Pomalyst là một chất tương tự thalidomide, được chỉ định, kết hợp với dexamethasone để điều trị cho những bệnh nhân đa u tủy đã nhận được ít nhất hai liệu pháp điều trị trước đó, bao gồm lenalidomide và một chất ức chế proteasome.
1. Pomalyst là thuốc gì?
Thuốc Pomalyst có thành phần chính là Pomalidomide, được sử dụng để điều trị một số loại ung thư (chẳng hạn như đa u tủy, sarcoma Kaposi) trong các trường hợp:
- Kết hợp với dexamethasone cho bệnh nhân đa u tủy đã nhận được ít nhất hai liệu pháp điều trị trước đó, bao gồm lenalidomide, chất ức chế proteasome và đã chứng minh sự tiến triển của bệnh trong vòng 60 ngày sau khi hoàn thành điều trị.
- Người mắc sarcoma Kaposi liên quan đến AIDS sau khi thất bại điều trị kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART) hoặc ở những bệnh nhân bị sarcoma Kaposi âm tính với HIV.
2. Chống chỉ định của thuốc Pomalyst
Thuốc Pomalyst chống chỉ định trong các trường hợp:
- Thời kỳ mang thai: Pomalyst có thể gây hại cho thai nhi và được chống chỉ định đối với phụ nữ đang mang thai. Nếu đang mang thai trong khi dùng thuốc này, bệnh nhân nên được cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi.
- Quá mẫn: Pomalyst được chống chỉ định ở những bệnh nhân đã gặp tình trạng quá mẫn nặng (ví dụ như phù mạch hay sốc phản vệ) với pomalidomide hoặc bất kỳ tá dược nào.
3. Cách sử dụng thuốc Pomalyst
Pomalyst chỉ được sử dụng theo hướng dẫn của Pomalyst REMS (Chiến lược giảm thiểu và đánh giá rủi ro của thuốc Pomalyst) để tránh thai nhi có thể tiếp xúc với thuốc.
Dùng thuốc này bằng đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường một lần mỗi ngày trong 21 ngày, sau đó ngừng thuốc 7 ngày. Đây là một chu kỳ điều trị. Nuốt toàn bộ viên nang với nước. Không mở, làm vỡ, nghiền nát hoặc nhai viên nang hay xử lý chúng nhiều hơn mức cần thiết.
4. Tác dụng phụ của thuốc Pomalyst
Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Pomalyst như: Số lượng tế bào máu thấp, mệt mỏi bất thường hoặc suy nhược cơ thể, buồn nôn, đau lưng, tăng nguy cơ đông máu, bệnh thần kinh, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, táo bón, tiêu chảy, sốt, chóng mặt, lú lẫn, khó thở .
Pomalidomide có thể làm giảm chức năng của tủy xương, dẫn đến giảm số lượng tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Điều này có thể gây ra tình trạng thiếu máu, giảm khả năng chống lại tác nhân nhiễm trùng của cơ thể hoặc dễ gây bầm tím, chảy máu. Nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ triệu chứng như mệt mỏi bất thường, da xanh xao, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, có dấu hiệu nhiễm trùng.
Pomalidomide có thể gây ra tác dụng không mong muốn do sự phá hủy nhanh chóng của các tế bào ung thư (hội chứng ly giải khối u). Để giảm nguy cơ này, bác sĩ có thể kê thêm một loại thuốc và yêu cầu bạn uống nhiều nước.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Pomalyst
- Trước khi dùng Pomalyst, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với nó hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác. Ngoài ra, thông báo với bác sĩ nếu bạn có tiền sử bệnh thận, gan, tim, cục máu đông, đột quỵ.
- Pomalidomide có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng hoặc tử vong ở thai nhi nếu dùng trong thời kỳ mang thai. Do đó, phụ nữ phải sử dụng 2 hình thức ngừa thai đáng tin cậy hoặc tránh quan hệ tình dục trong 4 tuần trước và sau khi điều trị. Nếu bạn có thai hoặc nghĩ rằng có thể mang thai, hãy ngừng dùng pomalidomide và báo cho bác sĩ ngay lập tức. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị trễ kinh hoặc chảy máu âm đạo bất thường.
- Nhiều loại thuốc được bài tiết qua sữa mẹ và xảy ra phản ứng phụ ở trẻ. Do đó, phụ nữ không nên cho con bú trong thời gian điều trị bằng Pomalyst.
- Nam giới đang dùng pomalidomide phải sử dụng bao cao su trong bất kỳ lần quan hệ tình dục nào với bạn nữ, ngay cả khi đã thắt ống dẫn tinh. Nếu bạn đời có thai hoặc nghĩ rằng cô ấy có thể mang thai, hãy nói với bác sĩ ngay lập tức. Nam giới cũng không nên thực hiện hiến tinh trùng trong thời gian điều trị và ít nhất 4 tuần sau khi ngừng điều trị, vì pomalidomide có thể đi vào tinh dịch.
- Mặc dù không chắc chắn nhưng pomalidomide có thể hình thành cục máu đông rất nghiêm trọng (như đau tim, đột quỵ, cục máu đông ở chân và phổi). Nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn xuất hiện các triệu chứng của cục máu đông như đau ngực, hàm, cánh tay trái; đổ mồ hôi bất thường; suy nhược một bên cơ thể; thay đổi thị lực; khó nói và thở; đau, sưng, đỏ đột ngột ở bẹn và bắp chân. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa cục máu đông.
- Không hiến máu trong và ít nhất 1 tháng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc Pomalyst.
- Nếu quên uống một liều và chưa qua 12 giờ kể từ thời gian dùng liều thông thường, bạn hãy uống ngay khi nhớ ra. Nếu đã hơn 12 giờ kể từ thời điểm dùng liều thông thường, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng thuốc theo lịch bình thường.
6. Tương tác thuốc
- Thông báo cho bác sĩ điều trị biết về tất cả các loại thuốc bạn dùng, bao gồm kê đơn và không kê đơn, vitamin, thảo dược bổ sung. Pomalyst và các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng lẫn nhau, gây phản ứng phụ nghiêm trọng. Thảo luận với nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào.
- Cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn đang dùng các thuốc có thể gây chóng mặt như kháng histamine (diphenhydramine), thuốc ngủ hoặc lo lắng (alprazolam), thuốc giãn cơ và giảm đau opioid (codeine).
- Kiểm tra kỹ thành phần của tất cả các loại thuốc của bạn (chẳng hạn như thuốc dị ứng hoặc ho, cảm lạnh) vì chúng có thể chứa các thành phần gây chóng mặt.
Tóm lại, thuốc Pomalyst là một chất tương tự thalidomide, được chỉ định, kết hợp với dexamethasone để điều trị cho những bệnh nhân đa u tủy đã nhận được ít nhất hai liệu pháp điều trị trước đó. Để sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, người bệnh nên dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, pomalystrems.com