Xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4 dùng để đo hàm lượng tế bào lympho T trong máu nhằm đánh giá hoạt động của hệ miễn dịch ở người bị nhiễm HIV, mức độ đáp ứng với thuốc điều trị HIV, chẩn đoán AIDS và đánh giá hiện tượng thải ghép sau cấy ghép nội tạng.
1. Xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4 là gì?
Xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4 dùng để đo số lượng tế bào CD4 trong máu. Tế bào CD4, còn được gọi là tế bào lympho T, là tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng và đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Xét nghiệm CD4 được sử dụng để kiểm tra chức năng hệ miễn dịch của người bị nhiễm HIV.
HIV tấn công và phá hủy các tế bào bạch huyết CD4. Nếu có quá nhiều tế bào CD4 bị mất đi, hệ miễn dịch sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng. Số lượng tế bào bạch huyết CD4 có thể giúp bác sĩ xác định nguy cơ mắc các biến chứng của HIV và hiệu quả của các loại thuốc điều trị HIV đang sử dụng.
2. Xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4 để làm gì?
Xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4 có thể được sử dụng để:
- Xác định mức độ ảnh hưởng của HIV đến hệ miễn dịch, từ đó đánh giá nguy cơ xảy ra biến chứng của HIV
- Đánh giá hiệu quả các loại thuốc điều trị HIV đang sử dụng để đưa ra điều chỉnh phù hợp
- Chẩn đoán bệnh AIDS: AIDS là dạng nhiễm HIV nặng nhất, được chẩn đoán khi số lượng CD4 trong cơ thể cực thấp gây tổn hại nặng nề đến hệ miễn dịch và có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Hầu hết những người nhiễm HIV không bị AIDS.
- Đánh giá hiện tượng thải ghép sau cấy ghép nội tạng: Người cấy ghép tạng được chỉ định các loại thuốc đặc biệt để đảm bảo hệ miễn dịch không tấn công cơ quan mới. Đối với những người này, chỉ số CD4 thấp là tốt và có nghĩa là thuốc đang phát huy tác dụng.
3. Tại sao cần làm xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4?
Xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4 có thể được chỉ định khi được chẩn đoán nhiễm HIV lần đầu tiên và kiểm tra lại sau mỗi tháng để xác định khả năng miễn dịch định kỳ. Nếu bạn đang được điều trị HIV, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm CD4 thường xuyên để đánh giá tác dụng của thuốc.
Ngoài xét nghiệm CD4, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác gồm:
- Tỷ lệ CD4-CD8: Tế bào CD8 là một loại tế bào bạch cầu khác trong hệ thống miễn dịch có vai trò tiêu diệt tế bào ung thư và các tế bào có hại khác. Xét nghiệm này được sử dụng để so sánh số lượng của hai tế bào để đánh giá chi tiết hơn về khả năng của hệ miễn dịch.
- Tải lượng vi rút HIV: Là xét nghiệm đo nồng độ HIV trong máu.
4. Xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4 được thực hiện như thế nào?
Điều dưỡng viên sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay bằng kim tiêm nhỏ. Máu sau khi được lấy đủ số lượng sẽ được cho vào ống nghiệm rồi chuyển tới phòng xét nghiệm phân tích. Kim tiêm đâm vào có thể tạo cho bạn cảm giác đau châm chích. Việc lấy máu thường mất ít hơn 05 phút.
5. Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4?
Bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi làm xét nghiệm CD4.
6. Rủi ro khi làm xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4 là gì?
Xét nghiệm CD4 cũng như các xét nghiệm máu khác, thường có rất ít rủi ro. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại vị trí lấy máu, nhưng hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng.
7. Ý nghĩa của xét nghiệm tế bào bạch huyết CD4?
Các chỉ số của xét nghiệm CD4 được mô tả như sau:
- Bình thường: 500 – 1.200 tế bào/mm3
- Bất thường: 250–500 tế bào/mm3, có nghĩa là bạn bị suy giảm hệ thống miễn dịch và có thể đang bị nhiễm HIV.
- Bất thường: 200 tế bào/mm3, chỉ ra bệnh AIDS và nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội đe dọa tính mạng.
Mặc dù không có cách chữa khỏi HIV, nhưng có những loại thuốc khác nhau để bảo vệ hệ miễn dịch và có thể ngăn ngừa bệnh AIDS. Ngày nay, có rất nhiều người nhiễm HIV đang sống lâu, với chất lượng cuộc sống tốt hơn bao giờ hết. Nếu bạn đang sống chung với HIV, điều quan trọng là phải thường xuyên đến gặp bác sĩ để kiểm tra định kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Medlineplus.gov