Xét nghiệm máu, nước tiểu, tóc, nước bọt có thể phát hiện các chất gây nghiện nào?

Người ta thường sử dụng các phương thức xét nghiệm như: xét nghiệm máu, nước tiểu, tóc... để phát hiện tất cả các loại chất gây nghiện cũng như thành phần gây nghiện tồn tại trong cơ thể người trong một khoảng thời gian nhất định.

1. Chất gây nghiện là gì?

Chất gây nghiện nói chung là bất kỳ chất nào khi hấp thụ vào cơ thể của một sinh vật sống có thể làm thay đổi chức năng bình thường của cơ thể theo hướng tạo ra sự phụ thuộc của cơ thể đối với chất đó hoặc cảm giác thèm thuồng, ghiền, nghiện ở các mức độ khác nhau.

Chất gây nghiện nói chung thường chỉ chất gây nghiện tiêu khiển, những chất hóa học có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như opioid hoặc chất gây ảo giác. Chúng có thể được sử dụng để tạo cảm nhận về tác động có lợi lên nhận thức, ý thức, nhân cách, và hành vi. Một số loại thuốc có thể gây nghiện hay quen thuốc.

Chất gây nghiện tiêu khiển được sử dụng như một loại chất kích thích tinh thần nhằm đem lại sự vui thích, để thử một trải nghiệm hoặc để củng cố trải nghiệm được xem là tích cực trước đó. Luật pháp nhiều quốc gia ngăn cấm việc sử dụng nhiều chất gây nghiện tiêu khiển khác nhau, trong khi đó, các loại thuốc y tế có khả năng sử dụng để giải trí đang được điều chỉnh chặt chẽ về phạm vi sử dụng.

2. Xét nghiệm máu phát hiện chất gây nghiện nào?


Xét nghiệm máu có thể phát hiện được tất cả các chất gây nghiện khi được người dùng mới sử dụng gần đây, trong thời gian giới hạn quy định
Xét nghiệm máu có thể phát hiện được tất cả các chất gây nghiện khi được người dùng mới sử dụng gần đây, trong thời gian giới hạn quy định

Xét nghiệm máu giúp cho bác sĩ tiện theo dõi, đánh giá tình hình sức khoẻ và đồng thời còn phát hiện được nhiều bệnh lý hoặc rối loạn có liên quan đến các thông số xét nghiệm máu.

2.1 Vì sao xét nghiệm máu phát hiện chất gây nghiện?

Thực tế ma tuý hay bất kỳ chất gây nghiện chất kích thích nào khi đi vào cơ thể cũng tạo thành một trong các thành phần trong máu. Vì vậy xét nghiệm chất gây nghiện qua máu thuộc nhóm xét nghiệm để phát hiện các bệnh về máu và thành phần trong máu. Với mỗi chất gây nghiện khác nhau, thời gian tồn tại khác nhau sẽ cho kết quả xét nghiệm máu với tỷ lệ chính xác khác nhau.

2.2 Xét nghiệm máu phát hiện chất gây nghiện gì?

Xét nghiệm máu có thể phát hiện được tất cả các chất gây nghiện khi được người dùng mới sử dụng gần đây, trong thời gian giới hạn quy định. Các kết quả xét nghiệm máu sẽ khó có thể đạt chính xác khi thời gian sử dụng lần cuối đã lâu hơn vài ngày hay vài tuần. Thời gian cụ thể đối với xét nghiệm máu để có thể xác định được chất gây nghiện tồn tại trong cơ thể đó là:

  • Amphetamine: 12 giờ
  • Cần sa: 2 tuần
  • Cocain: 1-2 ngày
  • Heroin: 12 ngày
  • Ma túy ảo giác: 2-3 giờ
  • Thuốc lắc: 1-2 ngày
  • Ma túy đá: 24-36 giờ
  • Morphine: 6-8 giờ

Xét nghiệm máu giúp cho bác sĩ tiện theo dõi, đánh giá tình hình sức khoẻ và đồng thời còn phát hiện được nhiều bệnh lý hoặc rối loạn có liên quan.

3. Xét nghiệm nước tiểu phát hiện chất gây nghiện nào?

Nước tiểu được sản xuất bởi thận. Thận lọc chất thải ra khỏi máu, giúp điều chỉnh lượng nước trong cơ thể và bảo tồn protein; các chất điện giải và các hợp chất khác mà cơ thể có thể tái sử dụng. Các chất gì không cần thiết đều được thận cố gắng loại bỏ trong nước tiểu.

3.1 Khi nào người ta chọn phương pháp xét nghiệm nước tiểu?

Sau khi chất gây nghiện được đưa vào cơ thể bằng nhiều con đường như hút, chích, uống... thì chắc chắn bước cuối cùng để đào thải mọi chất cũng như thành phần của chất gây nghiện sẽ là đường tiểu bài tiết.

Trong các phương thức xét nghiệm chất gây nghiện thì xét nghiệm nước tiểu thường được pháp y lựa chọn áp dụng nhiều nhất, phổ biến nhất. Bởi vì chúng phù hợp và dễ dàng trong việc lấy mẫu hơn các phương thức khác.

Xét nghiệm phát hiện chất gây nghiện qua nước tiểu vẫn có thể xuất hiện sai sót trong kết quả nếu như người thực hiện xét nghiệm đã tiếp nạp những loại thuốc khác nhau vào cơ thể, ví dụ thuốc tránh thai; thuốc có chất riboflavin, hay creatinine; thuốc lợi tiểu... Không những thế nguyên nhân sai sót có thể do mẫu nước tiểu đã bị pha loãng trong quá trình lấy mẫu, hoặc mẫu xét nghiệm nước tiểu đã bị pha thêm phụ gia thành phần ví dụ: xà phòng, hóa chất cọ rửa vệ sinh, ammonia...

3.2 Xét nghiệm nước tiểu phát hiện chất gây nghiện gì?

Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện mọi chất gây nghiện khi chúng còn tồn tại trong cơ thể người trong khoảng thời gian nhất định. Việc lấy mẫu xét nghiệm chất gây nghiện qua nước tiểu với mỗi thành phần gây nghiện khác nhau cùng thời điểm khác nhau để làm xét nghiệm sẽ cho kết quả có độ chính xác khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố thời gian chất gây nghiện tồn tại trong cơ thể.

  • Amphetamine: 1-3 ngày
  • Cần sa: 7-30 ngày
  • Cocain: 3-4 ngày
  • Heroin: 3-4 ngày
  • Ma túy ảo giác: 1-3 giờ
  • Thuốc lắc: 3-4 ngày
  • Ma túy đá: 3-6 giờ
  • Morphine: 2-3 giờ

Xét nghiệm phát hiện chất gây nghiện qua nước tiểu vẫn có thể xuất hiện sai sót trong kết quả nếu như người thực hiện xét nghiệm đã tiếp nạp những loại thuốc khác nhau vào cơ thể
Xét nghiệm phát hiện chất gây nghiện qua nước tiểu vẫn có thể xuất hiện sai sót trong kết quả nếu như người thực hiện xét nghiệm đã tiếp nạp những loại thuốc khác nhau vào cơ thể

4. Xét nghiệm tóc phát hiện chất gây nghiện nào?

Y học đã chẩn đoán được bệnh khi phân tích máu, nước tiểu, phân, nước não tuỷ, tế bào gan, khối u... thì cũng có thể tìm triệu chứng bệnh khi nghiên cứu một sợi tóc.

4.1 Vì sao có thể xét nghiệm tóc có thể phát hiện chất gây nghiện?

Do tóc được nuôi dưỡng trong cơ thể bằng máu, nên mỗi nang tóc sẽ tích lũy đầy đủ các thành phần trong máu, từ máu, từ bạch huyết, có thể kể đến các thành phần như: các kim loại xâm nhập vào cơ thể, các loại thuốc, các chất kích thích, chất gây nghiện, ma tuý...

Bên cạnh đó, những thành phần này có thời gian tồn tại trong tóc lâu hơn rất nhiều so với thời gian tồn tại trong máu, vì vậy xét nghiệm ma túy trong tóc cho kết quả chính xác cao nhất.

Qua xét nghiệm tóc, bác sĩ còn xác định chính xác thời điểm ma túy được đưa vào cơ thể từ bao giờ, đã sử dụng chất gây nghiện bao lâu, dựa trên căn cứ thành phần ma tuý nằm trên đoạn nào sợi tóc.

Có thể xét nghiệm ma túy trong tóc vì các thành phần nguyên tố vi lượng khi đưa vào trong cơ thể hay tập trung trong tóc với một nồng độ đỉnh điểm cao hơn cả chục lần khi tồn tại trong huyết thanh hay nước tiểu. Kết quả xét nghiệm thực tế cho thấy, các loại ma túy, chất gây nghiện khác như barbiturat, amphetamin... đều bắt đầu thấy tồn tại trong tóc sau 3 tháng kể từ lần sử dụng cuối cùng bằng đường tiêm hoặc uống. Hơn nữa, người nghiện ma túy khó vượt qua được 3 tháng không tái sử dụng chất gây nghiện.

4.2 Xét nghiệm ma túy trong tóc dễ dàng hơn

  • Khi thu mẫu ít gặp phải trở ngại, khó khăn so với mẫu máu và mẫu nước tiểu.
  • Bảo quản dễ dàng do tóc không bị phân hủy như chất dịch hoặc mô của cơ thể.
  • Phân tích ma túy trong tóc cho cửa sổ phát hiện rộng hơn so với mẫu nước tiểu, máu cho nên có nhiều ưu thế trong việc hồi cứu tìm nguyên nhân và kết quả được xem như có tính toàn diện hơn.

4.3 Xét nghiệm tóc phát hiện chất gây nghiện gì?

Phân tích ma túy trong tóc có thể mở rộng việc kiểm tra độc tính của những "thuốc" thông thường và do đó đóng góp thêm những thông tin quan trọng để đánh giá với trường hợp cụ thể. Xét nghiệm tóc có thể phát hiện được tất cả các loại chất gây nghiện được sử dụng lần cuối trong tối đa 3 tháng gần nhất.

Một trong những lý do khiến các xét nghiệm ma túy trong tóc không chính xác tuyệt đối là do mỗi loại chất gây nghiện khác nhau có thời gian tồn tại trong cơ thể khác nhau:

  • Amphetamine: tồn tại tối đa 90 ngày
  • Cần sa: tối đa 90 ngày
  • Cocain: tối đa 90 ngày
  • Heroin: tối đa 90 ngày
  • Ma túy ảo giác LSD: tối đa 3 ngày
  • Thuốc lắc (MDMA): tối đa 90 ngày
  • Ma túy đá (Methadone): tối đa 90 ngày
  • Morphine: tối đa 90 ngày

Các xét nghiệm chất gây nghiện nên tiến hành tại các cơ sở bệnh viện,trong đó xét nghiệm tóc rất khó để làm giả kết quả.

5. Xét nghiệm nước bọt phát hiện chất gây nghiện nào?

5.1 Khi nào người ta chọn phương pháp xét nghiệm nước bọt?

Sau khi sử dụng, ma túy có thể bị chuyển hóa nhanh chóng trong máu. Việc phát hiện các chất chuyển hóa của ma túy thông qua dịch cơ thể (như máu, nước tiểu, nước bọt) có thể tố giác hành vi vừa sử dụng ma tuý.

Kiểm tra để phát hiện chất gây nghiện bằng xét nghiệm nước bọt ngày càng trở nên phổ biến, nhờ có cách thu thập mẫu rất thuận tiện và không xâm lấn. Những năm gần đây, các nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra mối tương quan chặt chẽ về nồng độ của chất gây nghiện và các chất chuyển hóa của chúng trong mẫu máu và trong mẫu nước bọt. Việc lấy mẫu nước bọt được thực hiện bởi cách lấy mẫu trực diện "mặt đối mặt" và do đó ngăn chặn việc giả mạo mẫu và loại bỏ mối lo ngại vi phạm quyền riêng tư. Việc lấy mẫu nước bọt có thể được thực hiện dễ dàng và lặp lại trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

5.2 Xét nghiệm nước bọt phát hiện chất gây nghiện gì?

Thực tế, xét nghiệm nước bọt có thể phát hiện tất cả các chất gây nghiện tồn tại trong cơ thể người trong một giới hạn thời gian nhất định.

Tuy nhiên, cũng như xét nghiệm máu, phương thức xét nghiệm nước bọt trong khoảng thời gian sử dụng chất gây nghiện đã lâu có khả năng kết quả sẽ báo âm tính. Nguyên nhân có thể do thời gian để bán thải ra chất gây nghiện ở trong máu vô cùng ngắn.

Xét nghiệm dù bằng phương thức nào cũng có thể phát hiện được mọi chất gây nghiện còn tồn tại trong cơ thể người tuy nhiên phải trong một khoảng thời gian nhất định mới cho kết quả xét nghiệm chính xác được. Nhiều phương thức sẽ cho kết quả sai sót xảy ra khi thời gian sử dụng chất gây nghiện đã lâu. Vì vậy, khi nghi ngờ có chất gây nghiện trong cơ thể, cần xét nghiệm chẩn đoán sớm để người bệnh có thể được điều trị sớm, vì để lâu ngày chất gây nghiện sẽ bào mòn cơ thể và gây nhiều biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe