Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Khi có kết quả xét nghiệm HIV âm tính, người bệnh vẫn nên xét nghiệm lại sau từ 1-3 tháng để tránh việc kết quả xét nghiệm là âm tính giả, xét nghiệm HIV giai đoạn cửa sổ cho kết quả âm tính dù thực tế là đã nhiễm bệnh HIV.
1. Thời kỳ "cửa sổ" trong xét nghiệm HIV là gì?
1.1 Các xét nghiệm HIV
- Xét nghiệm tìm kháng nguyên (một phần của virus)
- Xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus HIV. Kháng thể này do cơ thể người nhiễm HIV tạo ra để chống lại virus HIV.
- Hoặc có thể xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể.
Tuy nhiên có thể mất khoảng 2 tuần để phát hiện kháng nguyên trong cơ thể bằng xét nghiệm và hơn 3 tuần để cơ thể tạo đủ lượng kháng thể. Ở một số ít người, quá trình này có khi mất đến vài tháng.
1.2 Khái niệm thời kỳ cửa sổ trong xét nghiệm HIV
Do cơ thể mất thời gian để tạo ra kháng thể và một thời gian mới phát hiện được kháng nguyên của virus HIV. Nên có khái niệm về “Thời kỳ cửa sổ”.
Thời kỳ cửa sổ trong xét nghiệm HIV là khoảng thời gian giữa thời điểm thật sự bị nhiễm HIV ( là thời điểm virus xâm nhập vào cơ thể) cho đến lúc phát hiện HIV bằng các xét nghiệm. Thời gian này khi làm xét nghiệm sẽ cho kết quả âm tính trong khi người làm xét nghiệm thực sự đã bị nhiễm HIV rồi. Tuy nhiên hiện nay các xét nghiệm HIV ngày càng thu hẹp thời gian này và làm giảm cơ hội kết quả âm tính giả - tức là thật sự nhiễm HIV nhưng kết quả âm tính.
2. Xét nghiệm HIV âm tính là gì?
Xét nghiệm HIV âm tính có hai trường hợp xảy ra là âm tính thật sự và âm tính giả.
2.1 Xét nghiệm HIV âm tính thật sự
Khi kết quả trả về là âm tính (Negative), điều này có nghĩa là người xét nghiệm không bị nhiễm bệnh.
2.2 Xét nghiệm âm tính giả
Trong một số ít trường hợp kết quả âm tính không đúng thực tế (âm tính giả), nghĩa là người bệnh đã mắc HIV nhưng kết quả xét nghiệm lại cho thấy không nhiễm virus HIV.
Xét nghiệm HIV giai đoạn cửa sổ sẽ cho kết quả âm tính giả. Cơ thể người làm xét nghiệm đã nhiễm virus HIV nhưng cơ thể lại chưa kịp tạo ra kháng thể chống lại virus HIV, do đó khi xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Các trường hợp có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ nhưng khi xét nghiệm lại âm tính nên lặp lại một xét nghiệm HIV trong 1-3 tháng sau đó là cần thiết để đảm bảo có hay không nhiễm HIV vì rất có thể thời điểm làm xét nghiệm đang trong giai đoạn cửa sổ.
3. HIV giai đoạn cửa sổ có lây không?
Trong thời kỳ cửa sổ dù có xét nghiệm âm tính nhưng thực tế virus đã xâm nhập vào cơ thể và đang sinh sôi phát triển mạnh mẽ. Nên dù là trong thời kỳ cửa sổ, người nhiễm bệnh vẫn có thể lây truyền HIV cho người khác.
Chính vì có thể lây cho người khác nên dù kết quả xét nghiệm âm tính thì người bệnh vẫn cần chủ động phòng tránh, sử dụng các biện pháp bảo vệ cho những người xung quanh trong thời gian này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.