HIV là một virus nguy hiểm, có thể lây nhiễm cho cả hai giới, tấn công và phá hủy hệ miễn dịch. Vậy triệu chứng HIV ở phụ nữ là gì?
1. HIV là gì?
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Điểm đặc biệt của HIV là không giống như những virus khác bị hệ miễn dịch của con người tấn công và đào thải, HIV lại có khả năng tấn công và làm suy yếu hệ miễn dịch bằng cách tiêu diệt các tế bào CD4, loại bỏ khả năng phòng vệ của cơ thể người.
Con đường lây truyền của HIV là qua các dịch của cơ thể, bao gồm:
- Máu;
- Tinh dịch;
- Dịch âm đạo và trực tràng;
- Sữa mẹ.
Nhiễm HIV là một tình trạng mạn tính, hiện chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ, HIV có thể bị khống chế, bệnh nhân sẽ có thời gian sống dài gần như người không nhiễm HIV.
Tiến triển bình thường của HIV sẽ trải qua ba giai đoạn: giai đoạn nhiễm HIV cấp, giai đoạn không triệu chứng và giai đoạn cuối AIDS.
2. Triệu chứng HIV ở phụ nữ
Mỗi cá thể khác nhau khi nhiễm HIV sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Thường các dấu hiệu sẽ xuất hiện sau khi nhiễm HIV từ 2 tới 4 tuần, và chúng dễ bị bỏ qua do nhầm tưởng là cảm lạnh hay cúm. Các triệu chứng của HIV thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh.
2.1 Giai đoạn nhiễm HIV cấp
Những dấu hiệu HIV ở nữ giai đoạn đầu hay gặp nhất bao gồm:
- Phát ban trên cơ thể: đa số các bệnh nhân HIV đều gặp các vấn đề về da liễu, và phát ban là triệu chứng phổ biến;
- Sốt: bệnh nhân thường sốt kéo dài, sốt nhẹ (37,7 - 38,2°C);
- Đau họng;
- Đau đầu nghiêm trọng.
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm:
- Sưng hạch bạch huyết: các hạch bạch huyết có ở khắp cơ thể (cổ, gáy, nách, bẹn,...), giữ vai trò miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Khi nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch được kích hoạt, dẫn tới các hạch bạch huyết phát triển lớn lên, gây hiện tượng sưng hạch, có thể kéo dài tới vài tháng;
- Buồn nôn, nôn;
- Mệt mỏi;
- Loét miệng;
- Nhiễm khuẩn âm đạo: âm đạo có thể bị viêm do vi khuẩn hoặc do nhiễm nấm. Triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo bao gồm: cảm giác bỏng rát phía trong và ngoài âm hộ - âm đạo, đau khi quan hệ tình dục, đau khi đi tiểu, dịch âm đạo trắng đục. Dù viêm âm đạo do vi khuẩn hay nhiễm nấm âm đạo đều hay gặp ở phụ nữ bình thường, nhưng với nữ giới nhiễm HIV, tình trạng viêm nhiễm lặp đi lặp lại thường xuyên hơn;
- Đổ mồ hôi ban đêm;
- Đau cơ, đau khớp.
Các triệu chứng của giai đoạn cấp thường biến mất sau một tới hai tuần.
2.2 Giai đoạn không triệu chứng
Khi các triệu chứng của giai đoạn nhiễm HIV cấp tính biến mất là thời điểm bệnh tiến triển tới giai đoạn không triệu chứng. Trong giai đoạn này, bệnh nhân sẽ không biểu hiện bất kỳ một dấu hiệu hay triệu chứng nào, và giai đoạn này kéo dài hàng năm, có thể lên tới 10 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhìn bên ngoài bệnh nhân trông hoàn toàn bình thường, nhưng trong cơ thể bệnh nhân, HIV vẫn tiếp tục nhân lên và tấn công, phá hủy hệ miễn dịch, đồng thời HIV có khả năng lây nhiễm sang người khác.
2.3 Giai đoạn cuối - AIDS
Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối của bệnh - hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Acquired Immuno Deficiency Syndrom - AIDS). Đến thời điểm này, hệ miễn dịch của cơ thể đã bị phá hủy, cơ thể hoàn toàn mất khả năng chống đỡ với các tác nhân gây bệnh, kể cả các tác nhân vốn bình thường không đủ sức gây bệnh ở người.
Các triệu chứng ở nữ giới giai đoạn này bao gồm:
- Tiêu chảy dai dẳng;
- Buồn nôn, nôn;
- Sụt cân nhanh;
- Mệt mỏi;
- Viêm loét trong khoang miệng;
- Viêm nhiễm âm đạo do nhiễm nấm hoặc do vi khuẩn;
- Viêm vùng chậu (Pelvic inflammatory disease - PID): đây là một nhiễm khuẩn ở vùng chậu, bao gồm viêm tử cung, ống fallop và buồng trứng. Viêm nhiễm này rất khó chữa trị và rất hay tái phát;
- Sốt tái diễn;
- Ớn lạnh tái diễn;
- Đổ mồ hôi ban đêm tái diễn;
- Khó thở;
- Ho;
- Sưng hạch bạch huyết kéo dài hoặc dai dẳng;
- Mất trí nhớ, loạn thần hoặc các rối loạn tâm thần khác.
3. Thời điểm xét nghiệm HIV cho nữ giới
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) khuyến cáo mọi người dân trong độ tuổi từ 13 tới 64 tuổi nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời. Phụ nữ có thai cũng được khuyến cáo nên xét nghiệm HIV.
Những phụ nữ có yếu tố nguy cơ nên được xét nghiệm HIV thường xuyên hơn. Các yếu tố nguy cơ đó là:
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn với người không biết rõ tình trạng nhiễm HIV hoặc với người nhiễm HIV nhưng không được điều trị với liệu pháp kháng virus;
- Tiêm chích ma túy có sử dụng chung bơm kim tiêm;
- Bản thân đã nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (ví dụ như giang mai);
- Bản thân mắc lao hoặc viêm gan.
4. Cách phòng tránh HIV ở nữ giới
Một số cách phòng tránh HIV cơ bản dành cho nữ giới bao gồm:
- Không sử dụng ma túy, không dùng chung và không tái sử dụng bơm kim tiêm;
- Sử dụng thuốc dự phòng chống phơi nhiễm HIV cho những người có yếu tố nguy cơ;
- Không thụt rửa sau quan hệ, bởi việc này sẽ làm thay đổi sự cân bằng tự nhiên của hệ sinh vật trong môi trường âm đạo, khiến dễ xảy ra viêm nhiễm hơn, đặc biệt là tăng nguy cơ lây nhiễm với HIV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
- Chung thủy với một bạn tình không nhiễm HIV cũng như không nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác;
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su là cách đơn giản, thuận tiện và rẻ tiền nhất.
Phụ nữ không nhiễm HIV có bạn tình nhiễm HIV sẽ không sợ bị lây nhiễm nếu bạn tình được điều trị kháng virus theo đúng phác đồ, tải lượng virus đo được dưới 200 copies/mL máu. Tuy nhiên bao cao su vẫn được khuyến cáo nên sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Healthline, Medical News Today.