit
2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Satavit
Thuốc Satavit thường được bác sĩ kê đơn để dự phòng và điều trị thiếu sắt và axit folic cho các trường hợp cụ thể sau:
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc nuôi trẻ bằng sữa mẹ có nguy cơ/ đang bị thiếu sắt và axit folic do thức ăn không cung cấp đủ nguồn khoáng chất này.
- Những đối tượng bệnh nhân có cơ thể kém hấp thu sắt, chẳng hạn như vừa trải qua phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, viêm ruột mãn tính, viêm teo niêm mạc dạ dày hoặc đang trong thời gian dưỡng bệnh.
- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, bị rong kinh có triệu chứng da xanh mệt mỏi.
- Bệnh nhân đang bị nhiễm ký sinh trùng hoặc trải qua cơn sốt rét.
- Trẻ em hoặc phụ nữ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt.
- Tất cả các trường hợp bị thiếu máu do chế độ ăn uống không cung cấp đủ hoặc cơ thể bị mất yếu tố tạo máu và chất sắt
2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Satavit
Không sử dụng thuốc Satavit khi chưa có chỉ định của bác sĩ cho các trường hợp bệnh nhân dưới đây:
- Người có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với sắt fumarat, axit folic và các dược chất khác có trong thuốc.
- Người bị thừa sắt, mắc chứng thiếu máu tan máu, bệnh mô nhiễm sắt hoặc nhiễm Hemosiderin.
- Chống chỉ định cho bệnh nhân bị thiếu máu tán huyết hoặc có túi cùng đường tiêu hoá.
- Không dùng riêng biệt axit folic hoặc chế phẩm chứa axit folic kết hợp với vitamin B12 để điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ chưa được chẩn đoán chính xác.
- Không dùng Satavit cho những bệnh nhân đang sử dụng các chế phẩm có chứa sắt khác.
- Người bị thiếu máu do suy tuỷ, có u ác tính hoặc nghi ngờ sự hiện diện của ung thư.
Người bị viêm loét dạ dày, bệnh đa hồng cầu, viêm loét tá tràng hoặc viêm ruột từng vùng. - Không kê đơn thuốc Satavit cho trẻ em chưa đủ 12 tuổi và người cao niên.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Satavit
3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Satavit
Liều dùng thuốc Satavit thường được bác sĩ khuyến cáo cụ thể cho từng đối tượng bệnh nhân như sau:
- Người lớn: Ngày uống từ 2 – 3 viên Satavit.
- Trẻ em trên 12 tuổi: Ngày uống từ 1 – 2 viên, dùng trước bữa ăn và không vượt quá 6 viên / ngày.
- Phụ nữ mang thai: Ngày uống 1 viên và duy trì liều dùng trong suốt thời kỳ mang thai.
- Liều cho người bị thiếu máu do thiếu sắt: Có thể điều chỉnh liều phù hợp qua đánh giá của bác sĩ về tình trạng thiếu máu và khả năng khôi phục lại nguồn dự trữ chất sắt của bệnh nhân. Nên dùng Satavit từ 2 – 4 tháng để đạt được hiệu quả điều trị cao.
3.2 Cách sử dụng thuốc Satavit
Thuốc Satavit được bào chế dưới dạng viên nang cứng, do đó bệnh nhân cần dùng thuốc bằng đường uống. Tương tự như các thuốc khác, Satavit nên uống cùng với nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội, tránh dùng chung với nước có gas, nước ngọt hoặc đồ uống chứa cồn.
Trước khi uống Satavit, bệnh nhân cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng được in trên bao bì hoặc tuân theo các chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, điều chỉnh hoặc thay đổi liều khi chưa được bác sĩ chấp thuận.
3.3 Cách xử trí quá liều thuốc Satavit
Khi uống quá liều thuốc Satavit, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Đau bụng, buồn nôn / nôn mửa.
- Mất nước.
- Tiêu chảy lẫn máu.
- Sốc.
- Nhiễm axit.
- Ngủ gà.
Đôi khi, các triệu chứng trên có thể xuất hiện trong thời gian ngắn và tưởng như bước sang giai đoạn bình phục, tuy nhiên khoảng 6 – 24 giờ sau đó, những phản ứng quá liều này có thể quay trở lại, kèm theo bệnh đông máu và nguy cơ trụy tim mạch. Khi đó, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như giảm Glucose huyết, sốt cao, suy thận hoặc nhiễm độc gan.
Để đối phó với các triệu chứng quá liều Satavit, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân tiến hành rửa dạ dày ngay lập tức với sữa hoặc dung dịch cacbonat. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng sẽ thực hiện định lượng sắt – huyết thanh cho bệnh nhân.
Sau khi áp dụng kỹ thuật cấp cứu rửa dạ dày, khoảng 5 – 10g dung dịch deferoxamin sẽ được bơm hoà tan trong 50 – 100ml nước vào dạ dày bệnh nhân thông qua ống thông. Trong trường hợp cần nâng cao huyết áp có thể cho bệnh nhân sử dụng Dopamin. Nếu có dấu hiệu suy thận, phương pháp thẩm phân phúc mạc sẽ được áp dụng, đồng thời bác sĩ cũng tiến hành điều chỉnh axit base, điện giải và bù nước cho bệnh nhân.
4. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Satavit
Thuốc Satavit đôi khi có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, chẳng hạn như:
- Triệu chứng rối loạn tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Phân đen do thuốc.
- Các triệu chứng hiếm gặp như nổi mày đay, phát ban hoặc ngứa da do phản ứng quá mẫn thuốc.
Nếu gặp phải một trong số các triệu chứng trên, bệnh nhân cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để có biện pháp xử trí đúng đắn.
5. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Satavit
5.1 Cần thận trọng gì khi sử dụng thuốc Satavit?
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Satavit, bệnh nhân cần lưu ý những điều dưới đây:
- Thận trọng khi dùng thuốc đối với các đối tượng như người cao tuổi, trẻ em dưới 12 tuổi, người bị suy gan / thận, người bị nhược cơ, có cơ địa dễ bị dị ứng, viêm loét dạ dày hoặc hôn mê gan.
- Nên bổ sung axit folic cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là người đang điều trị sốt rét hoặc động kinh có nguy cơ cao bị thiếu hụt axit folic.
- Axit folic được bài tiết nhiều vào sữa mẹ. Có thể sử dụng sắt fumarat và axit folic cho phụ nữ đang nuôi con bú.
5.2 Thuốc Satavit tương tác với thuốc nào khác
Thuốc Satavit có thể tương tác khi dùng chung với các thuốc sau:
- Thuốc Sulphasalazine
- Thuốc tránh thai đường uống.
- Thuốc chống co giật.
- Thuốc Cotrimoxazol.
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ tương tác giữa các loại thuốc, trước khi sử dụng Satavit, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ danh sách các dược phẩm hiện đang dùng để được điều chỉnh phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.