Xét nghiệm CEA cho bệnh ung thư là gì?

Sau khi được chẩn đoán ung thư, diễn tiến khối u thường không biểu hiện rõ ràng. Bác sĩ cần làm thêm xét nghiệm kháng nguyên CarcinoEmbryonic Antigen - gọi tắt là CEA, để đo protein trong máu. Xét nghiệm CEA giúp theo dõi diễn tiến bệnh cũng như hiệu quả của phác đồ điều trị đang áp dụng.

1. Tổng quan về xét nghiệm CEA

CEA (CarcinoEmbryonic Antigen) là một loại protein có trong cơ thể. Tế bào ruột của thai nhi trong bụng mẹ có mức độ CEA cao nhất và sẽ giảm dần sau khi sinh. Người trưởng thành khỏe mạnh có nồng độ protein này rất thấp, nhưng một số loại ung thư, nhất là ung thư tế bào biểu mô, có thể khiến chỉ số tăng lên cao hơn mức bình thường.

Vì bệnh nhân mắc một số loại ung thư có mức độ protein CEA cao, nên bác sĩ có thể sử dụng CEA như một “marker ung thư” để tìm hiểu thêm về tình trạng ung thư hiện tại. Chất chỉ điểm ung thư là những protein có tính kháng nguyên, do các tế bào sản xuất ra để đáp ứng với một số bệnh. Bên cạnh CEA, một số marker ung thư, hay còn gọi là chất chỉ điểm ung thư, khác bao gồm: AFP (chẩn đoán và theo dõi ung thư gan), Beta hCG (ung thư tinh hoàn), CA 125 (ung thư buồng trứng), CA 15-3 (ung thư vú), CA 19-9 (ung thư tụy, đường mật, đường tiêu hoá và đại trực tràng), CT (ung thư tuyến giáp), PSA (ung thư tiền liệt tuyến),...

Xét nghiệm CEA giúp dự đoán khả năng tế bào ung thư tiến triển hoặc lan sang các bộ phận khác trong cơ thể (ung thư di căn), cũng như cho biết hiệu quả của phác đồ điều trị hiện tại và dự đoán tiên lượng của bệnh nhân.

Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.

Bài dịch từ: webmd.com

2. Chỉ định làm xét nghiệm CEA

Ban đầu, bác sĩ sẽ không sử dụng xét nghiệm CEA để chẩn đoán ung thư vì thiếu sự chính xác. Nói cách khác, xét nghiệm này không dùng để sàng lọc ung thư vì nhiều căn bệnh khác cũng khiến nồng độ protein CEA tăng lên. Hơn nữa, một số người mắc bệnh ung thư nhưng không có mức CEA cao.

Bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm CEA nếu bạn đã được chẩn đoán mắc một trong những loại ung thư sau đây:

Xét nghiệm CEA có thể giúp bác sĩ lên kế hoạch và theo dõi điều trị ở bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư. Mục tiêu làm xét nghiệm sẽ khác nhau đôi chút tùy vào thời điểm tiến hành, cụ thể:

  • Sau khi được chẩn đoán ung thư: Giúp bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị phù hợp;
  • Trong quá trình điều trị ung thư: Để đánh giá hiệu quả hoạt động của hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hoặc các liệu pháp khác;
  • Sau khi điều trị: Phát hiện những tế bào ung thư quay trở lại (phổ biến nhất).

Bệnh nhân ung thư vú được chỉ định thực hiện
Bệnh nhân ung thư vú được chỉ định thực hiện

3. Chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm

Người bệnh thường không cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm, nhưng hãy cho bác sĩ biết nếu bạn:

  • Là người có hút thuốc;
  • Đang mang thai;
  • Uống aspirin hoặc các loại thuốc chống đông máu khác.

Nhìn chung, người bệnh cần khai báo với nhân viên y tế về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả những vitamin, chất bổ sung và thuốc không kê toa khác.


Bệnh nhân đang mang thai cần báo cho bác sĩ trước khi xét nghiệm
Bệnh nhân đang mang thai cần báo cho bác sĩ trước khi xét nghiệm

4. Quy trình xét nghiệm CEA

Nếu chỉ cần lấy một mẫu máu của bạn, xét nghiệm CEA thường được thực hiện trong phòng khám. Nhân viên y tế sẽ đặt một cây kim vào tĩnh mạch trong cánh tay bệnh nhân để rút máu. Khi kim đâm vào, bạn có thể bị:

  • Chảy máu nhẹ;
  • Nhiễm trùng;
  • Bầm tím;
  • Chóng mặt;
  • Cảm thấy đau nhói nhẹ như kiến cắn;
  • Đau nhức ở vị trí đâm kim.

Nhìn chung, xét nghiệm CEA là khá đơn giản và an toàn, hiếm khi gặp biến chứng đáng kể. Mức độ đau sẽ phụ thuộc vào kỹ năng lấy máu của điều dưỡng, tình trạng tĩnh mạch và tính nhạy cảm với cơn đau. Sau khi lấy máu, bạn cần băng ép nhẹ lên vùng chọc kim và có thể trở lại hoạt động bình thường ngay.

Đôi khi, nồng độ CEA cũng sẽ được kiểm tra trong một chất dịch cơ thể khác, chẳng hạn như:

  • Dịch não tủy (từ cột sống);
  • Dịch phúc mạc (từ màng bụng);
  • Dịch màng phổi (từ khoang màng phổi).

Những xét nghiệm trên mang tính phức tạp hơn, nên đòi hỏi phải được tiến hành trong bệnh viện.


Nồng độ CEA cũng sẽ được kiểm tra trong dịch não tủy
Nồng độ CEA cũng sẽ được kiểm tra trong dịch não tủy

5. Kết quả xét nghiệm CEA

Mẫu máu của bạn sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra các tế bào ung thư bằng một thiết bị đặc biệt. Thông thường, xét nghiệm CEA được tiến hành bằng hai nhóm kỹ thuật chính là ELISA và hóa phát quang miễn dịch. Nếu người bệnh có yêu cầu xét nghiệm nhanh thì có thể trả kết quả sau 40 phút tính từ khi lấy máu.

Kết quả bình thường là ít hơn 5 nanogram CEA trên mỗi ml máu. Khoảng giá trị bình thường này có thể không thống nhất vì các cơ sở thực hiện xét nghiệm sẽ khác nhau. Tùy theo các phủ tạng khác nhau, tỷ lệ các bệnh nhân ung thư có tăng CEA > 5 ng/ml thường dao động từ 50 - 70%. Mức CEA cao hơn và tăng theo thời gian có thể báo hiệu các tế bào ung thư đã tiến triển lan rộng hoặc quay trở lại sau khi kết thúc điều trị.

Tuy nhiên nồng độ CEA cao không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn bị ung thư. Những tình trạng khác cũng làm tăng chỉ số protein này, chẳng hạn như:

Ngược lại, kháng nguyên CEA bình thường cũng không loại trừ khả năng ung thư, vì có tới 30 - 50% bệnh nhân ung thư nhưng nồng độ CEA lại không cao. Người đang mang thai hoặc thường xuyên hút thuốc cũng có mức CEA cao hơn bình thường, nhưng ít khi vượt quá 10 ng/ml.

Bệnh nhân sẽ được giải thích ý nghĩa kết quả xét nghiệm của mình. Trong trường hợp khối u ung thư đã tiến triển, bác sĩ sẽ xem xét các lựa chọn điều trị khác phù hợp hơn.

Tóm lại, CEA là một kháng nguyên có ở tế bào ruột của thai nhi và giảm rất thấp ở người trưởng thành khỏe mạnh, chỉ còn khoảng 0-5 ng/ml. Bệnh nhân mắc một số loại ung thư và những tình trạng khác sẽ có nồng độ CEA tăng lên. Xét nghiệm CEA giúp định hướng chẩn đoán ung thư và theo dõi điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân có nồng độ CEA cao trước điều trị.

Như vậy, chỉ dựa vào chỉ số xét nghiệm CEA cao chưa thể đánh giá được chính xác bệnh lý mà bạn đang gặp phải. Để chẩn đoán chính xác nhất, tốt hết bạn nên mang kết quả khám đến gặp bác sĩ. Sau khi khám lâm sàng và xem xét kết quả, nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác như: Chụp X-quang, siêu âm, sinh thiết... để chuẩn đoán bệnh lý ung thư chính xác hơn.

Bệnh ung thư vốn dĩ vẫn không chừa một ai, ước tính trên thế giới hàng năm có một tỷ lệ người tử vong do bệnh ung thư rất lớn. Thực tế, nếu bệnh ung thư có thể phát hiện ở giai đoạn sớm thì tiên lượng điều trị bệnh rất cao, thậm chí có thể khỏi hẳn và không tái phát. Vì thế, việc tầm soát ung thư là việc làm cần thiết, nhất là với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe