HIV (human immunodeficiency syndrome) là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, với đặc trưng là virus tấn công vào hệ miễn dịch khiến miễn dịch cơ thể bị suy giảm, bệnh nhân dễ mắc các loại bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc khối u mà người bình thường khó mắc phải. Xét nghiệm HIV sẽ giúp xác định xem bệnh nhân có nhiễm HIV không nhằm phục vụ cho chẩn đoán và điều trị sớm.
1. Xét nghiệm HIV là gì?
Như đã đề cập, xét nghiệm HIV là kỹ thuật giúp xác định khả năng nhiễm HIV của bệnh nhân qua mẫu máu và dịch sinh học trong cơ thể. Tuy nhiên HIV lại là bệnh không thể phát hiện ra ngay lập tức mà phải cần thời gian để cơ thể tạo ra kháng thể hoặc lượng virus đủ lớn để phát hiện, thời gian này rơi vào khoảng 3-6 tháng trước khi kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Nếu xét nghiệm được thực hiện sớm hơn thì kết quả âm tính giả là điều khó tránh dù thực tế bệnh nhân đã mắc HIV
2. Có mấy loại xét nghiệm HIV?
Xét nghiệm HIV thường gồm 2 loại:
- Loại 1: Là loại xét nghiệm giúp phát hiện kháng thể HIV, và là loại xét nghiệm phổ biến áp dụng trong hầu hết các trường hợp bệnh nhân xét nghiệm vì nghi ngờ có nguy cơ lây nhiễm. Loại này gồm các xét nghiệm như test nhanh, Elisa, Western Blot,...
- Loại 2: Là loại xét nghiệm giúp tìm ra virus HIV trong máu bệnh nhân, thường là xét nghiệm PCR và chỉ áp dụng trong chẩn đoán nhiễm HIV sớm cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
3. Đối tượng nào nên tiến hành xét nghiệm HIV?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì mọi người từ 12-64 tuổi nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần tại các cơ sở y tế uy tín như một phần của khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó một số đối tượng nguy cơ cần được làm xét nghiệm HIV khi có những hành vi sau:
- Sử dụng chung kim tiêm hoặc vật dụng cá nhân với người khác.
- Được chẩn đoán và đang trong quá trình điều trị viêm gan B, viêm gan C hoặc lao.
- Người có quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình, quan hệ đồng tính.
- Người từng mắc các bệnh lây qua đường tình dục như mụn rộp sinh dục, lậu, giang mai, sùi mào gà,...
- Người tiếp xúc với vết thương hở dính máu của bệnh nhân bị nhiễm HIV.
4. Xét nghiệm HIV sau 8 tuần có chính xác không?
Thực tế cho thấy HIV là căn bệnh khá dễ lây nhiễm, đặc biệt đối với những người có lối sống tình dục thiếu lành mạnh, nhưng cũng có các trường hợp vô tình mắc phải như đạp trúng kim tiêm, công an trong quá trình tác nghiệp, bác sĩ bị phơi nhiễm khi thực hiện thủ thuật... Nhưng không giống như các bệnh khác, HIV lại đòi hỏi thời gian tiến triển mới xét nghiệm được xem có mắc bệnh hay không dựa vào xét nghiệm tìm kháng thể HIV phổ biến tại các cơ sở y tế. Thời gian này được gọi là “thời kỳ cửa sổ” vào khoảng 3 tháng sau khi có các hành vi nguy cơ lây nhiễm.
Do đó, nếu xét nghiệm HIV trong khoảng thời gian trước 3 tháng thì kết quả sẽ không chính xác vì kháng thể chưa sản sinh hoặc quá ít, kết quả âm tính cũng không đảm bảo bệnh nhân không mắc HIV. Để khẳng định chắc chắn nên xét nghiệm HIV trong khoảng thời gian 12 tuần với các mốc thời gian như sau:
- Lần 1: Sau 3 tháng kể từ khi thực hiện hành vi nguy cơ lây nhiễm.
- Lần 2: Sau lần thứ nhất 3 tháng (trong thời gian này không được có hành vi gây nguy cơ mới).
Như vậy, xét nghiệm HIV sau 8 tuần vẫn thực hiện được nhưng kết quả chưa chắc chính xác. Nếu kết quả là dương tính thì bệnh nhân đã bị nhiễm HIV, nhưng nếu âm tính cũng chưa thể khẳng định không mắc bệnh và bệnh nhân nên đi xét nghiệm mỗi 2 tháng kể từ lần xét nghiệm đầu tiên cho tới đủ 6 tháng.