Xét nghiệm protein toàn phần trong máu, nước tiểu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bình thường trong máu có một lượng protein nhất định, còn trong nước tiểu không có protein. Sự thay đổi lượng protein toàn phần trong máu và sự xuất hiện protein trong nước tiểu chứng tỏ có bất thường của cơ thể.

1. Xét nghiệm protein toàn phần trong máu

Xét nghiệm protein toàn phần trong máu để đo lượng albumin và globulin có trong phần huyết thanh của máu.

  • Albumin chiếm một nửa tổng số protein trong máu có chức năng: Duy trì áp lực thẩm thấu keo trong máu, giữ cho nước không rò rỉ ra ngoài mạch máu; Cung cấp acid amin cho quá trình tổng hợp protein ở ngoại vi; Đảm nhiệm vai trò liên kết, vận chuyển một số chất sinh ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể như acid béo, bilirubin, hormone steroid và các hoạt chất khác,... đi khắp cơ thể.
  • Globulin đảm bảo các chức năng sống sau đây của cơ thể như: Tham gia duy trì cân bằng toan - kiềm. Tham gia vào đáp ứng viêm của cơ thể. Đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế phòng vệ miễn dịch và sản xuất các kháng thể. Tham gia và điều hoà quá trình đông máu và tiêu fibrin.

Nồng độ protein toàn phần phản ánh tình trạng dinh dưỡng và sử dụng để sàng lọc, chẩn đoán một số bệnh lý về gan, thận và một số bệnh khác. Bất thường xét nghiệm protein toàn phần xuất hiện sớm trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Từ đó đề nghị làm thêm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân tăng hoặc giảm protein toàn phần trong máu.


Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu

Chỉ định xét nghiệm protein toàn phần trong máu trong các trường hợp: Kiểm tra sức khỏe định kỳ, bệnh lý đường tiêu hóa, gan, thận giúp chẩn đoán nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến mức độ protein. Ngoài ra có thể chỉ định trong các trường hợp: Phù hoặc sưng do dịch mô dư thừa, suy dinh dưỡng, rối loạn tiểu tiện, sụt cân không kiểm soát, mệt mỏi, ăn kém...

Tăng protein toàn phần trong máu thường gặp trong: mất nước, viêm nhiễm mãn tính, nhiễm virus như virus viêm gan B, C hoặc HIV, gặp trong nhiều ung thư như đa u tủy, sarcoidosis và Waldenstrom macroglobulinemia, bệnh thận hoặc gan nặng.

Giảm protein toàn phần trong máu thường gặp do thiếu protein trong bữa ăn như những người theo chế độ ăn chay. Giảm protein máu cũng gặp trong những bệnh gây giảm hấp thu protein từ bữa ăn như bệnh Celiac, Crohn, nhiễm kí sinh trùng, tổn thương tụy, tổn thương ruột, phẫu thuật cắt đoạn ruột giúp giảm cân. Tổn thương gan và thận cũng gây giảm protein máu

2. Xét nghiệm định lượng protein trong nước tiểu

Bình thường trong nước tiểu không có hoặc có rất ít protein do cơ chế tái hấp thu protein ở thận. Tuy nhiên, nếu thận có các tình trạng bệnh lý có thể khiến một lượng lớn protein bị thải ra đường nước tiểu. Thông thường, cơ thể của một người sẽ thải loại ít hơn 150 mg protein toàn phần và dưới 20 mg albumin qua nước tiểu mỗi 24 giờ.

Mang thai có thể cần xét nghiệm nước tiểu để đánh giá tình trạng protein niệu. Nếu lượng protein trong nước tiểu vượt quá 300 mg/ngày có thể là dấu hiệu của tiền sản giật - một biến chứng của thai kỳ.

Chỉ định xét nghiệm định lượng protein trong nước tiểu khi: Chức năng thận kém, bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, mắc các bệnh lý về tim mạch như: Bệnh mạch vành, suy tim... các bệnh lý hệ thống như lupus ban đỏ, đái máu, phụ nữ có thai

Protein niệu xuất hiện thường xuyên là biểu hiện các bệnh lý về thận tiết niệu hoặc do có bất thường về protein huyết tương.

Do bất thường về protein huyết tương: Xuất hiện lượng lớn protein trong lượng phân tử thấp, chúng được lọc qua các cầu thận, khi lượng protein này được lọc quá mức tái hấp thu ở các ống thận thì sẽ bị đào thải ra ngoài và xuất hiện nhiều trong nước tiểu. Gặp trong bệnh đa u tủy xương, bệnh tan huyết (tiểu ra hemoglobin) hay do hủy cơ vân (tiểu ra myoglobin).


Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu

Bệnh thận tiết niệu phân chia mức độ protein niệu để có hướng chẩn đoán bệnh:

  • Khi lượng protein niệu thấp: Gặp trong các bệnh như viêm thận bể thận, viêm thận kẽ, thận đa nang, xơ mạch thận, tăng huyết áp.
  • Khi lượng protein niệu trung bình: Gặp trong các bệnh lý cầu thận viêm cầu thận cấp và mạn hay bệnh thận đái tháo đường, thường kèm theo các triệu chứng phù mềm, tiểu ít hay vô niệu, tăng huyết áp, tiểu máu...
  • Khi protein niệu cao: Biểu hiện bệnh hội chứng thận hư, thường bao gồm các triệu chứng như giảm protein máu(<60g/l), tăng cholesterol và triglycerid, bệnh nhân phù nhiều, to và phù rất nhanh (do hạ protein máu làm giảm áp lực keo huyết tương, lượng dịch đẩy ra mô kẽ dẫn tới phù nhiều và nhanh).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe