Xét nghiệm sinh thiết có những loại nào?

Xét nghiệm sinh thiết là xét nghiệm y khoa ngày càng phổ biến, đặc biệt đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán các bệnh lý ung thư. Xét nghiệm sinh thiết có nhiều loại như: sinh thiết bấm, sinh thiết kim, sinh thiết cắt bỏ,... phù hợp với từng điều kiện bệnh lý khác nhau.

1. Xét nghiệm sinh thiết là thủ thuật gì?

Xét nghiệm sinh thiết là thủ thuật y khoa, thực hiện lấy mẫu tế bào hoặc các mô ở một bộ phận nào đó trên cơ thể, để phân tích dưới kính hiển vi. Xét nghiệm sinh thiết giúp đánh giá chính xác sự hiện diện của tế bào ác tính, nên đặc biệt sử dụng nhiều trong chẩn đoán, xác định giai đoạn ung thư.

Kết quả xét nghiệm sinh thiết cũng mang ý nghĩa chẩn đoán chính xác nhất, so với các xét nghiệm chẩn đoán khác như: nội soi, siêu âm, xét nghiệm máu, chụp X-quang,...

Xét nghiệm sinh thiết hiện nay có thể thực hiện phân tích lấy mẫu mô, tế bào từ bất cứ bộ phận nào của cơ thể như: da, nội tạng, u mô ở vị trí khó.

2. Xét nghiệm sinh thiết có những loại nào?

Có nhiều loại xét nghiệm sinh thiết hiện được ứng dụng trong chẩn đoán bệnh, gồm:

2.1. Sinh thiết bấm

Ở thủ thuật này, bác sĩ sử dụng dụng cụ bấm đặc biệt, bấm một lỗ nhỏ trên lớp trên cùng của da. Từ đó lấy đi mẫu da để sinh thiết. Thủ thuật này không gây đau, bác sĩ có thể tiêm thuốc hoặc bôi kem tê tại chỗ. Sinh thiết bấm thường dùng để chẩn đoán các bệnh về da.


Sinh thiết bấm không gây đau đớn cho bệnh nhân
Sinh thiết bấm không gây đau đớn cho bệnh nhân

2.2. Sinh thiết kim

Ở thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một ống kim dài, đâm xuyên qua da để lấy mẫu mô ở các bộ phận nằm sâu như: tùy xương, thận, gan, tuyến giáp, khối u bất thường,... Phương pháp thực hiện với sự hỗ trợ của siêu âm nếu cần thiết, có sử dụng thuốc mê tại chỗ để giảm đau đớn. Sinh thiết kim phổ biến để lấy mẫu tế bào từ cơ quan hoặc u dưới da.

2.3. Sinh thiết cắt bỏ

Phương pháp sinh thiết này đặc biệt ứng dụng nhiều để lấy mẫu mô từ khối u, tìm tế bào bất thường. Tùy vào vị trí khối u mà bác sĩ có thể gây tê tại chỗ hoặc gây tê toàn thân.

2.4. Sinh thiết nội soi

Ở phương pháp này, bác sĩ sử dụng ống nội soi để quan sát các bộ phận bên trong cơ thể, từ đó tìm đến khu vực bất thường và sinh thiết lấy mẫu trong khi thực hiện thủ thuật. Sinh thiết nội soi thường dùng lấy mẫu niêm mạc dạ dày, tá tràng,...

2.5. Sinh thiết trong quá trình phẫu thuật

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ lấy ra mẫu mô nhỏ để sinh thiết kiểm tra nhanh, hỗ trợ hướng dẫn phẫu thuật hoặc điều trị.

3. Xét nghiệm sinh thiết giúp chẩn đoán bệnh thế nào?

Xét nghiệm sinh thiết giúp kiểm tra những bất thường của tế bào hoặc mô, bao gồm:

  • Chức năng: cơ quan như gan, thận,...
  • Cấu trúc: biến dạng, sưng, viêm,...

Sinh thiết cũng được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm hay phân độ ung thư. Với hiệu quả đánh giá tế bào, sinh thiết giúp chẩn đoán các bệnh y khoa:

  • Ung thư

Kết quả chụp X-quang, siêu âm thường chỉ giúp phát hiện các khối u bất thường, không thể đánh giá khối u lành tính hay ác tính. Xét nghiệm sinh thiết sẽ được tiến hành để cho kết quả đánh giá chính xác.


Xét nghiệm sinh thiết giúp chẩn đoán chính xác các khối u
Xét nghiệm sinh thiết giúp chẩn đoán chính xác các khối u

  • Xác định nhiễm trùng

Kết quả sinh thiết cũng giúp đánh giá nhiễm trùng, mức độ nhiễm trùng và loại vi khuẩn gây bệnh.

  • Đánh giá viêm

Xét nghiệm sinh thiết dùng để đánh giá tình trạng viêm, tìm ra nguyên nhân gây viêm tại vị trí, cơ quan cụ thể trong cơ thể.

  • Đánh giá tình trạng gan

Ngoài ung thư, xét nghiệm sinh thiết giúp chẩn đoán dễ dàng tình trạng xơ gan, gan bị sẹo, ung thư trong gan,... Thủ thuật có thể được dùng để đánh giá hiệu quả điều trị.

  • Chẩn đoán tổn thương dạ dày

Xét nghiệm sinh thiết nội soi thường được tiến kiến, vừa giúp kiểm tra tình trạng viêm loét dạ dày, thiếu máu, kém hấp thụ, bệnh celiac và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

4. Quy trình thực hiện xét nghiệm sinh thiết

Quá trình xét nghiệm sinh thiết diễn ra như sau:

4.1. Chuẩn bị

Bệnh nhân được xét nghiệm máu, đánh giá khả năng dị ứng với một số chất liên quan, chẩn đoán bệnh bằng các phương pháp siêu âm, chụp CT,... Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân cần kiêng 1 số loại thuốc, thực phẩm chức năng trước vài ngày, thực phẩm và nước uống trước vài tiếng. Tùy theo bộ phận, cơ quan sinh thiết, bác sĩ sẽ có dặn dò cụ thể.

4.2. Thực hiện xét nghiệm

Đối với xét nghiệm sinh thiết kim hoặc bấm, bệnh nhân được gây tê tại chỗ. Với sinh thiết nội soi, cắt bỏ hoặc phẫu thuật thì bác sĩ sẽ gây tê cục bộ hoặc toàn thân. Sau khi gây tê, thủ thuật được tiến hành, quá trình có thể nhanh chóng hoặc dài trong nhiều giờ.


Có thể xét nghiệm sinh thiết bấm hoặc kim
Có thể xét nghiệm sinh thiết bấm hoặc kim

4.3. Hoàn tất thủ thuật

Thủ thuật hoàn thành, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi sức khỏe tại chỗ. Một số xét nghiệm hoặc siêu âm, X-quang,... có thể được yêu cầu để kiểm tra có sự chảy máu kín hay bất thường khác hay không.

4.4. Phân tích mẫu tế bào/mô

Mẫu sinh thiết được lấy sẽ gửi tới phòng thí nghiệm giải phẫu bệnh học để phân tích. Mẫu mô được lát mỏng, gắn trên tấm lamen, sau đó nhuộm màu để có thể thấy rõ tế bào riêng lẻ qua kính hiển vi. Kỹ thuật viên quan sát, tìm kiếm các tế bào có cấu trúc bất thường.

Mẫu càng phức tạp thì quá trình phân tích càng kéo dài. Kết quả sẽ được các y bác sĩ cùng thảo luận và đưa ra kết luận cuối cùng.

Như vậy, xét nghiệm sinh thiết có nhiều loại, phù hợp đánh giá từng loại bệnh lý, vị trí khối u khác nhau. Kết quả xét nghiệm sinh thiết giữ vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh, lựa chọn phương pháp điều trị và đánh giá hiệu quả điều trị.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe